9 bản phim trở thành thảm họa, đáng quên của Hollywood

Psycho (1998): Làm lại một bộ phim kinh điển chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ đạo diễn nào. Nhất là khi đó lại là Psycho, huyền thoại của dòng phim kinh dị thời kỳ điện ảnh đen trắng. 

Nguyên tác năm 1960 được đánh giá là một trong những tác phẩm hay mà đạo diễn Alfred Hitchcock từng thực hiện. Dù có những hạn chế nhất định về công nghệ, phim vẫn thỏa mãn người hâm mộ trong suốt nhiều thập kỷ sau đó.

Bản phim làm lại năm 1998 chính xác là thảm họa điện ảnh. Bộ phim Psycho mới sao chép mọi thứ từ bản phim cũ: kịch bản, tình tiết, nhân vật, bối cảnh, âm nhạc, thậm chí nội dung từng cảnh quay. Do đó, việc phim nhận được ba giải Mâm xôi vàng, trong đó có Bản phim làm lại tệ hại nhất và Đạo diễn tệ hại nhất là hoàn toàn xứng đáng.

Around the World in 80 Days (2004): Năm 1956, tác phẩm phiêu lưu kỳ ảo Around the World in 80 Days chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Jules Verne đã giành năm giải Oscar, trong đó có hạng mục Phim xuất sắc

Nội dung phim khá đơn giản: Phileas Fogg đã cược rằng mình có thể chu du vòng quanh thế giới trong vòng 80 ngày, và bắt đầu chuyến hành trình để chứng minh tuyên bố ấy.

Dù sức hấp dẫn của chuyến chu du vòng quanh thế giới là bất diệt, bản phim làm lại năm 2004 không thể truyền cho khán giả tinh thần ấy. 

Phim bám sát nội dung cuốn tiểu thuyết của Verne mà không tạo ra được những sáng tạo đáng kể. Sau khi ra mắt, Around the World in 80 Days đã bội thu đề cử trong lễ trao giải Mâm xôi vàng và thắng giải Bản phim làm lại không ai cần tại The Stinkers Bad Movie Awards.

9 bản phim trở thành thảm họa, đáng quên của Hollywood ảnh 5

House of Wax (2005): Bộ phim House of Wax ra mắt năm 1953 kể về một nhà điêu khắc đã tạo ra những bức tượng sáp trong viện bảo tàng của mình bằng cách giết người và phủ sáp lên thi thể họ. 

Đây thực chất là bản phim làm lại của Mystery of the Wax Museum (1933). Bộ phim được khán giả đón nhận và đạt doanh thu khả quan tại phòng vé.

Phiên bản làm lại lấy bối cảnh thế kỷ 21 được sản xuất năm 2005, với những thay đổi lớn trong tình tiết. House of Wax mới không còn là tác phẩm kinh dị giật gân mà trở thành cuộc đi săn máu me dễ đoán giữa một tên giết người hàng loạt và nhóm thiếu niên tò mò. 

Tuy bản phim làm lại không quá kém cỏi, nhưng so với phim gốc năm 1953, nó vẫn là bước lùi về cả chất lượng và tầm ảnh hưởng.

Pulse (2006): Năm 2006, bộ phim kinh dị Nhật Bản có nhan đề Kairo đã được làm lại phiên bản Mỹ với tên gọi Pulse

Trong phim gốc, các linh hồn ác tìm cách xâm nhập vào thế giới thực thông qua cánh cổng Internet, gây ra những sự kiện lạ lùng và kinh hãi. 

Bộ phim gồm hai mạch truyện song song cho thấy cách các nhân vật đương đầu với những hậu quả của cuộc xâm lăng do thế lực siêu nhiên gây ra.

Trong bản phim làm lại, lối kể độc đáo trong bản phim gốc đã bị loại bỏ. Các yếu tố làm nên sự hấp dẫn của bản phim Nhật cũng không được tái hiện thành công. Pulse bị đánh giá là phải phụ thuộc quá nhiều vào những hình ảnh ghê rợn và chưa truyền tải được những thông điệp ẩn mình trong nội dung nguyên tác.

The Wicker Man (2006): Trong bản phim gốc – tác phẩm kinh dị của Anh ra mắt năm 1973 – một thanh tra cảnh sát có trách nhiệm điều tra vụ mất tích của một bé gái. 

Nội dung lá thư nặc danh được gửi tới thuyết phục vị thanh tra tin vào giả thiết cô bé có thể đã bị đưa tới hòn đảo Summerisle hẻo lánh làm vật hiến tế cho nghi lễ của một giáo phái nơi đây. Nhưng những gì thực sự đang chờ đợi ông còn đáng sợ hơn giả thiết ấy nhiều lần.

Nicholas Cage là cái tên đảm nhận vai chính trong bản phim làm lại năm 2006 của The Wicker Man. Nhưng bộ phim không đáp ứng được những kỳ vọng của khán giả đã xem tác phẩm gốc. 

Thay vào đó, The Wicker Man mới lại trở nên hài hước vì chuỗi tình tiết bị dàn dựng quá đà và mất đi yếu tố kinh dị. 

Cộng với sự yếu kém của đồ họa vi tính, cảnh phim nhân vật của Nicolas Cage rên lên “Not the bees!” với khuôn mặt cố tỏ ra đau đớn đã trở thành nguyên liệu cho rất nhiều bức ảnh chế trên mạng.

One Missed Call (2008): Phiên bản gốc của bộ phim One Missed Call không hẳn là tác phẩm kinh điển của dòng phim kinh dị. Phim kể về nhóm người nhận được tin nhắn thoại do phiên bản tương lai của chính mình gửi tới giữa lúc hấp hối. 

Thực tế, đây là cơ hội để bản phim làm lại bứt phá, và để lại dấu ấn mới có thể khiến bộ phim gốc lu mờ. Nhưng One Missed Call bản Mỹ đã không làm được điều này.

Bộ phim không đủ yếu tố rùng rợn để thuyết phục khán giả, hay giới phê bình điện ảnh. Thêm vào đó, cốt truyện phim cũng quá nhàm chán và dễ đoán so với yêu cầu của một tác phẩm ly kỳ. 

Lời khuyên duy nhất được đưa ra cho khán giả đang muốn xem One Missed Call (2008) là hãy tìm xem bản phim gốc của Nhật.

Bangkok Dangerous (2008): Phiên bản gốc của Bangkok Dangerous là tác phẩm thuộc thể loại tội phạm ly kỳ của điện ảnh Thái Lan ra mắt năm 1999 xoay quanh Kong, một tay giết thuê bị câm và điếc. Dù đã nhuốm chàm, nhưng Kong vẫn không ngừng tranh đấu để tìm ra những giá trị thực sự của cuộc đời mình và trả một cái giá rất đắt cho phát hiện ấy. 

Bộ phim là sự hòa quyện giữa những phân cảnh hành động đã mắt và cốt chuyện chính kịch ám ảnh.

Năm 2008, Hollywood đã làm lại bộ phim với sự tham gia của Nicolas Cage. Ngoài việc sử dụng lại cái tên Bangkok Dangerous của bản Thái, phiên bản làm lại là thảm họa góp phần đưa tên tuổi Nicolas Cage chìm sâu hơn vào quên lãng. 

Bộ phim đã thay đổi chi tiết quan trọng nhất của bản phim gốc khi để nhân vật của Cage không điếc, cũng chẳng câm. Tiếp theo đó, phần hình ảnh của phim cũng khiến người xem không ít lần lạc lối giữa vô vàn tình tiết rối rắm. Câu chuyện hoàn lương của tay sát thủ cũng bị đánh giá là quá khiên cưỡng và màu mè.

Total Recall (2012): Total Recall là bộ phim khoa học viễn tưởng đặc sắc ra mắt vào năm 1990. Douglas Quaid là công nhân xây dựng với những giấc mơ quái gở về cuộc sống trên Sao Hỏa. Anh được cấy một con chíp ký ức lưu lại những trải nghiệm về quãng thời gian còn làm đặc vụ bí mật trên hành tinh đỏ. 

Nhưng càng về cuối phim, khi ranh giới giữa thực tế và ảo ảnh ngày càng trở nên mong manh, Quaid bắt đầu chuyến phiêu lưu tìm lại danh tính thực của mình.

Sai lầm khó chấp nhận đầu tiên của bản phim làm lại năm 2012 là chuyển bối cảnh phim từ Sao Hỏa về Trái Đất trong một tương lai phản địa đàng. Dù ý tưởng được triển khai khá thuyết phục, nhưng nó vẫn thất bại ở nhiều khía cạnh khác. Phim không tạo được kịch tính hay duy trì sự hấp dẫn với người xem đến phút cuối cùng. 

Điểm mạnh duy nhất của Total Recall (2012) chỉ là những phân cảnh hành động được dàn dựng bắt mắt.

Ben-Hur (2016): Bộ phim chính kịch lịch sử Ben-Hur ra mắt năm 1959 đã thắng 11 giải Oscar và trở thành tác phẩm vào hàng kinh điển của mọi thời đại. 

Tuy nhiên, bản phim này thực chất được cải biên lại từ phim câm Ben-Hur: A Tale of the Christ ra mắt năm 1925. Trường đoạn cuộc đua xe ngựa mãn nhãn của bản phim 1959 vẫn còn được nhắc tới trong rất nhiều thập kỷ sau này bên cạnh những giá trị nội dung và nghệ thuật.

Năm 2016, bản phim làm lại của Paramount Pictures đã trở thành thảm họa phòng vé. Điểm mạnh duy nhất của Ben-Hur (2016) so với nguyên tác thời kỳ tiền Internet là công nghệ đồ họa vi tính. 

Tuy nhiên, phần hình ảnh của Ben-Hur mới vẫn bị đánh giá là vụng về và mờ nhạt. Ngoài một vài phân cảnh hành động, ấn tượng của khán giả về phim chỉ là sự dài dòng về tình tiết và thô cứng trong lời thoại.


Theo zingnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ