7 cách kỷ luật con không cần đánh đòn

GD&TĐ - Dưới đây là các giải pháp thay thế mà phụ huynh có thể áp dụng ngay để tránh việc đánh đòn con.

 Nếu trẻ đưa ra một lựa chọn sai lầm, hãy dạy chúng hậu quả là mất đi một đặc quyền. (Ảnh: ITN).
Nếu trẻ đưa ra một lựa chọn sai lầm, hãy dạy chúng hậu quả là mất đi một đặc quyền. (Ảnh: ITN).

Đánh đòn là một trong những chủ đề nuôi dạy con được tranh luận rộng rãi nhất. Hầu hết các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia nuôi dạy con cái không khuyến khích hình thức kỷ luật này, nhưng đại đa số các bậc cha mẹ trên khắp thế giới thừa nhận đã đánh đòn con mình.

Đối với nhiều bậc cha mẹ, đánh đòn có thể là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để thay đổi hành vi của trẻ. Và nó thường diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy trừng phạt thân thể có hậu quả lâu dài đối với trẻ em.

Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc đánh đòn, thì đây là 7 cách được giới chuyên gia khuyến nghị.

Mất đặc quyền

Mục tiêu không phải là trừng phạt con để bắt chúng phục tùng, mà là giúp chúng học cách đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho tương lai. Chẳng hạn, nếu trẻ đưa ra một lựa chọn sai lầm, hãy dạy chúng hậu quả là mất đi một đặc quyền.

Cha mẹ cũng nên nói rõ khi nào trẻ có thể lấy lại các đặc quyền của mình. Thông thường, 24 giờ là đủ dài để dạy con học hỏi từ sai lầm của chúng. Vì vậy, bạn có thể nói: “Con không được xem TV trong thời gian còn lại trong ngày, nhưng con có thể xem vào ngày mai bằng cách thu dọn đồ chơi của con vào lần đầu tiên bố/ mẹ yêu cầu”.

Phớt lờ hành vi sai trái nhẹ

Hậu quả tự nhiên cho phép trẻ học hỏi từ những sai lầm của chính chúng. (Ảnh: ITN).
Hậu quả tự nhiên cho phép trẻ học hỏi từ những sai lầm của chính chúng. (Ảnh: ITN).

Việc phớt lờ có chọn lọc thực sự hiệu quả hơn so với đánh đòn. Điều này không có nghĩa là bạn nên làm ngơ nếu con đang làm điều gì đó nguy hiểm hoặc không phù hợp. Nhưng bạn có thể bỏ qua hành vi tìm kiếm sự chú ý.

Chẳng hạn, khi con cố gắng thu hút sự chú ý bằng cách rên rỉ hoặc phàn nàn, đừng đổ lỗi cho chúng. Lúc này, bạn nên nhìn đi hướng khác, giả vờ như bạn không thể nghe thấy chúng và không trả lời. Sau đó, khi trẻ cư xử tử tế, hãy chuyển sự chú ý của bạn sang trẻ. Theo thời gian, trẻ sẽ học được rằng cư xử lịch sự là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của chúng.

Dạy kỹ năng mới

Một trong những vấn đề chính của việc đánh đòn là nó không dạy con cách cư xử tốt hơn. Đánh đòn con vì chúng nổi cơn thịnh nộ sẽ không dạy chúng cách bình tĩnh lại vào lần tiếp theo khi chúng tức giận.

Trẻ em được hưởng lợi từ việc học cách giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc và thỏa hiệp. Khi được cha mẹ dạy những kỹ năng này, trẻ có thể giảm đáng kể các vấn đề về hành vi. Nói cách khác, cha mẹ nên sử dụng kỷ luật nhằm mục đích dạy dỗ, không trừng phạt.

Hậu quả logic

Hậu quả logic là một cách tuyệt vời để giúp những đứa trẻ đang vật lộn với các vấn đề hành vi cụ thể. Ví dụ, nếu con bạn không ăn tối, đừng để chúng ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Hoặc nếu chúng từ chối làm việc nhà, không cho phép chúng chơi trong thời gian còn lại trong ngày.

Hậu quả tự nhiên

Hậu quả tự nhiên cho phép trẻ học hỏi từ những sai lầm của chính chúng. Ví dụ, nếu con bạn nói rằng chúng sẽ không mặc áo khoác, hãy để chúng ra ngoài và cảm nhận cơn lạnh.

Hãy sử dụng các hậu quả tự nhiên khi bạn nghĩ rằng con sẽ học được từ sai lầm của chính mình. Theo dõi tình hình để đảm bảo rằng con sẽ không gặp bất kỳ nguy hiểm thực sự nào.

Phần thưởng cho hành vi tốt

Phần thưởng giúp trẻ tập trung vào những gì chúng cần làm để giành được đặc quyền. (Ảnh: ITN)
Phần thưởng giúp trẻ tập trung vào những gì chúng cần làm để giành được đặc quyền. (Ảnh: ITN)

Thay vì đánh đòn một đứa trẻ vì hành vi sai trái, hãy thưởng cho chúng vì hành vi tốt. Ví dụ, nếu con thường xuyên đánh nhau với anh chị em của chúng, hãy thiết lập một hệ thống khen thưởng để thúc đẩy chúng hòa thuận với nhau hơn.

Phần thưởng giúp trẻ tập trung vào những gì chúng cần làm để giành được đặc quyền, thay vì nhấn mạnh hành vi xấu mà chúng phải tránh.

Khen ngợi hành vi tốt

Cha mẹ có thể ngăn chặn các vấn đề về hành vi của con bằng cách buộc con cư xử đúng mực. Ví dụ, khi chúng chơi ngoan với anh chị em của mình, hãy chỉ ra điều đó bằng cách ghi nhận: “Hôm nay con đang làm rất tốt.”

Khi có nhiều trẻ trong nhà, hãy dành sự quan tâm và khen ngợi nhiều nhất cho những trẻ tuân thủ các quy tắc và cư xử tốt. Sau đó, khi đứa trẻ khác bắt đầu cư xử đúng mực, hãy khen ngợi và chú ý đến chúng.

Theo verywellfamily.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ