1. Việc chọn các môn thi và tổ hợp bài thi phải xuất phát từ năng lực thật sự của mình, tránh việc ôn thi và chọn bài thi theo xu thế và phong trào. Tại trường ta có một số em học sinh do chọn sai nên kết quả các đợt khảo sát rất thấp, đó chính là những em đã không đánh giá chính xác được khả năng thật sự của mình.
Một số em học sinh sau một thời gian ôn tập đã thực hiện việc chuyển môn, đổi khối và có được kết quả khá tốt trong các kì thi đại học, cao đẳng và thành đạt trong lĩnh vực mình thay đổi sau này.
2. Việc ôn thi cần được xây dựng và nên kế hoạch một cách hợp lí, tránh việc giai đoạn đầu thì học ít, ôn ít, sau đó đến lúc gần thi mới lao đầu vào học, mà hiệu quả của việc ôn thi vẫn không cao. Thông thường, với học sinh trường THPT Thuận Thành số 1, việc ôn tập đã được nhà trường xây dựng và bố trí từ khi học chương trình lớp 10 cho đến hết lớp 12.
3. Không học thêm quá nhiều mà không có thời gian tự học, như thế việc ôn tập của các em mới chủ động và hiệu quả. Thực tế có khá nhiều em gần như suốt 3 năm đều dành hết thời gian cho học thêm hiệu quả vẫn rất thấp, đó chính là việc chưa có “công sức” của chính bản thân các em mà kiến thức hoàn toàn của các thầy cô giáo.
Thông thường , mỗi tuần các em chỉ nên đi học thêm khoảng từ 3 đến 4 buổi, đặc biệt tránh việc học nhiều ca một ngày, học vào các thời điểm mà khả năng lĩnh hội kém hiệu quả như từ 12 giờ đến 14 giờ, từ 17 giờ đến 19 giờ, hoặc học quá khuya.
4. Không nên học quá nhiều thầy cô giáo cho một môn học, nhiều em cho rằng như vậy là mình sẽ tham khảo được nhiều kiến thức và phương pháp của các thầy cô. Thực tế thì không phải em nào cũng đủ khả năng sàng lọc, lĩnh hội được tất cả những nội dung mà thầy cô truyền đạt, hướng dẫn. Theo chúng tôi việc lựa chọn thầy cô phù hợp với khả năng, trình độ của mình sẽ là cách lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nhất, không nên chọn thầy cô theo xu thế, danh tiếng.
5. Kết hợp và phát huy tốt việc học trên lớp và việc học thêm, nhiều học sinh cho rằng việc học thêm là đủ do đó không đến lớp, không ghi chép bài… coi thường kiến thức trong sách giáo khoa và các bài giảng trên lớp. Với những em học sinh đó thường kết quả không cao do chỉ có ngọn mà không có gốc.
6. Với mỗi môn học nên tìm ra và xây dựng cho mình một phương pháp học phù hợp, đặc trưng. Ví dụ đối với các môn Khoa học Tự nhiên cần tăng cường khả năng thực hành, làm bài tập và so sánh như vậy vừa nắm được kiến thức lí thuyết vừa nắm chắc các dạng bài và kĩ năng làm bài.
Đối với các môn khoa học xã hội , kiến thức rất nhiều khó nhớ, khó thuộc cần tăng cường khả năng đọc, nghe, ngẫm và đặc biệt việc liên hệ thực tế sẽ là một phương pháp học hiệu quả nhất.
7. Không nên học quá lệch, nhiều em cho rằng chỉ cần học 3 môn thi theo khối là đủ. Đó là quan niệm và cách chọn lựa hoàn toàn sai lầm. Việc học đều, đủ các môn sẽ góp phần bổ sung cho kiến thức của vừa sâu vừa rộng hơn, vừa tránh quá tải khi tập trung quá nhiều thời gian vào một môn học nào đó.
Thực tế, các môn học không chỉ bổ sung kiến thức cho nhau mà còn góp phần hỗ trợ chúng ta cả về tư duy và sự sáng tạo. Ngoài ra, sau khi đỗ vào các trường và đặc biệt sau này khi đi làm việc có kiến thức đủ ở các môn sẽ góp phần tạo nên sự thành công của mình.
8. “ Học thầy không tày học bạn” đó cũng là lời khuyên dành cho các bạn thí sinh trong quá trình ôn tập. Ngoài việc học trên lớp, học thêm, việc trao đổi giữa các bạn học sinh, việc tổ chức học nhóm, học theo cặp cũng sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc ôn tập do các bạn cùng trang lứa dễ thẳng thắn trao đổi, chia sẻ.
9. Ngoài việc ôn thi, việc rèn kỹ năng làm bài, tham gia các đợt thi thử cũng sẽ góp phần nâng cao kinh nghiệm và khả năng va chạm để các em tăng thêm sự tự tin và bản lĩnh hơn trong đợt tham gia thi chính thức.