8 lời khuyên giúp trẻ quảng giao

GD&TĐ - Dành thời gian luyện tập có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội, bao gồm việc kết bạn.

Một số trẻ có tính cách hướng nội.
Một số trẻ có tính cách hướng nội.

Trong xã hội hiện đại, trẻ em dường như trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, khi chúng bị xáo trộn từ hoạt động này sang hoạt động khác. Một số trẻ có thể dễ dàng thích nghi và ứng phó trong hầu hết các tình huống xã hội. Tuy nhiên, không ít trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề.

Chắc hẳn, không ít phụ huynh từng tự hỏi, liệu điều gì sẽ xảy ra nếu con họ không phải là người thích xã giao? Hay, liệu có vấn đề không khi trẻ thường thích dành thời gian một mình vào lúc ra chơi hoặc sau giờ học? Theo chuyên gia sức khỏe hành vi nhi khoa Kristen Eastman, trong trường hợp này, cha mẹ cần thực hiện một số phương pháp để giúp trẻ.

“Nếu con có vẻ không muốn kết bạn như những đứa trẻ cùng trang lứa, có thể, chúng sẽ cần một thời gian tập luyện và thực hành các kỹ năng xã hội đơn giản”, bà Eastman chia sẻ.

Do đó, nữ chuyên gia này đã đưa ra những lời khuyên nhằm giúp các phụ huynh đánh giá tình hình. Nhờ đó, tạo cho con sự tự tin cần thiết trong việc ứng phó với các tình huống xã hội.

Dành thời gian quan sát và hiểu cách con hòa nhập

Tiến sĩ Eastman gợi ý, phụ huynh nên bắt đầu kế hoạch thông qua cách tiếp cận “thẳng thắn”. Cụ thể, cha mẹ nên dành thời gian cùng con tham dự một vài hoạt động ở trường hoặc thể thao sau giờ học. Đặc biệt, điều quan trọng là chú ý đến cách con tương tác với những người khác. Liệu, trẻ có cư xử khác với “chuẩn mực” ở nhà không? Nếu có, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân.

Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp khó khăn khi bắt đầu các cuộc trò chuyện. Chúng có thể lo lắng khi tham gia các nhóm lớn, hoặc sợ phát biểu trước đám đông. Điều đó khiến trẻ không thể hòa mình vào các hoạt động tập thể, cũng như kết bạn với những người xung quanh. Cha mẹ được khuyến khích nên tìm hiểu, liệu con có xu hướng thu mình và chỉ lặng im quan sát, thay vì tham gia hoạt động không.

Tùy thuộc vào hành vi của trẻ, sau đó, phụ huynh có thể quyết định đâu sẽ là khía cạnh cần lưu tâm. Đồng thời, cha mẹ cũng sẽ phát hiện đâu là những kỹ năng cần xây dựng và cách phụ huynh có thể hỗ trợ con.

“Hãy tin vào bản năng, bởi, bạn hiểu rõ con mình nhất”, Tiến sĩ Eastman nhấn mạnh.

Trở thành hình mẫu tích cực

Trẻ em thực sự học hỏi nhờ những “tấm gương”. Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo, cha mẹ hãy chú ý đến cách bản thân tương tác với những người xung quanh.

Mỗi khi cha mẹ bắt chuyện với bạn bè hoặc hàng xóm, hay thậm chí là ai đó xa lạ, trẻ cũng sẽ chú ý đến điều đó. Hầu hết mọi tình huống đều trở thành một cơ hội giúp con học hỏi. Từ đó, cho phép trẻ nhận thấy cách cha mẹ tham gia, thương lượng và giải quyết vấn đề.

Luyện tập ở nhà

Nếu cảm thấy khó khăn khi bắt đầu các cuộc trò chuyện với mọi người vào bữa trưa hoặc trong thời gian rảnh ở trường, con cần dành thời gian luyện tập ở nhà. Để hỗ trợ con, cha mẹ nên thảo luận về những chủ đề mà trẻ quan tâm.

Đặc biệt, cần lưu ý rằng, đó cũng là những chủ đề trẻ có thể chia sẻ với các bạn cùng lứa. Theo chuyên gia Eastman, phụ huynh nên đưa ra nhiều phương pháp khác nhau cho đến khi nhận thấy sự thay đổi tích cực ở trẻ. 

Cho con một khởi đầu thuận lợi

Ví dụ, nếu con thích chơi bóng chày nhưng vẫn do dự để thực hiện điều đó, phụ huynh hãy đến thăm sân cùng con. Sau đó, cha mẹ hãy ném bóng xung quanh để con có thể làm quen với bộ môn này.

Tiến sĩ Eastman lưu ý, phụ huynh và con cần tới sớm vào buổi tập đầu tiên. Như vậy, trẻ sẽ đến nơi trước khi những người khác bắt đầu xuất hiện. Điều đó giúp con có thể thoải mái luyện tập và không bị xao nhãng.

Trong khi đó, nếu trẻ muốn học bơi, cha mẹ hãy để con tham gia một vài buổi tập luyện riêng, trước khi có mặt trong một lớp học đông người. Như vậy, con sẽ xây dựng được sự tự tin nhất định.

Củng cố và khen ngợi

“Làm cho cuộc sống trở nên thú vị và bổ ích khi tiến hành thử những điều mới. Ngay cả khi con bạn chỉ đạt được sự tiến bộ nhỏ, hãy đảm bảo sẽ củng cố những nỗ lực của trẻ”, bà Eastman cho biết.

Điều quan trọng là phụ huynh công nhận thành công của con, dù nhỏ. Sau đó, hãy chia sẻ với trẻ rằng, cha mẹ tự hào khi con không ngừng cố gắng.

Lên kế hoạch

Đối với những đứa trẻ nhỏ hơn, cha mẹ có thể lên kế hoạch để con dành thời gian vui chơi bên các bạn cùng lứa. Song, trong trường hợp con lớn hơn, phụ huynh có thể giúp trẻ hòa đồng hơn bằng cách mời nhóm bạn của con đến ăn và xem phim.

“Đặc biệt trong thời gian đầu, mục tiêu là giúp con bạn cảm thấy thoải mái khi hòa nhập với xã hội và biến điều đó thành một trải nghiệm tích cực”, Tiến sĩ Eastman chia sẻ.

Không trốn tránh vấn đề

Trong trường hợp các tình huống xã hội gây khó khăn cho trẻ, không ít cha mẹ chọn cách né tránh và phớt lờ vấn đề. Tuy nhiên, thực tế, con sẽ không học được cách cải thiện các mối quan hệ của chúng nếu luôn ngồi ở nhà cùng cha mẹ.

Tiến sĩ Eastman gợi ý, phụ huynh nên từng bước khiến một đứa trẻ nhút nhát vượt ra khỏi vùng an toàn của chúng, bằng cách đặt con vào những tình huống mới. Cha mẹ cần kề bên hướng dẫn và khuyến khích con nhẹ nhàng.

“Đừng ném con ra khỏi ván lặn, nhưng hãy thả chúng xuống đáy sâu”, chuyên gia Eastman nhấn mạnh.

Đừng so sánh con

Cha mẹ được khuyến khích nên thấu hiểu về tính cách khác biệt của con. Không có nghĩa là trẻ sẽ có nhiều bạn nếu cha mẹ cũng vậy. Bởi, một số trẻ hướng nội có một vài người bạn thực sự tốt, thay vì có nhiều bạn.

“Thật khó khăn khi cha mẹ không đồng điệu với con. Miễn là trẻ đang làm những điều con muốn và vui vẻ, đó là điều tốt”, Tiến sĩ Eastman chia sẻ.

Theo Health.cleverandclinic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.