Theo Erik Larson - Nhà sáng lập, CEO của Công ty Cloverpop chuyên cung cấp công cụ điện toán đám mây hỗ trợ việc ra quyết định, trong kinh doanh, hành động "thiết lập mục tiêu" là cách thể hiện mong muốn của doanh nghiệp, còn "đưa ra quyết định" mới là thứ hướng đến hành động thực sự.
Thực tế, luôn có cách thúc đẩy quá trình ra quyết định được diễn ra nhanh hơn và tốt hơn, ví dụ: luyện tập cho quá trình ra quyết định, hay sử dụng các ứng dụng công nghệ.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu với sự tham gia của 500 nhà quản lý và giám đốc điều hành, các nhà khoa học phát hiện ra, chỉ 2% trong số họ thường xuyên luyện tập cho quá trình này và có ít công ty thiết lập hệ thống đo lường để cải thiện việc ra quyết định.
Hơn nữa, theo Larson, ra quyết định vốn là công việc khó khăn, cần có động lực mạnh mẽ thúc đẩy bản thân. Hầu hết mọi người hay ra quyết định trong tình cảnh chịu nhiều áp lực, không chắc chắn nên thường dựa vào cảm xúc cá nhân và sự mách bảo của trực giác.
Dưới đây là 7 bước giúp nhà quản lý ra quyết định nhanh hơn và tốt hơn, được Erik Larson giới thiệu trên trang Harvard Business Review:
1. Viết ra năm mục tiêu/ưu tiên đã có từ trước của công ty, mà theo bạn, sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Việc tập trung vào những điều quan trọng sẽ giúp bạn tránh được cái bẫy hợp lý hóa những lý do khiến bạn đưa ra quyết định đó.
2. Liệt kê ít nhất 3 giải pháp thay thế (lý tưởng nhất là từ 4 trở lên) cho quyết định hiện tại. Bước này đòi hỏi một chút cố gắng và sáng tạo nhưng bù lại, chúng sẽ giúp bạn có cơ hội đánh giá quyết định hiện tại kỹ càng hơn và chuẩn bị sẵn phương án dự phòng sau này.
3. Ghi ra thông tin quan trọng mà bạn đang thiếu. Chúng ta thường mạo hiểm bỏ qua những điều chúng ta không biết vì bị phân tâm bởi những thứ chúng ta biết, đặc biệt trong tình trạng dồi dào thông tin như hiện nay.
4. Viết ra những tác động của quyết định dự kiến sẽ ảnh hưởng đến công ty trong vòng một năm tới. Việc lên danh sách các kết quả này sẽ giúp bạn xác định các tình huống có thể xảy ra cho công ty từ đó chuẩn bị biện pháp ứng phó phù hợp.
5. Để một nhóm (ít nhất hai người và nhiều nhất 6 người) tham gia vào tiến trình ra quyết định này. Việc lắng nghe quan điểm từ nhiều phía sẽ giúp bạn giảm sự thiên vị.
6. Ghi ra những quyết định bạn từng đưa ra trước kia, cũng như giải thích lý do vì sao và làm thế nào mọi người lại đồng ý hỗ trợ những quyết định đó. Hành động này giúp bạn đánh giá được tính khả thi của quyết định và có cơ sở đo lường tính hiệu quả của chúng sau này.
7. Lên lịch theo dõi hiệu quả của quyết định này từ 1-2 tháng. Thực tế, mọi người thường quên đi giai đoạn quan trọng này, đặc biệt khi đó là cơ hội để họ sửa sai, hoặc rút kinh nghiệm nếu đó là một quyết định tồi.
Và điều quan trọng nhà quản lý cần lưu ý là việc hiểu những bước trên là chưa đủ, bạn cần phải luyện tập chúng một cách nghiêm túc nếu muốn cải thiện khả năng ra quyết định kinh doanh của mình.