70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024):

70 năm tự hào vượt khó, tạo 'đột phá'

GD&TĐ - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) trong cảnh tối tăm, nghèo nàn và lạc hậu. Đâu đâu cũng thấy mù chữ, thất học.

Cơ sở vật chất, trường lớp ở Điện Biên ngày càng được đầu tư khang trang. Ảnh: Minh Đức
Cơ sở vật chất, trường lớp ở Điện Biên ngày càng được đầu tư khang trang. Ảnh: Minh Đức

“Để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ, tôi đã tham mưu với Tỉnh ủy ra Chỉ thị. Nội dung thể hiện rất rõ, các địa phương phải tự lo cơ sở vật chất. Phải có trường, có lớp. Nếu không làm được điều này thì chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy. Còn khi có lớp, có trường rồi mà không có học sinh thì giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm”, ông Hà Quý Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết.

Hiến kế tạo “đột phá”...

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) trong cảnh tối tăm, nghèo nàn và lạc hậu. Đâu đâu cũng thấy mù chữ, thất học. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở Điện Biên vẫn còn cao.

“Khi tôi về làm Giám đốc Sở GD&ĐT (tháng 10/1995, PV) tình hình giáo dục lúc ấy có nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên thiếu và chưa ổn định. Tình trạng học sinh thất học nhiều. Dân trong độ tuổi mù chữ nhiều lắm. Toàn tỉnh mới phổ cập được chủ yếu ở thị xã Lai Châu với vài trường ở một số thị trấn như Điện Biên, Tuần Giáo. Đó là những nơi mà có phong trào thôi chứ còn vùng sâu chưa giải quyết được”, ông Hà Quý Minh nói.

Ông Hà Quý Minh xem lại những kỷ vật nhiều ý nghĩa. Ảnh: Minh Đức

Ông Hà Quý Minh xem lại những kỷ vật nhiều ý nghĩa. Ảnh: Minh Đức

Ông Hà Quý Minh làm Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên từ tháng 10/1995 - 3/2003. Trước đó, ông từng làm giáo viên rồi kinh qua nhiều vị trí quản lý cấp trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. Bởi thế, ông hiểu khá rõ những khó khăn mà Điện Biên đang gặp phải lúc bấy giờ.

Ông Hà Quý Minh (78 tuổi) sinh ra tại huyện Mai Sơn (Sơn La ngày nay) trong gia đình có truyền thống cách mạng. Sống và công tác ở miền núi suốt bao năm nên ông hiểu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục tại địa phương lúc bấy giờ.

Theo ông Minh, giai đoạn đó, Điện Biên vẫn thường xuyên vận động giáo viên tham gia “chiến dịch xóa mù chữ”. Các nhà giáo tranh thủ tỏa đi các bản vùng cao vào những ngày hè để dạy chữ. Nhưng mấy tháng sau khi thầy về thì “chữ thầy trò trả lại thầy”.

“Ngày xưa mình hay làm chiến dịch xóa mù, tức là triệu tập giáo viên nghỉ hè đi xóa mù, lâu là hai tháng mà ít là một tháng. Trưng tập học sinh đi xóa mù, một thời gian, người ta lại quên mất. Không giải quyết được gốc rễ của vấn đề”, ông Hà Quý Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, muốn giải quyết được gốc rễ của công tác xóa mù chữ, trước tiên phải giải quyết được vấn đề đội ngũ. Vì vậy, ông quan tâm đến công tác đào tạo giáo viên. Dù vậy, ở tỉnh miền núi, nhà tre, vách đất, ăn uống kham khổ thì việc chiêu sinh thực sự không phải là bài toán dễ.

“Đối tượng tuyển sinh từ lớp 7+1; 7+2 đã ít rồi, buộc mình phải giảm tiêu chí xuống còn 4+3, tức là học hết lớp 4 sẽ tiếp nhận rồi cho các em học thêm 3 năm trong trường sư phạm, ra trường sẽ cho làm giáo viên tiểu học.

Thậm chí những dân tộc ít người như Hà Nhì, Khơ Mú... phải lấy từ những người không biết chữ, cho đi vào học các chương trình tiểu học trong trường sư phạm, hết lớp 4 rồi lại học tiếp”, ông Hà Quý Minh chia sẻ.

Với hình thức tuyển sinh này thì ngành vất vả vì vừa phải đào tạo văn hóa lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Sau khi giáo viên vào công tác được một thời gian lại tiếp tục được đưa đi bồi dưỡng với những kiến thức nâng cao để dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Tuy nhiên, nhờ đó học sinh trường sư phạm tỉnh Điện Biên đang từ quy mô đào tạo 500 - 600 học viên/năm đã phát triển lên 1.200 học viên/năm.

“Mở” đầu vào, “khóa” đầu ra

Cũng trong giai đoạn khó khăn đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhất trí cho đào tạo bằng hình thức cử tuyển. Đối với những học sinh dân tộc thiểu số là con em địa phương, sau khi học hết lớp 9 và 12 cho đi học tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm tại: Thái Nguyên, Hà Nội, Hòa Bình.

“Tôi nhớ nhất là giai đoạn đó thiếu giáo viên mầm non. Mình ký kết với Hòa Bình và cử 400 học sinh tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12 đi học. Sau hai năm ra trường, các em về để làm giáo viên mầm non. Rồi giáo viên tiểu học cũng đào tạo theo hình thức đó”, ông Hà Quý Minh nhớ lại.

“Lúc tôi bắt đầu làm Giám đốc Sở thì chỉ còn khoảng 4 - 5 năm nữa là kết thúc chương trình phổ cập xóa mù chữ. Nếu không quyết liệt, Lai Châu mà không làm được thì đương nhiên tôi sẽ có khuyết điểm lớn với ngành và với Nhà nước”, ông Minh nhấn mạnh.

Giai đoạn đó, Lai Châu vẫn tổ chức các phong trào xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao, nhưng việc huy động các tổ chức đoàn thể vào cuộc lại gián đoạn. Việc tổ chức chỉ trong giai đoạn hè, song về sau người dân không rèn đọc, rèn viết thường xuyên mà mải lo đồng áng nên tỷ lệ tái mù cao.

Vấn đề cốt lõi vẫn là thiếu giáo viên để tổ chức giảng dạy thường xuyên. Vì thế, ông Minh đã tham mưu với Tỉnh ủy và các cấp quản lý cho “cơ chế” thoáng. Việc tuyển sinh đầu vào với ngành sư phạm tại Trường Sư phạm Điện Biên bằng hình thức xét tuyển chứ không phải thi tuyển. Tuy nhiên, sẽ siết ở đầu ra để có chất lượng tốt nhất.

“Học sinh lớp 9, lớp 12 vào học hết chương trình cao đẳng là không phải thi. Thế là học sinh sướng lắm vì ngày xưa thi vào sư phạm khó lắm. Tôi nghĩ rằng: Thôi, bây giờ mình phải mở cho họ một lối.

Dù rằng đầu vào là mở, nhưng đầu ra sẽ phải siết chặt để có chất lượng. Giai đoạn đó có khoảng vài nghìn học sinh vào trường cao đẳng học. Đó chính là lực lượng chủ yếu để đi xóa mù lúc bấy giờ. Còn bây giờ họ vẫn vui lắm, họ cảm ơn tôi rất nhiều”, ông Minh vui vẻ kể lại.

Lai Châu thiếu thốn đủ bề. Thiếu giáo viên đã đành, đằng này còn thiếu cả cơ sở vật chất. Bởi thế, ngành Giáo dục mới linh hoạt đề xuất giải pháp tháo gỡ. “Tôi tham mưu và được Bí thư Tỉnh ủy Lò Văn Puốn ban hành Chỉ thị rất thực tế và hiệu quả. Nội dung Chỉ thị trên thể hiện rất rõ: Để thực hiện xóa mù chữ thì tất cả các địa phương trong tỉnh, trong huyện phải xây dựng cơ sở vật chất.

Phải có trường, có lớp, bàn ghế, nhà ở để giáo viên giảng dạy và học sinh học tập. Nếu không lo được cơ sở vật chất thì đơn vị hành chính đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy. Còn nếu thế mà đã có trường, lớp rồi mà không huy động được giáo viên, học sinh tham gia thì giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Hà Quý Minh (bên trái) kể về thời kỳ giáo dục Lai Châu còn nhiều gian khó. Ảnh: Minh Đức

Ông Hà Quý Minh (bên trái) kể về thời kỳ giáo dục Lai Châu còn nhiều gian khó. Ảnh: Minh Đức

Tự hào một thời gian khó...

Thời gian khó của mấy chục năm đã trôi qua, cho đến bây giờ, ông Minh vẫn luôn tự hào với những gì mà các thế hệ nhà giáo đã đóng góp cho sự phát triển của ngành Giáo dục Điện Biên (Lai Châu cũ) hôm nay. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đang đến gần, niềm vui của ông về sự trưởng thành của ngành Giáo dục như được nhân lên gấp bội.

“Ngành Giáo dục đang ngày càng lớn mạnh. Những năm 1990, các trường tiểu học đã hiếm, THCS, THPT càng hiếm hơn. Cả tỉnh chỉ có 2 - 3 trường THPT, còn bây giờ hệ thống trường, lớp phát triển mạnh mẽ. Quy mô cơ sở vật chất, trường lớp được mở rộng; quy mô và chất lượng giáo viên, học sinh được nâng cao. Có được những kết quả này phải thực sự tri ân các thế hệ đi trước đã không quản ngại gian khó đặt những nền móng vững chắc suốt mấy chục năm qua”, ông Hà Quý Minh chia sẻ.

Ông Minh cho rằng, sự đóng góp, hy sinh của đoàn giáo viên xung phong lên Tây Bắc xóa mù chữ vào năm 1959 sau lời kêu gọi của Bác Hồ “diệt giặc dốt” thì nhân dân các dân tộc Tây Bắc sẽ phải luôn khắc ghi. “Họ là đoàn giáo viên để lại ấn tượng trong nhân dân mà đến bây giờ người ta vẫn cứ ca ngợi. Họ được ca ngợi bởi vì họ lăn lộn với dân. Cuộc sống tuy có kham khổ nhưng mà họ trong sạch. Họ gần gũi, yêu quý học sinh và cống hiến hết mình”, ông Hà Quý Minh nghẹn ngào.

Trong tâm khảm của hơn 1.000 giáo viên thuộc đoàn “quân” 1959 khi đó ai ai cũng khắc ghi lời dặn dò của Bác: “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong cho đến nơi đến chốn”.

Cuộc gặp để đời với Tổng Bí thư

Bức ảnh 'để đời' của ông Hà Quý Minh (thứ 2 tính từ bên trái) trong lần đầu về Thủ đô gặp mặt Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Minh Đức

Bức ảnh 'để đời' của ông Hà Quý Minh (thứ 2 tính từ bên trái) trong lần đầu về Thủ đô gặp mặt Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Minh Đức

Trong không gian phòng khách chật hẹp, ông Hà Quý Minh treo bức ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Đỗ Mười ở nơi trang trọng nhất. Đó là kỷ vật để đời, cuộc gặp để đời nên bức ảnh đó luôn được ông Minh trân trọng và lưu giữ cẩn thận.

Đó là vào năm học 1995 - 1996 khi Bộ Chính trị có một cuộc họp quan trọng, triệu tập Giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh, thành trong cả nước về dự để báo cáo tình hình giáo dục tại địa phương. Cùng với đó là để Bộ Chính trị lắng nghe đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn từ mỗi địa phương với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Nhận được giấy mời, ông Minh hồi hộp, thao thức nhiều đêm, ăn không ngon, ngủ không yên vì lần đầu đi dự hội nghị lớn với những lãnh đạo cao nhất của đất nước mà chẳng biết nên phát biểu như thế nào cho hay. Và rồi, ông thở dài và quyết định: “Thôi thì tỉnh mình thế nào thì báo cáo trung thực như thế. Và có nghĩ được điều gì thì phát biểu như thế”.

Đến ngày, ông chuẩn bị đồ đạc rồi lên đường về Hà Nội dự họp. Ban tổ chức quán triệt, mỗi địa phương chỉ phát biểu không quá 5 phút đồng hồ, địa phương phát biểu sau phải có ý kiến mới chứ không trùng lặp...

“Khi đến lượt mình, tôi cũng thẳng thắn phát biểu rõ là mình muốn phổ cập xóa mù chữ, muốn đưa giáo dục phát triển mạnh thì mình phải làm cái gì? Cơ sở vật chất làm thế nào? Đào tạo giáo viên, học sinh như thế nào? Đào tạo người dân tộc như thế nào?... Tôi nói đúng một tiếng mà không ai ngắt lời”, ông Minh nhớ lại.

“Vì thế, khi họp xong, Trung ương đưa đoàn công tác ra Văn Miếu, bác Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đi tham quan. Trước khi di chuyển đi chỗ này, chỗ khác thì bác Mười cứ dắt tay tôi đi thì tôi mới có bức ảnh này đấy chứ. Phóng viên họ chụp xong rồi gửi lại cho tôi chứ tôi có chủ động nhờ họ chụp hộ đâu”, ông Minh cười!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.