Chưa lớn đã thành... “bố đời, mẹ thiên hạ” - Tiền không mua được “đường đời” con cái

GD&TĐ - Không ít ông bố bà mẹ sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con và cho trẻ thật nhiều tiền. Họ mong muốn con sẽ có cuộc sống hạnh phúc.

Cha mẹ đáp ứng con vô điều kiện có thể tạo nên những đứa trẻ hống hách. Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ đáp ứng con vô điều kiện có thể tạo nên những đứa trẻ hống hách. Ảnh minh hoạ.

Song, những phụ huynh này không biết rằng, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ hống hách và coi thường người khác.

Vì nghĩ rằng gia đình có điều kiện, nhiều trẻ có xu hướng “phó mặc” mọi vấn đề của mình cho cha mẹ giải quyết. Khi đó, cha mẹ cần yêu thương con đúng cách, để trẻ được lớn lên đúng nghĩa và không có suy nghĩ sai lệch.

Nhiều tiền là có tất cả?

Khánh Huyền (25 tuổi, quận Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi từng làm gia sư để có thêm thu nhập. Chính công việc này đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên về thói hống hách của không ít trẻ em ngày nay”.

Khi còn là gia sư, Khánh Huyền đảm nhận kèm cặp một học sinh lớp 4 tên Trang. Đáng nói, Trang sẵn sàng “cãi nhau tay đôi” với cô giáo.

Thậm chí, khi được yêu cầu trình bày lại bài làm một lần nữa vào vở, Trang thẳng thừng tuyên bố: “Em không thích viết nữa nên cô đừng ép em. Bố mẹ em đã nói sẽ tìm gia sư khác nếu em không ưng ý. Nếu cô tiếp tục yêu cầu em làm những điều em ghét, em sẽ không học cô nữa đâu”.

Ỷ thói được cha mẹ nuông chiều, Trang luôn cho rằng, mình có điều kiện hơn các bạn. Thậm chí, có lần mẹ Trang tâm sự với với Huyền rằng, giáo viên trên lớp cũng lo ngại trước thói huênh hoang của Trang. Cô học trò này thường xuyên thể hiện thái độ coi thường các bạn trong lớp.

Trang từng kể với Huyền: “Ở lớp, em là người sành điệu nhất. Đương nhiên là vậy rồi, vì quần áo của em được bố mẹ đặt mua từ nước ngoài mà! Những đứa khác còn lâu mới bằng được em”.

Ngay cả trong việc học, Trang cũng “không màng” tới điểm số. Cô bé này quan niệm rằng, do bố mẹ “nhiều tiền”, nếu điểm thấp, chỉ cần tới trao đổi với giáo viên là được.

Trang có thái độ như vậy là vì bố mẹ em thường đáp ứng mọi nhu cầu của cô bé. Bất kỳ khi nào Trang muốn đi trung tâm thương mại, ăn nhà hàng sang trọng, hay những món đồ chơi đắt tiền..., cô bé đều được đáp ứng.

Trang thường xuyên theo dõi Youtube và mè nheo bố mẹ sắm cho mình những món đồ tương tự. Mỗi lần như vậy, bố mẹ cô bé đều dỗ dành và nhờ người mua từ nước ngoài gửi về.

Trong khi đó, bố mẹ Trang cũng thường nói trước mặt con về cách tiêu tiền. Trang kể với Khánh Huyền - gia sư của mình rằng, bố mẹ em là những “tín đồ hàng hiệu”, sẵn sàng mua một chiếc áo vài chục triệu. Bởi vậy, Trang cho rằng, vì bố mẹ giàu, nên mình được quyền đòi hỏi là lẽ đương nhiên.

“Cách nói chuyện của Trang khiến tôi vô cùng bất ngờ. Tôi cứ ngỡ rằng, chỉ có một số trẻ vị thành niên mới có suy nghĩ sai lệch như vậy.

Có lần, Trang bị bạn cùng lớp trêu. Trang đã đe dọa đánh bạn và nói thản nhiên rằng, vì là con nhà giàu, nên cô bé không sợ ai. Có lẽ, do được “sống trong nhung lụa” nên những đứa trẻ như Trang không thể thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động”, gia sư Khánh Huyền tâm sự.

Đây là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Khi nhu cầu vật chất càng cao, các ông bố bà mẹ trẻ có xu hướng kiếm thật nhiều tiền. Họ sẵn sàng cho con tiêu tiền “thoả thích” vì nghĩ rằng, đó là cách tốt nhất để giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc.

Song, những người làm cha mẹ này cũng không thể lường trước rằng, chính cách nuôi dạy của họ là nguyên nhân tạo cho con trẻ tâm lý ỷ lại. Vì nghĩ rằng bố mẹ có tiền, có thể làm được tất cả mọi việc, nên chúng không cần phải làm gì nữa, dù gặp vấn đề nào cũng sẽ có phụ huynh đứng sau giải quyết.

Việc người lớn đua nhau thể hiện sự sành điệu của mình, cách người lớn đánh giá nhau qua vật chất được cho là ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách sống của trẻ. Chưa kể ở một số gia đình, con còn trở thành “phương tiện” để cha mẹ khoe của.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Thành Đạt, cha mẹ cần nêu gương tốt và giải thích cho trẻ hiểu rằng, giá trị đích thực của mỗi người không phải ở những hình ảnh hào nhoáng bề ngoài.

Thay vào đó, cha mẹ nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Muốn” là thứ mình ao ước được có nhưng nếu không có cũng không sao hoặc không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. “Cần” là thứ mình không thể thiếu cho cuộc sống, có thể dùng một cách hợp lý. Khi trẻ đòi hỏi thứ gì, nên hỏi rõ trẻ: Đây là thứ con muốn hay con cần?

Ngoài ra, cha mẹ cần kiên quyết nói “không” khi nhận thấy đòi hỏi của con là vô lý. Cha mẹ cũng nên quan tâm, theo sát con, định hướng cho trẻ trong việc chọn bạn, bởi con rất dễ bắt chước. Sự can thiệp cần khéo léo, tế nhị, tránh làm trẻ bị tổn thương.

Chị Nguyễn Hải Yến (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, việc con trẻ ngày nay có thói hống hách do cậy vào điều kiện của bố mẹ là bình thường.

“Tôi hiện là phụ huynh của bé gái lớp 3. Dù mới 9 tuổi, nhưng các bạn trong lớp con thường xuyên soi gương trong giờ học, muốn mặc trang phục thật đẹp tới lớp để khoe nhau. Thậm chí, bé nhà tôi từng khiến gia đình “sốc” khi đòi mua... hàng hiệu để bằng bạn”.

Chị Hải Yến kể, con gái từng khóc và đòi bố mẹ cho nhiều tiền tiêu vặt như một số bạn ở lớp. Thậm chí, con chị Yến đòi hỏi với lý do rằng: "Các bạn muốn gì cũng có. Ít ra con cũng phải có tiền tiêu để đỡ xấu hổ khi đi học chứ".

Các chuyên gia cho biết, để con có những suy nghĩ tích cực, tự lập hơn, cha mẹ phải luôn biết giữ giới hạn khi nói về tiền với trẻ. Phụ huynh cần để con nghĩ rằng, phải có khả năng thực sự mới có thể có một cuộc sống tốt đẹp. Điều quan trọng là cha mẹ để con lớn lên từ yêu thương, thay vì những đồng tiền vô tri vô giác.

Một số trẻ sẵn sàng đánh bạn vì ỷ lại cha mẹ. Ảnh minh hoạ.
Một số trẻ sẵn sàng đánh bạn vì ỷ lại cha mẹ. Ảnh minh hoạ.

Yêu thương con đúng cách

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, cuộc đời ai cũng mong muốn được làm cha mẹ để được yêu thương, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con, để trẻ không thua kém bất kỳ ai. Tuy nhiên, yêu thương con cũng là một nghệ thuật. Do đó, phụ huynh cần thật sự thông thái để yêu thương con đúng cách. Từ đó, giúp con được lớn lên đúng nghĩa.

"Con không cần cha mẹ bao bọc đến mức làm hết mọi việc thay. Bởi, có làm, con mới có thể học sự khéo léo, chủ động trong cách nghĩ, trong sắp xếp công việc, chịu trách nhiệm, ra quyết định, sửa sai, cũng như sự chủ động để đạt được mục tiêu công việc. Nó giúp con liên tục thực hành tư duy và hành động.

Các thói quen này khiến con có tư duy ứng dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp…", chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh đó, trẻ cũng không cần cha mẹ bao bọc đến mức vấn đề gì cũng nghĩ hộ, giải thích, hướng dẫn hết. Khi tự suy nghĩ, trẻ sẽ biết được luồng tư duy của con hấp thụ từ cuộc sống ra sao, hiểu có đúng không, có tích cực không, có ứng dụng được không. Khi đó, cha mẹ có thể cùng con mổ xẻ logic, cảm nhận, quyết định.

Điều này giúp con liên tục tự vận động não bộ với mọi thứ xung quanh. Qua đó, có thể phản xạ tự học hỏi và ứng dụng từ khoảng 70 - 80%. Khi đó, phần còn lại sẽ do cha mẹ định hướng cùng con, giúp trẻ có hướng đi đúng đắn hơn.

“Con không cần cha mẹ giải quyết hộ vấn đề  trong các mối quan hệ. Bởi, con phải tự biết cách giải quyết kịp thời và để thể hiện được bản lĩnh cuộc sống từ nhỏ. Nhờ đó, có phản xạ tư duy giải quyết vấn đề. Kỹ năng giải quyết vấn đề lớn dần theo độ tuổi và cuộc sống trong tương lai xa hơn nữa”, bà Phạm Hiền chia sẻ.

Đặc biệt, cha mẹ được khuyến khích không nên xót xa và giúp con tránh bị xấu hổ, trách phạt… khi mắc lỗi. Theo chuyên gia này, trẻ phải học cách chịu trách nhiệm, gánh hậu quả từ những sai lầm. Khi đó, con sẽ có ý thức về lòng tự trọng để tự phát triển tích cực khi trưởng thành.

“Đừng nhìn xa và cao siêu quá mà bỏ quên mất thứ con cần nhất cho cuộc sống tự lập thường ngày của chính trẻ. Hãy thương con đúng cách để con lớn đúng nghĩa, để con phát triển tự nhiên trong nguyên tắc sống cần có với bản năng sinh tồn vốn dĩ luôn mạnh mẽ trong mỗi con người!”, chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh.

Không chỉ có thói hống hách, nhiều trẻ thậm chí sẵn sàng đánh bạn vì ỷ lại nhà có điều kiện. Nguyễn Khánh (13 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Các bạn cùng lớp Khánh chia sẻ, cậu thường xuyên trêu chọc mọi người trong lớp. Khi các bạn phản ứng, Khánh “mạnh dạn” tuyên bố sẽ đánh bất kỳ ai dám lên tiếng. Bởi, theo lý lẽ của Khánh, “nhà có điều kiện nên không sợ đứa nào”.

Theo Phan Linh - nhà tư vấn phụ huynh và chuyên gia tâm lý học trẻ em, nếu phân tích tất cả các lý do có thể dẫn tới sự hung hăng của trẻ, có lẽ điều cuối cùng rút ra đó là: Tình trạng này bắt nguồn từ sự thờ ơ của cha mẹ với thế giới cảm xúc của con. Đây cũng là biểu hiện của sự không sẵn sàng từ cha mẹ để cố gắng hiểu và phân tích các lý do hành vi theo quan điểm của trẻ.

Đứng trước tình huống trẻ có thái độ hung hăng, chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên dạy con tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đặc biệt, con cần hiểu rằng, đổ lỗi cho người khác là điều tồi tệ.

Bên cạnh đó, cần giúp con phát triển cảm giác đồng cảm với người lớn và bạn bè đồng trang lứa, cũng như với thế giới xung quanh. Dạy con phân biệt giữa cảm xúc và tâm trạng, cố gắng phân tích và hiểu lý do.

Ngoài ra, phụ huynh có thể dạy con giải phóng những cảm xúc tiêu cực tích tụ theo một số cách ôn hòa và dễ chấp nhận hơn, như đập gối, xé giấy… Yếu tố quan trọng khác là làm gương và tuyệt đối không dùng bạo lực để dạy con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.