“Ước mơ lớn”; “Nếu có thể mơ về nó, bạn có thể làm điều đó!” hay “Không bao giờ là quá muộn để sống cuộc đời trong mơ của bạn!”... Có lẽ, những câu nói về ước mơ này không còn xa lạ với bất kỳ ai. Lời khuyên về tầm quan trọng của việc có ước mơ và đặt mục tiêu đã có từ rất lâu.
Một triết gia đã từng nói: “Hãy cẩn thận với những gì bạn tưới tẩm cho ước mơ của mình. Tưới chúng bằng lo âu và sợ hãi, bạn sẽ sản sinh ra cỏ dại làm tắt nghẽn sức sống của ước mơ.
Tưới cho ước mơ bằng lạc quan và giải pháp, bạn sẽ vun trồng thành công. Hãy luôn tìm kiếm những phương cách để biến một khó khăn thành cơ hội thành công. Luôn luôn tìm cách nuôi dưỡng ước mơ”.
Thật vậy, ước mơ được cho là một đặc điểm cố hữu của con người.
“Tuy nhiên, giấc mơ là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể dạy một đứa trẻ biết ước mơ? Làm thế nào để có thể đo lường xem ước mơ đó có hiệu quả hay không? Đây là những câu hỏi mà chúng tôi đã nghiên cứu”, ông Ryan Niemiec - chuyên gia giáo dục tại Mỹ, cho biết.
Chuyên gia này cho rằng, định nghĩa tuyệt vời nhất về giấc mơ đến từ tác phẩm “The Tempest” (Giông tố) của Đại văn hào Shakespeare: “Chúng ta là những thứ như những giấc mơ được thực hiện, và cuộc sống nhỏ bé của chúng ta được làm tròn bằng giấc ngủ”.
Thông qua nghiên cứu, chuyên gia Ryan Niemiec cho biết, có rất nhiều lời khuyên nói với mọi người rằng, ước mơ là yếu tố vô cùng quan trọng để sống tốt. Tuy nhiên, không có cuốn sách nào dạy trẻ em biết ước mơ một cách có hệ thống.
“Chúng tôi quyết định hành động! Sau nhiều năm, chúng tôi đã phát triển một công thức để dạy trẻ em cách tạo ra ước mơ. Chúng tôi đưa công thức đó vào thử nghiệm với một nghiên cứu của Trường Đại học Cincinnati. Những gì nhóm nghiên cứu phát hiện ra là, chúng ta đã không dạy bọn trẻ cách ước mơ nhiều như hướng dẫn chúng cách phát triển điểm mạnh tính cách”, ông Niemiec cho biết.
Để xác định quá trình ước mơ thông qua phân loại điểm mạnh tính cách, các nhà nghiên cứu đã dạy trẻ tận dụng niềm đam mê và sự tò mò. Nhờ đó, thúc đẩy sự sáng tạo của chúng, kết hợp để truyền cảm hứng, mang tới cho trẻ mục đích và ý nghĩa.
Quy trình này được thực hiện thông qua 3 bước vô cùng thân thiện với trẻ em.
Bước 1: Đổ đầy thùng ước mơ
“Chúng tôi đã sử dụng một cái thùng như một phép ẩn dụ cho tâm trí và tất cả những cảm xúc, kiến thức, ký ức, suy nghĩ, ý tưởng, cũng như ước mơ mà nó nắm giữ.
Hay, nói cách khác là sức mạnh. Các học sinh đã sử dụng sự sáng tạo của mình để lấp đầy thùng của họ với hàng loạt ý tưởng. Đó là các mảnh ghép sẽ được sử dụng để xây dựng những ước mơ mới”, ông Niemiec cho biết.
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã thiết lập hàng loạt trò chơi và hoạt động thú vị để khơi dậy cảm xúc, cũng như trí tưởng tượng của trẻ. Hoạt động này cũng giúp truyền cảm hứng cho trẻ với những khoảnh khắc đáng nhớ, khiến các em không nhàm chán.
Bước 2: Sắp xếp kho báu
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu dạy học sinh trút bỏ thùng ước mơ của mình và phân loại chúng thành các nhóm khác nhau như: Có, không và có thể.
“Điều này nói thì dễ hơn làm vì chúng tôi cần dạy trẻ cách đặt giá trị cho ước mơ. Nói cách khác, chúng tôi yêu cầu trẻ tự hỏi: “Đây có phải là cuộc sống mà mình muốn? Đây có phải là người mình muốn trở thành?”, ông Niemiec cho biết.
Những công cụ được nhóm nghiên cứu sử dụng là nền tảng của điểm mạnh trong tính cách, như: Tình yêu thương, tư duy phản biện, sự tự điều chỉnh bản thân và lòng dũng cảm.
Bước 3: Xây dựng ước mơ
Vào thời điểm học sinh đi tới Bước 3, các em đã khám phá ra rất nhiều ước mơ và học cách sắp xếp chúng thành những nhóm hữu ích. Để làm điều đó, trẻ được yêu cầu sử dụng các công cụ do nhóm nghiên cứu phát triển, như: Kiểm tra; Cân nhắc ưu - nhược điểm; Danh sách Kỹ năng.
Sau đó, các nhà nghiên cứu dạy trẻ cách sử dụng sự sáng tạo của bản thân để kết nối tất cả các bộ phận và mảnh ghép lại với nhau. Nhờ đó, các em có thể xây dựng một ước mơ mới đầy cảm hứng.
“Công thức của chúng tôi có thực sự hoạt động không? Để xác định điều đó, chúng tôi cần bằng chứng thực tế. Theo ghi nhận, hầu hết các cuốn sách về chủ đề này chủ yếu là ý kiến và nội dung cóp nhặt trên Internet.
Cuối cùng, chúng tôi đã cố gắng đo lường những phẩm chất siêu việt khó nắm bắt của ý thức về mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống. Đồng thời, đặt ra hy vọng và niềm tin rằng sẽ thúc đẩy bọn trẻ thành công. Nói cách khác, chúng tôi đang cố gắng đo lường trí tuệ xã hội và cảm xúc của trẻ”, ông Niemiec chia sẻ.
Sau quá trình thảo luận, nhóm nghiên cứu đã chọn cách biến suy nghĩ lạc quan của trẻ trở thành thước đo thành công.
“Chúng tôi cảm thấy rằng, điều này sẽ phản ánh trực tiếp sự gia tăng các mục tiêu chính của nhóm. Chúng tôi có thể đã lựa chọn: Tò mò, hy vọng hoặc nhiệt tình. Tuy nhiên, suy nghĩ lạc quan, được đo bằng Đánh giá Điểm mạnh của Học sinh Devereux (DESSA), dường như là dễ dàng và chính xác nhất”, chuyên gia Niemiec chia sẻ.
Vào cuối cuộc nghiên cứu kéo dài một năm, nhóm chuyên gia bày tỏ tự hào và thông báo rằng, suy nghĩ lạc quan ở trẻ đã tăng 22% trong học kỳ đầu tiên. Điều ấn tượng hơn cả là 100% trẻ em cho biết thường xuyên nghĩ về mục tiêu của mình.
“Một bước tiến mà chúng tôi đã học được. Đó là dạy trẻ cách sử dụng khả năng phán đoán để lọc ra những ước mơ có khả năng thành hiện thực nhất”, chuyên gia giáo dục Ryan Niemiec cho biết.