(GD&TD)-Đó là khẳng định của Bộ Y tế tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn (2001-2010) và Triển khai Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn (2011-2020) diễn ra chiều ngày 20/12.
Ở những xã đạt chuẩn về y tế, học sinh được khám sức khỏe thường xuyên và hiệu quả hơn (ảnh MH) |
Theo đó, công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng tại các trạm y tế xã đạt chuẩn đã có những bước chuyển biến tích cực, nâng cao về chất lượng, thu hút được số lượng lớn bệnh nhân đến khám và chữa bệnh.
Người dân không cần thiết phải tìm đến cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tuyến trên nếu mắc bệnh ở mức độ nhẹ, đơn thuần, góp phần làm giảm tải y tế cho tuyến trên, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, nhất là đối với người nghèo, người có thu nhập thấp.
Tại một số địa phương, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ tuyến y xã đạt đến 30% tổng số lượt khám chữa bệnh tại địa phương.
Ở các xã đạt chuẩn, công tác tổ chức quản lý và khám sức khỏe định kỳ cho học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở được triển khai thường xuyên và tốt hơn.
Công tác vệ sinh môi trường tại các xã đạt chuẩn cũng tương đối khả quan, nhiều xã khu vực nông thôn, miền núi có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác, phân gia súc hợp vệ sinh đạt trên mức 70%, ở thành thị đạt trên mức 90%.
Đội nhân lực y tế tại các xã, mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản được đào tạo, đào tạo lại và hoạt động có hiệu quả. Việc thực hiện chuẩn đã khơi dậy tinh thần làm việc tích cực của đội ngũ cán bộ y tế xã, giúp cho các Trạm y tế xã hoàn thành tốt các nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Kết quả trên là do 100% số tỉnh, thành phố đều quan tâm đầu tư để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách tỉnh/huyện chiếm tỷ lệ khoảng 40%; kinh phí xã chiếm 30%; nguồn vốn huy động của nhân dân chiếm 10% và còn lại từ nguồn vốn hợp pháp khác.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn y tế năm 2005 là 35,7%, năm 2007 tăng lên 46,2%. Đến hết năm 2010, tỷ lệ xã đạt chuẩn là gần 75% số xã trong toàn quốc, trong đó có nhiều tỉnh đã có 100% xã đạt chuẩn.
Tuy nhiên, tỷ lệ xã/phường đạt chuẩn quốc gia y tế xã có sự khác nhau giữa các vùng. Những vùng đồng bằng, có điều kiện kinh tế khá thì tỷ lệ đạt chuẩn cao hơn, đạt trên 80% (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long); trong khi đó các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên đạt lệ đạt khoảng 40-60%.
Đặc biệt, 7 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiên Giang có 100% đạt chuẩn quốc gia y tế xã.
Phương Nguyên