85% học sinh của trường nghề ra trường có việc làm

GD&TĐ - Số người tham gia học nghề tăng, chất lượng và hiệu quả đã chuyển biến rõ rệt với khoảng 85% HSSV ra trường có việc làm,.... Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua.

Đông đúc đến chật chội trong ngày hội tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở trường CĐ Cơ điện HN
Đông đúc đến chật chội trong ngày hội tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở trường CĐ Cơ điện HN

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 61%

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN để định hướng phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn tới theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN tại các bộ, ngành và địa phương toàn quốc, trong 2 năm 2018 - 2019 đã giảm được 100 trường công lập, đạt tỷ lệ 16%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong GDNN được triển khai quyết liệt.

Giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho các trường dựa trên năng lực đào tạo được đăng ký. Tuyển sinh GDNN trong 2 năm 2017 - 2018 đều vượt kế hoạch đề ra.

Tổng cục GDNN đã phối hợp chặt chẽ với Cục Việc làm, Viện Khoa học Lao động và Xã hội tăng cường công tác dự báo, kết nối thị trường lao động, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng sau THCS, THPT; đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, đổi mới mô hình đào tạo nghề, hướng đến phát triển việc làm bền vững.

Triển khai thí điểm đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và triển khai đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ các nước tiên tiến như Đức, Úc… Khuyến khích nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với cơ sở đào tạo và người lao động.

Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước đã tăng từ 53% năm 2016 lên 58,6% năm 2018 và dự kiến đến năm 2019 đạt 61,2%. Tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các năm. Thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Nâng tầm kỳ năng nghề nghiệp cho lao động

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, sau hơn hai năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thực hiện quyết định của Chính phủ thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về GDNN, toàn ngành đã tập trung rất cao cho lĩnh vực này và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Phấn đấu để số người học nhiều hơn, chất lượng đào tạo được nâng lên, người học ra trường có việc làm và quan trọng là tạo được sự ủng hộ của xã hội trong lĩnh vực GDNN, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tất cả các văn bản liên quan đến triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp đều được ban hành đầy đủ, kịp thời. 63 văn bản đã được ban hành và qua thẩm tra của Bộ Tư pháp về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu và đảm bảo đúng quy định.

Về tuyển sinh, nếu trước đây chỉ đạt 60% kế hoạch đặt ra thì 2 năm qua tuyển sinh học nghề đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2018 đạt 107%, hết tháng 6/2019 tỷ lệ tuyển sinh vượt 15% so với cùng kỳ 2018. Nhiều trường đến nay đã tuyển sinh xong chỉ tiêu và đáng mừng là điểm đầu vào của nhiều trường đạt 14-15 điểm.

Công tác gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường cũng được triển khai quyết liệt, hầu hết các trường hiện nay đều tổ chức ký kết với doanh nghiệp và đặt hàng đầu ra. Dự kiến tháng 9 Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức một diễn đàn rất lớn quy mô quốc gia liên quan đến việc nâng tầm kỳ năng nghề nghiệp cho lao động Việt Nam.

“Đặc biệt là chất lượng, hiệu quả đào tạo có chuyển biến rõ rệt, kết quả tốt nghiệp năm 2018 qua kiểm tra đánh giá cho thấy, 85% số học sinh của trường nghề ra trường có việc làm, tăng 5% so với năm 2017. Tuy nhiên, chúng tôi  ý thức đây mới là kết quả bước đầu, chúng tôi sẽ còn cố gắng nhiều hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ