Theo đó, 6 trường đã công bố báo cáo tự đánh giá TEIDI gồm: Trường Đại học Vinh, Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học sư phạm Huế, Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học sư phạm Hà Nội và Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ chỉ số phát triển trường sư phạm (Teacher Education Institution Development Index, viết tắt là TEIDI) là công cụ để đo lường sự phát triển năng lực của các trường sư phạm một cách toàn diện, đặc biệt là đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các trường phổ thông.
Bộ chỉ số TEIDI bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa những tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số từ các bộ công cụ như: Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, bộ tiêu chuẩn AUN kiểm định chất lượng giáo dục đại học các nước ASEAN và bộ chỉ số đánh giá các trường sư phạm QUATI, TEIDI của Ấn Độ.
Với 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 63 chỉ số, các tiêu chuẩn trong Bộ chỉ số TEIDI bao gồm: Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng; Chương trình đào tạo; Nghiên cứu, phát triển và đổi mới; Hoạt động đối ngoại; Môi trường sư phạm và các nguồn lực; Hỗ trợ dạy học; Hỗ trợ người học.
Việc thẩm định báo cáo tự đánh giá của các trường do một Tổ chức kiểm đếm quốc tế độc lập do Ban Quản lý Chương trình ETEP tuyển chọn và ký hợp đồng kiểm đếm kết quả các hoạt động của Chương trình, trong đó có đánh giá TEIDI.
Sau khi tham vấn các bên liên quan, các trường có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tự đánh giá để Tổ chức kiểm đếm độc lập thẩm định, đánh giá, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Đây là cơ hội để các trường được công nhận mức độ phát triển, hiện đại hóa về chương trình đào tạo, bồi dưỡng; phát triển các nghiên cứu phục vụ quá trình đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường năng lực thực hành, thực tế cho sinh viên; tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ quá trình dạy và học, đặc biệt là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo, bồi dưỡng.
Kết quả đánh giá theo bộ chỉ số TEIDI giúp các trường sư phạm nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng; thể chế hóa mối quan hệ với các bên liên quan, giữa trường với các trường khác trong hệ thống sư phạm và với các trường phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp; đồng thời xây dựng được phương án sử dụng đội ngũ chuyên gia cùng tham gia vào quá trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.