Công văn được gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn nêu rõ, để bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT làm rõ một số nội dung.
Đối với quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp:Thứ nhất, đối với quy định chức chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tương ứng và chuyển hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo nội dung Công văn, khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS từ các Thông tư liên tịch số: 20/2015/TT-BGDĐT – BNV, 21/2015/TT-BGDĐT – BNV, 22/2015/TT-BGDĐT – BNV, sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại chùm thông tư 01-04 và Thông tư 08 chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.
Thứ hai, khi thực hiện việc chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cho các trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển.
Thứ ba, sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Ảnh minh họa. |
Về việc xác định tương đương đối với các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từng hạng, Công văn số 4306 có nêu, các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (theo hạng) cấp trước ngày 30/6/2022 được xác định là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định của mỗi cấp học. Chứng chỉ này được dùng để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Ví dụ: Giáo viên A đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II. Giáo viên A đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II và hạng III được cấp trước ngày 30/6/2022, giáo viên A được sử dụng một trong các chứng chỉ bồi dưỡng này để đăng ký tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng lên CDNN giáo viên mầm non hạng I.
Với trường hợp giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (theo hạng) cấp từ ngày 30/6/2022 cho đến ngày 11/7/2023 thì liên hệ với cơ sở bồi dưỡng (nơi cấp chứng chỉ) để được bồi dưỡng cập nhật và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng thay thế.
Về yêu cầu khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số, Công văn số 4306 viện dẫn, như đã nêu tại điểm a mục 1.1, khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS từ các Thông tư liên tịch số 20/2015/TT- BGDĐT-BNV, 21/2015/TT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Trường hợp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì việc đánh giá yêu cầu khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số thực hiện theo hướng dẫn về minh chứng tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT.
Giáo viên mầm non cốt cán trong một khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức. |
Về quy định thời gian giữ hạng tương đương:Thứ nhất, trường hợp bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở từ hạng II cũ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TT- BGDĐT-BNV, 22/2015/TT-BGDĐT-BNV sang hạng II mới theo quy định tại các Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT.
Thời gian để được xét bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học THCS hạng II mới bao gồm: Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”,thời gian giữ các ngạch giáo viên, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và hạng II và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương khi thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp (không kể thời gian tập sự).
Thứ hai, đối với trường hợp giáo viên tiểu học, THCS hạng III đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II.
Từ thời điểm giáo viên đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của cấp học, thời gian được xác định tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng III mới bao gồm: Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; thời gian giữ các ngạch giáo viên tương đương với hạng IV và hạng III;
Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng IV và hạng III và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương với hạng IV và hạng III khi thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp (không kể thời gian tập sự).
>>>>>>>>>>>>>>XEM CHI TIẾT CÔNG VĂN TẠI ĐÂY
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn CDNN trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nghiên cứu quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT và một số nội dung hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn này để triển khai thực hiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên theo đúng quy định để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.