Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Bắc Sơn - Ủy viên TƯ. Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí Cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời đưa ra con số thống kê: hiện cả nước có 849 cơ quan báo in; 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 báo, tạp chí điện tử; 1 hãng thông tấn quốc gia.
Nguồn nhân lực báo chí trung bình hàng năm tăng khoảng 6,5%. Nếu như năm 2009 cả nước chỉ có khoảng 31.000 người công tác trong lĩnh vực báo chí thì đến nay là 35.000 người. Trong đó có 18.000 nhà báo.
Đa số đội ngũ đều có trình độ CĐ, ĐH trở lên. Cụ thể, những người làm báo có trình độ dưới ĐH mỗi năm giảm 1%. Nếu như năm 2009, tỉ lệ nhân lực có trình độ ĐH là 85%, trên ĐH là 4% thì đến 2014 đã nâng lên thành con số tương đương 91% và 4,9%.
Xoay quanh chủ đề đội ngũ làm báo cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, nhà báo Hữu Thọ chỉ rõ: Bên cạnh những nhà báo tài năng, khiêm tốn, tận tụy, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử xã hội của một số người như thái độ trịch thượng, ngạo mạn, cố chấp, khi sai không nhận lỗi, không cải chính....
"Theo tôi, đạo đức người làm báo, nói rộng ra là văn hóa báo chí đang có những vấn đề không nhỏ. Tôi nghĩ Đại hội nhà báo sắp tới nên có thời gian thỏa đáng từ đại hội cơ sở để bàn sâu sắc trên tinh thần tự phê bình nghiêm khắc theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ - Người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam" - nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo - nhân tố quyết định tính chinhs trị, tính thuyết phục, tính hiệu quả xã hội của mỗi sản phẩm báo chí. Điều đó cần được thể hiện trước hết trong việc tuyên truyền những vấn đề thời sự nhạy cảm, với việc quyết dịnh lực chọn vấn đề, liều lượng, mức độ, thời điểm thông tin, nhằm đáp ứng và trúng lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Có ý kiến cho rằng công tác đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông trong thời gian tới cần có bước đột phá ngay từ công tác tuyển sinh, tiếp đến là chương trình và đổi mới phương pháp dạy học.
Ngoài các môn học mà các nhà trường đang dạy sinh viên hiện nay cần có sự phân ban đề đào tạo các phóng viên tương lai am hiểu sâu về các lĩnh vực, các chuyên ngành, phục vụ đắc lực cho công việc làm báo sau này khi các em ra trường.
Việc dạy kỹ năng cho sinh viên báo chí cũng cần thực tế hơn, từ nghiệp vụ đến ngoại ngữ, tác nghiệp báo chí đa phương tiện. Đội ngũ giảng viên cũng nâng cao trình độ, phải là nhà báo giỏi, có kinh nghiệm thực tế.