9 lời khuyên hữu ích bố mẹ khi con chuẩn bị vào lớp 1

Đối với một đứa trẻ 6 tuổi, bắt đầu đi học lớp 1 đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc sống mới. 

9 lời khuyên hữu ích bố mẹ khi con chuẩn bị vào lớp 1

Đứa trẻ phải làm quen với môi trường mới, với cô giáo mới, bạn bè lạ. Đó cũng là lý do khiến bố mẹ lo lắng. 

 Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã đưa ra 9 lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh chuẩn bị có con vào học lớp 1.

1. Hãy nhớ lại và khẳng định – con học lớp Một là con bắt đầu một bước trưởng thành và đó là lý do để vui

Các bậc phụ huynh không nên để cảm xúc tiêu cực lấn át cảm xúc tích cực lẽ ra phải có. Việc tạo cho trẻ cảm xúc vui vẻ, hào hứng quan trọng hơn là tìm lớp học thêm để học trước, chỉ chăm lo sao cho khi vào lớp con đã đọc thông viết thạo.

Cả gia đình hãy luôn nhắc đến sự kiện con sắp vào lớp một với sự phấn khởi, thậm chí, tỏ ra thán phục.trẻ cần có ý nghĩ rằng: mình đã lớn!

Bố mẹ cùng xem lại album ảnh với những hình ảnh của con từ hồi bé tí cho đến bây giờ, để con thấy, thực sự con đã lớn và đi học là một sự kiện đáng để con tự hào. Sau đó, bố mẹ cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập thật đầy đủ, thật gọn gàng, đẹp mắt.

Hướng dẫn trẻ bọc vở, cất sách vở ngăn nắp, cùng trẻ lập sẵn thời khóa biểu với những hình vẽ của bố mẹ, của con.

Nghĩa là cả nhà cùng nhau hướng tới sự kiện đi học của trẻ. Cảm xúc tích cực và an tâm là bố mẹ luôn là “hậu thuẫn” là đồng minh của mình... sẽ khiến trẻ bước vào chặng đường mới một cách tự tin và hứa hẹn một khởi đầu tốt đẹp.

2. Quy luật: ta chỉ sợ những gì ta không biết

9 loi khuyen huu ich bo me khi con chuan bi vao lop 1 - Anh 2

Nhiều khi sự tưởng tượng khiến nỗi sợ càng lớn hơn. Có nghĩa là, hãy cố gắng cùng con tìm cách “biết” nhiều hơn về môi trường mới, chuẩn bị tốt về mặt tâm lý để con có được sự tự tin khi xung quanh là người lạ.

Bố mẹ có thể dành thời gian cùng trẻ đến tham quan ngôi trường con sẽ học, lớp học của con ở đâu, biết tên cô giáo, biết các phòng chức năng khác của trường, chỗ chơi, thư viện, phòng vệ sinh.

Có thể cùng nhau tưởng tượng những tình huống khó khăn có thể xảy ra và giải quyết trong tưởng tượng, giống như một trò chơi.

3. Ngoài việc chuẩn bị về mặt tâm lý, trẻ cần được chuẩn bị tốt về mặt thể chất

9 loi khuyen huu ich bo me khi con chuan bi vao lop 1 - Anh 3

Hãy quan tâm đến việc nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ bằng việc uống vitamin, tranh thủ để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên như chạy nhảy, đi dã ngoại trong mùa hè trước khi con đi học, nếu có thể đi biển được thì càng thêm tốt, đồng thời cùng trẻ làm quen với chế độ sinh hoạt mới cho phù hợp như dậy mấy giờ, ăn sáng lúc nào, tối đi ngủ mấy giờ để đảm bảo sức khỏe khi đi học và tăng khả năng tập trung lúc ngồi học.

Nghĩ ra một bài tập thể dục vui nhộn để khởi động một ngày của trẻ. Có thể làm điều này cùng một bài hát, một bản nhạc quen thuộc hoặc trẻ yêu thích.

4. Hãy tìm mọi cách hỗ trợ cho sự tự tin

Có nhiều cách để làm trẻ thêm tự tin khi đến môi trường mới. Đó là quần áo mới sạch thơm gọn gàng. Đó là sách vở, đồ dùng học tập được chuẩn bị đầy đủ.

Đó là việc tranh thủ làm quen với một vài bạn học cùng lớp, với bố mẹ các bạn ấy để trao đổi thông tin, giao lưu, nhắc nhở nhau về những việc cần làm, hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Phụ huynh cần chủ động tạo ra một cộng đồng nhỏ khi chưa và không thể ngay lập tức biết hết tất cả các bạn, các phụ huynh trong lớp.

Trò chuyện với cô giáo và nhắc đến cô giáo hàng ngày ở nhà với sự thân tình. Điều đó khiến trẻ sẽ an tâm hơn.

Tuyệt đối không dọa con như “Mẹ sẽ đến nói với cô để cô có ý kiến với con”, “Ăn nhanh lên không mẹ sẽ thông báo với cô giáo để cô phê bình trước lớp, lớp 1 rồi mà còn ăn chậm như mẫu giáo ấy!”…

5. Rèn luyện thói quen… ngồi yên và tập trung

9 loi khuyen huu ich bo me khi con chuan bi vao lop 1 - Anh 4

Trước và trong khoảng thời gian đầu năm học mới, bố mẹ hãy “bí mật” rèn luyện cho con cách ngồi học tập trung trong vòng 10 phút và tăng dần cho đến 20 phút.

Không nhất thiết phải ép con ngồi học mà con có thể thực hiện bất kỳ hành động gì, bài tập gì, miễn là ngồi được một chỗ chăm chú trong một khoảng thời gian nhất định mà không chán.

Ví dụ, cùng chơi xếp hình, ghép hình với con, cùng vẽ với con, cùng đọc truyện xem tranh… Nhất thiết phải ngồi làm ở bàn học chứ không phải ngồi dưới sàn nhà hoặc trên giường.

6. Chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với con

Bất kỳ vấn đề nào con gặp phải ở trường cũng có thể khiến con rơi vào trạng thái stress. Nhưng bất kỳ trạng thái stress nào cũng giải tỏa được nếu có thể chia sẻ với người thân.

Bố mẹ hãy chủ động kể cho con nghe những câu chuyện ngày xưa đi học của mình, tìm những chi tiết vui vẻ, hài hước khiến những buổi thủ thỉ trò chuyện giữa bố mẹ và con cái trở nên thú vị, nhẹ nhàng.

Những ngày đầu tiên con đi học, hãy tìm thời gian trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Trò chuyện chứ không phải “moi thông tin” và kiềm chế không phát biểu đánh giá, chê bai, phê phán con hoặc các bạn con.

Hưởng ứng cảm xúc của trẻ - cười cùng trẻ, cố gắng đồng cảm với đánh giá của trẻ trước một sự việc nào đó. Ví dụ: “Ừ, công nhận là thế thì buồn cười thật.” “Mẹ cũng thấy thế là không hay lắm, con nói đúng đấy…”.

7. Không tạo thêm sức ép cho con và cho mình

Những đứa trẻ bắt đầu có sự thay đổi trong môi trường sống thường bị kêu ca là nhõng nhẽo hơn, dễ xúc động hơn, dễ cáu và bướng bỉnh hơn. Đó chính là những biểu hiện ban đầu của stress.

Chúng sẽ qua đi nếu bố mẹ kiên nhẫn đợi chúng qua đi. Đừng “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách mắng, quát, phát cáu lên: “Sao đi học mà hư thế? Sao dạo này khó bảo thế?,” hay thậm chí là dùng đến bạo lực, đòn roi.

Những ngày đầu tiên đi học, bố mẹ hãy chịu đựng một chút nếu về nhà trẻ nói to hơn thường ngày, dễ khóc nhè hơn, đồ chơi để bừa bộn hơn…

Phụ huynh có thể giúp trẻ làm những việc mà trước đó con thường làm một cách tự lập, nhưng giao hẹn với sự thấu hiểu:

“Mẹ biết hôm nay con đi học rất mệt nên mẹ giúp con dọn đồ chơi nhé? Mấy hôm nữa con quen rồi, hết mệt thì con lại làm nhé.”

Đương nhiên cũng không thái quá đến mức nuông chiều, con đòi gì cũng cho, mua quà cáp để bù đắp...

8. Hướng dẫn cách học chứ không kèm học

Có thể các bố mẹ đều muốn giúp đỡ con những lúc ban đầu, cùng học với con, ngồi bên cạnh sốt ruột nhìn con tô tô vẽ vẽ, làm toán – vội vàng chỉ ra chỗ sai và giục con làm lại.

Bố mẹ có thể hướng dẫn con nhưng không nên tạo cho con một thói quen như một phản xạ có điều kiện: cứ học là bố mẹ ngồi bên hoặc cứ bố/mẹ ngồi bên thì mới học.

Trẻ cần có góc học tập riêng, khoảng không gian riêng để con được thử nghiệm, tự suy nghĩ hình thành thói quen độc lập tư duy.

Con có thể viết xấu, viết sai, sau đó tự nhận ra cái xấu, cái sai và tự mày mò tìm cách sửa… Như thế sẽ bình tĩnh hơn rất nhiều nếu lúc nào cũng có ai đó luôn kè kè ở bên.

Việc này sẽ cản trở quá trình tư duy độc lập của con người. Khi xem bài cho con, hướng dẫn con, hãy đề nghị trẻ mang vở, mang sách ra bàn của bố mẹ chứ không thực hiện điều ấy ở bàn học của riêng con.

9. Và cuối cùng, hãy thư giãn cùng nhau

9 loi khuyen huu ich bo me khi con chuan bi vao lop 1 - Anh 5

Bố mẹ hãy tâm niệm rằng: lớp Một quan trọng thật đấy nhưng dù sao cũng mới chỉ là lớp Một mà thôi.

Phía trước là cả một quãng đời rộng lớn. Vì thế, hãy suy nghĩ giản đơn hơn, không nên quan trọng hóa vấn đề, không thổi phồng chuyện Đi Học trở thành chuyện kinh khủng khó chịu.

Gia đình hãy cùng nhau chơi đùa nhiều hơn khi ở nhà để bé được giải tỏa mọi ức chế về thần kinh có thể có trong những ngày đầu tiên đến lớp.

Hãy luôn nhớ: mọi điều sẽ qua đi, chỉ có cảm xúc tốt và ấn tượng đẹp là còn lưu lại, nhớ mãi. Chúc các bậc phụ huynh có thể cùng các em bé lớp Một của mình xây dựng, lưu giữ những cảm xúc tích cực của năm đầu tiên cắp sách đến trường.

Theo Gia Đình VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ