7 kiểu hành xử cha mẹ tuyệt đối tránh nếu không muốn con cái bị tổn thương

GD&TĐ - Chuyên gia tâm lý Tuệ An cho biết, con trẻ rất vô tư nhưng lại dễ bị tổn thương về tâm lý bởi những lời nói, hành động vô tình của cha mẹ. Hãy điều chỉnh cách nói chuyện và cố gắng trở thành bạn của con.

7 kiểu hành xử cha mẹ tuyệt đối tránh nếu không muốn con cái bị tổn thương
Nuôi và dạy con luôn là vấn đề “đau đầu” với những người làm cha mẹ. Đối với những người làm cha mẹ lần đầu, không ít người vật vã với việc nuôi dạy con, không chỉ loay hoay từ thời kỳ “bỉm sữa” mà còn lúng túng với cả những chặng đường sau này. 
Chuyên gia tâm lý Tuệ An chia sẻ: "Nuôi dạy con không phải là chuyện đơn giản. Nó là một hành trình dài và đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có độ kiên nhẫn, chịu khó và nhẫn nhịn nhất định tránh làm tổn thương con bởi lời nói, hành động trong ứng xử với con". Vì vậy hãy tránh 7 cách cư xử dưới đây.
1. Nói dối, thất hứa
Thói quen này nhiều cha mẹ mắc phải và không ý thức được sự nghiêm trọng của hậu quả. Trong lúc bối rối hoặc cần con làm một điều gì đó cha mẹ sẽ hứa hẹn sẽ cho con một thứ gì đó nhưng sau đó lại không thực hiện.
Con cái sẽ vô cùng tổn thương vê hành động này, chúng sẽ không còn tin tưởng cha mẹ nữa. Bạn thường xuyên nói dối và thất hứa còn khiến con vô thức học theo.
2. Lôi con vào cuộc tranh cãi
Nhiều cặp vợ chồng vô tư tranh cãi các vấn đề trước mắt con thậm chí còn lôi kéo con đứng về phía mình để có thêm sự ủng hộ, hình thành phe phái trong gia đình.
Con trẻ dành tình yêu cho cha mẹ như nhau nên chúng sẽ rất buồn khi phải đứng giữa cuộc “khẩu chiến” của cha mẹ. Vấn đề của vợ chồng thì nên tự giải quyết không nên lôi con cái vào.
3. Trút giận lên con vô cớ
7 kiểu hành xử cha mẹ tuyệt đối tránh nếu không muốn con cái bị tổn thương ảnh 1
Cuộc sống vợ chồng và công việc đôi khi khiến cho chúng ta mệt mỏi và áp lực. Vì thế chỉ cần con hỏi một câu gì đó hay lỡ tay làm sai một điều gì đó bạn sẽ dễ mang những bực bội của mình trút lên con.
Hành động đó khiến con cái sợ hãi và ngày càng xa cách không muốn gần bạn nữa.
4. Đối xử bất công giữa các con
Có nhiều bậc cha mẹ có thói quen đối xử thiên vị giữa các con, họ biện minh rằng mình thương đứa con này hơn vì nó bệnh, nó đẻ sau, nó hợp với mình…
Dù là vì bất cứ lý do gì thì trẻ con rất nhạy cảm và dễ tổn thương nên cha mẹ cố gắng chú ý cách cư xử của mình để không khiến con cái phải cảm thấy mình không được yêu thương bằng so với anh hoặc em.
5. Không cho con “hỏi”
Có nhiều vấn đề con cái thắc mắc nên muốn hỏi cha mẹ nhưng vừa nói ra chúng đã bị ngăn lại bằng câu “trẻ con biết gì mà nói”. Khi đó con cho rằng cha mẹ không quan tâm mình và tìm đến nguồn tin không xác thực tiềm ẩn nguy cơ xấu. Cha mẹ hãy dành thời gian trả lời các thắc mắc của con, nếu không trả lời được ngay thì ghi lại câu hỏi và hẹn con trả lời sau chứ đừng lảng tránh hay yêu cầu con không được hỏi.
6. Quan tâm quá đến bạn bè của con
Trong cuộc đời con không thể thiếu những người bạn, những người bạn giúp cuộc sống của con vui vẻ hơn và giúp con hoàn thiện hơn. Một số cha mẹ lại muốn chọn bạn cho con, tránh những bạn học kém hay nhà nghèo vì sợ con bị ảnh hưởng xấu hoặc bị lợi dụng.
Sự can thiệp quá mức khiến con cảm thấy không thoải mái hoặc xấu hổ với bạn bè. Tình bạn nên được bắt nguồn từ sự yêu mến thật sự chứ không nên có yếu tố kinh tế, địa vị chen vào.
7. Không khen ngợi con
Điều này bắt nguồn từ việc cha mẹ luôn kỳ vọng con của mình sẽ làm tốt hơn nữa nên thường khen ngợi những đứa trẻ khác. Nhưng vô tình lại khiến cho con buồn và mất tự tin vào bản thân vì không được ghi nhận. Con người không ai hoàn hảo cả, cha mẹ cũng vậy thôi, cho nên hãy ghi nhận những ưu điểm của con để chúng có động lực cố gắng hơn nữa.
Nếu bạn có nỗi đau đến từ cha mẹ mình thì cũng đừng vội phản ứng, tức giận hay căm ghét họ, vì cha mẹ của chúng ta cũng rất đáng thương. Thay vì tập trung vào vết thương của mình bạn hãy thử một lần tìm hiểu về tuổi thơ, quá khứ của cha mẹ để có thể thông cảm với họ hơn.
Có lẽ họ cũng từng là nạn nhân của nỗi đau như bạn lúc này vậy, họ cũng từng lo lắng và sợ hãi như bạn vậy, họ cũng từng bị so sánh và đối xử bất công như bạn vậy, họ cũng bị áp đặt và mang nhiều kỳ vọng như bạn vậy.
Nhưng họ đã không được chữa lành, vì thế đem theo nỗi đau đó chuyển sang cho bạn, như vậy bạn chính là “nạn nhân của nạn nhân”. Vậy nên hãy hiểu và thương cho cha mẹ của mình nhiều hơn và cùng họ vượt qua nỗi đau nhé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ