70 năm dạy học miễn phí của ông giáo trăm tuổi

GD&TĐ - Ngày ngày lên lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em hơn 70 năm qua, cụ Nanda Prusty (102 tuổi) ở làng Kantira, quận Jajpur, bang Odisha, tự hào nói: “Tôi đã dạy chữ cho ít nhất ba thế hệ trong cùng một gia đình”.

Cụ Nanda Prusty và các trò nhỏ.
Cụ Nanda Prusty và các trò nhỏ.

Mang chữ đến với dân làng

Cụ Nanda Prusty chăm chú nhìn đứa cháu trai của mình, cố gắng lắng nghe câu hỏi anh ta đưa ra. Nhiều năm qua, mặc dù thính giác bị suy giảm nhưng khả năng nhận thức của cụ vẫn không gặp trở ngại nhiều. Tuổi tác rõ ràng đang ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nhưng sức mạnh tinh thần của cụ hầu như không hề suy giảm. Phải lặp lại câu hỏi đến lần thứ ba, cụ mới nghe rõ và bắt đầu kể lại câu chuyện của mình.

“Tôi đã dạy ít nhất ba thế hệ trong cùng một gia đình. Các cháu có thể tưởng tượng số năm mà tôi dành cho việc giảng dạy”, cụ Nanda Prusty ở ngôi làng Kantira xa xôi, cách thủ phủ Bhubaneswar khoảng 100 km, nói.

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của Sarbeswar, 30 tuổi, cháu trai của cụ, người đóng vai trò “điều phối” cho cuộc trò chuyện giữa cụ với các phóng viên. Anh nói với giọng đầy tự hào: “Ông tôi đã dạy học được 70 năm. Vâng, 7 thập niên! Thật không thể tin được phải không?”.

Cụ Nanda Prusty, thường được biết đến với cái tên “Nanda sir” vẫn còn trẻ so với tuổi 102. Hiện nay, niềm đam mê giảng dạy trong cụ vẫn còn như cách đây 70 năm. 

“Tôi không nhớ chính xác lúc bắt đầu dạy học là năm nào, chỉ biết là cách nay đã lâu lắm rồi, trước cả khi Ấn Độ giành được độc lập. Lúc đó, mọi người trong làng tôi đều mù chữ, riêng tôi được gửi đến nhà của người cậu ở quận Jajpur để đi học. Sau khi trở về làng, tôi bắt đầu dạy chữ cho những người khác”, cụ Nanda sir kể lại.

Sarbeswar, người từng nghe những câu chuyện về ông nội do cha mình kể lại, bổ sung thêm chi tiết: “Ông tôi là con độc nhất trong gia đình. Sau khi học xong, ông xin việc ở một nơi khá xa nhà. Ông cố của tôi không chịu được sự xa cách với đứa con trai yêu quý của mình nên đã bảo ông tôi nghỉ việc, trở về nhà”. Nghe lời cha, Nanda quay về làng nhưng không tìm được công việc gì để làm. Tuy nhiên, gia đình cụ là nông dân, nhờ chăm chỉ làm lụng nên cũng kiếm được đủ tiền để lo cho cuộc sống, không đến nỗi chật vật.

70 năm dạy học miễn phí của ông giáo trăm tuổi ảnh 1

“Sau khi trở về nhà, tôi thường bắt gặp những trẻ nhỏ lang thang, sống không mục đích. Tất cả đều hoàn toàn mù chữ. Do cũng không có việc gì làm nên tôi quyết định tập trung chúng lại để dạy học. Ban đầu, tôi phải đi tìm và thuyết phục chúng học chữ. Công việc này vô cùng khó vì bọn trẻ tự do đã quen rồi”, cụ Nanda nói.

Còn sức, còn dạy học

Vì trong làng không có trường học hay cơ sở công nào, ông phải dạy cho bọn trẻ học dưới gốc cây to. Đối với cụ Nanda, chia sẻ kiến ​​thức là nhằm giúp đỡ người khác, do đó cụ không lấy một đồng nào từ người học. “Tôi yêu trẻ con. Công việc dạy học mang lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc. Tôi muốn bọn trẻ lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội. Với tâm niệm này, tôi ra sức dạy dỗ chúng và không lấy công một xu nào”, cụ nói.

Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu việc làm của cụ được nhiều người biết đến. Dân làng bắt đầu gửi con cái của họ đến “Nanda sir” để được học chữ. Ngoài trẻ em, nhiều người lớn tuổi cũng trở thành học trò của cụ. “Tôi có hai ca dạy học, ca sáng dành cho trẻ em và ca tối muộn dành cho người lớn tuổi. Những đứa trẻ sẽ học bảng chữ cái Odia và các phép tính thông dụng. Còn người lớn tuổi được học cách viết tên của họ, về cơ bản là biết ký tên”, cụ Nanda nói.

Hơn 70 năm, cụ Nada Prusty vẫn say mê dạy học.
Hơn 70 năm, cụ Nada Prusty vẫn say mê dạy học.

Tất nhiên, dân làng giờ đây đã coi trọng việc học hơn, và bọn trẻ đến trường thường xuyên. Mặc dù vậy, họ vẫn gửi con cái đến các lớp học của cụ Nanda để nhờ kèm cặp. Thế nên, vẫn như thông lệ từ mấy chục năm, cụ thức dậy vào khoảng 6 giờ sáng và dạy học từ 7 giờ 30 phút - 9 giờ. Còn các lớp buổi chiều bắt đầu từ 16 giờ 30 phút. 

“Có khoảng 40 HS trong làng tham gia các lớp học ngoài giờ này. Trải qua những năm tháng giảng dạy, ông tôi luôn được người làng tôn trọng. Mọi người đều muốn con mình được học hỏi từ Nanda sir”, Sarbeswar nói.

Cái cây mà cụ Nanda từng dùng làm nơi dạy bọn trẻ học giờ đã được thay thế bằng một ngôi đền nhỏ do chính cụ xây dựng cách nay 7 năm. Hiện nay, các lớp học không gặp trở ngại ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong đại dịch
Covid- 19, các lớp học của cụ phải tạm dừng, nhưng hiện đã hoạt động trở lại.

Cho đến nay, cụ Nanda vẫn không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính phủ, thực tế, cụ cũng không có ý định nhờ vả điều gì trong tương lai. “Tại sao tôi cần phải được giúp đỡ? Tôi đã dạy trẻ miễn phí trong suốt những năm qua với mục đích duy nhất giúp chúng thành người hữu dụng. Tôi sẽ tiếp tục dạy học chừng nào sức khỏe còn cho phép”, cụ Nanda nói.

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.