Nói dối có thể trở thành một thói quen xấu khi trẻ xem đó là cách hiệu quả để thoát khỏi rắc rối hoặc trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, khi con nói dối, phụ huynh được gợi ý giải quyết thẳng thắn và không khuyến khích điều đó tái diễn.
Biến việc nói thật thành một quy tắc
Là một phần của giá trị gia đình, phụ huynh hãy tạo ra quy tắc rõ ràng, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực. Điều này sẽ đảm bảo, con hiểu rằng, cha mẹ coi trọng sự thật, ngay cả khi điều đó khó nói cỡ nào.
Cha mẹ có thể bàn về các kiểu nói dối khác nhau và thiệt hại mà hành động đó sẽ mang lại. Đồng thời, giải thích những lý do khác nhau mà mọi người nói dối và tại sao cha mẹ mong đợi sự trung thực.
Làm gương
Hãy trở thành hình mẫu mà phụ huynh muốn thấy ở con. Điều đó có nghĩa là cha mẹ luôn luôn nói sự thật. Trẻ em không thể phân biệt “lời nói dối vô hại” với những lời nói dối khác. Vì vậy, cha mẹ được khuyến khích không nói dối về độ tuổi của con để mua cho chúng bữa ăn rẻ hơn tại nhà hàng. Phụ huynh cũng đừng nói rằng mình không khỏe để “thoát khỏi” một cuộc hội họp mà bản thân không muốn tham gia. Bởi, trẻ sẽ bắt chước những gì cha mẹ làm.
Thảo luận về sự thật và nói dối
Bất kể con bao nhiêu tuổi, điều quan trọng là cha mẹ phải giải thích sự khác biệt giữa nói thật và nói dối. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, trước 4 tuổi, trẻ sẽ không hiểu hết sự khác biệt giữa dối trá và sự thật.
Với trẻ nhỏ, có thể hữu ích khi nói những câu như: “Nếu mẹ nói bầu trời trong xanh, đó là sự thật hay không?”. Ngoài ra, phụ huynh hãy nói về những hậu quả tiềm ẩn của việc không trung thực, như mọi người sẽ không còn tin điều con nói.
Điều quan trọng không kém là trẻ cần phân biệt giữa nói thật với trung thực một cách tàn nhẫn. Trẻ cần biết rằng, con không nhất thiết phải thông báo: “Đó là một chiếc áo xấu xí” hoặc “Bạn có mụn”, chỉ vì trung thực.
Ngoài ra, phụ huynh hãy nói chuyện với trẻ về điều gì sẽ xảy ra nếu con bị bắt gặp nói dối. Thảo luận về hậu quả của việc không trung thực trước khi tình trạng đó xảy ra có thể là một biện pháp ngăn chặn.
Có ba lý do chính khiến trẻ nói dối: Tưởng tượng, khoe khoang hoặc để ngăn chặn hậu quả tiêu cực. Khi phân biệt được lý do dẫn đến lời nói dối, cha mẹ có thể giúp lập kế hoạch ứng phó.
Đưa ra cảnh báo
Cha mẹ cần cảnh báo ngay khi chắc chắn rằng, mình đã bắt gặp trẻ nói dối. Ví dụ, hãy bình tĩnh nói: “Mẹ sẽ cho con thêm một cơ hội để nói sự thật. Nếu mẹ bắt gặp con nói dối, con sẽ nhận thêm một hậu quả nữa”.
Ngoài ra, một biện pháp hữu ích khác là phụ huynh có thể nhắc lại hậu quả của việc thiếu trung thực. Tuy nhiên, quan trọng là cha mẹ hãy tập trung vào việc dạy con có trách nhiệm và xây dựng tính trung thực, thay vì đổ lỗi hoặc làm xấu mặt trẻ. Phụ huynh cũng cần giữ giọng điệu bình tĩnh và bao dung. Nếu cha mẹ quá tức giận, la mắng hoặc đe dọa, con sẽ không cảm thấy thoải mái.
Liệt kê một số hệ quả khác
Hãy nêu thêm một hậu quả khi cha mẹ biết trẻ nói dối. Ví dụ, thay vì chỉ tịch thu thiết bị điện tử trong ngày, phụ huynh cần giao thêm cho trẻ những công việc cần làm. Biện pháp ở đây là tước các đặc quyền và/hoặc sử dụng hình thức “bồi thường” như một hậu quả cho việc nói dối.
Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng, hậu quả con phải chịu là phù hợp và công bằng. Cha mẹ nên tránh bị sa đà vào các hình phạt. Nếu phụ huynh tập trung vào các hậu quả hoặc có xu hướng phản ứng thái quá, con có thể sẽ thất vọng khi nghĩ về việc cha mẹ không công bằng, thay vì tập trung vào hành vi sai trái của bản thân.
Thảo luận về hậu quả tự nhiên
Yếu tố quan trọng khác là phụ huynh nói với con về hậu quả tự nhiên của việc nói dối. Giải thích rằng, không trung thực sẽ khiến con thành người khó tin vào lần sau, ngay cả khi nói thật. Và những người khác không có xu hướng thích hoặc tin tưởng người hay nói dối.
Củng cố tính trung thực
Hãy yêu cầu con nói sự thật và mang tới sự củng cố tích cực. Phụ huynh cần khen ngợi con bằng cách nói: “Mẹ biết rằng, điều đó hẳn rất khó để nói thật rằng, con đã làm hỏng món ăn đó. Tuy nhiên, mẹ rất vui vì con đã chọn cách thành thật để nói điều đó”.
Giúp con thiết lập lại niềm tin
Nếu con có thói quen xấu là nói dối, phụ huynh được khuyến khích hãy lập một kế hoạch để giúp chúng thiết lập lại lòng tin. Ví dụ: Tạo một “hợp đồng hành vi” liên kết nhiều đặc quyền hơn với sự trung thực. Khi trẻ nói sự thật, con đang tiến thêm một bước nữa để nhận lại nhiều đặc quyền hơn.
Tìm kiếm sự trợ giúp
Có những lúc, nói dối có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ. Một số trường hợp, việc con nói dối có vẻ là bệnh lý hoặc tình trạng đó gây ra vấn đề cho trẻ ở trường hoặc bạn bè cùng lứa. Khi đó, cha mẹ hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để giải quyết việc trẻ nói dối.
Ngăn chặn sự thiếu trung thực
Có lẽ, bất cứ trẻ nào cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh khuyến khích bé nói dối. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải loại bỏ sự thiếu trung thực “từ trong trứng nước” để điều đó không trở thành thói quen. Trẻ em có nhiều lý do để nói dối, nhưng phổ biến và đáng lo ngại nhất là tránh xa rắc rối. Một khi con biết cha mẹ mong đợi sự thật và phụ huynh thường xuyên nhấn mạnh kỳ vọng kèm hậu quả, trẻ có thể sẽ ý thức và trung thực hơn.