Cứ đến rằm tháng 8 hàng năm, bánh Trung thu lại là thức quà không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đây là loại bánh truyền thống của người Việt với vô vàn hương vị như nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, trứng muối…
Dù vậy, bánh Trung thu lại có vị khá ngọt, chứa nhiều đường nên hoàn toàn có thể gây hại cho sức khỏe người ăn.
Để mọi người có một mùa Trung thu an toàn, khỏe mạnh ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng) đã chỉ ra 6 KHÔNG khi ăn bánh Trung thu, ai cũng cần ghi nhớ.
1. KHÔNG tham rẻ mua bánh kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Để đảm bảo an toàn khi ăn bánh Trung thu, ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi cho rằng điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất đó là phải chọn mua bánh ở những cơ sở uy tín, thương hiệu đã được khẳng định và được người tiêu dùng tin tưởng.
Vì chủ quan, nhiều gia đình đã lựa chọn những loại bánh có giá thành rẻ như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho sức khỏe, thậm chí gây ra ngộ độc nếu ăn phải bánh kém chất lượng.
2. KHÔNG ăn quá nhiều bánh trong một lúc
Theo vị chuyên gia, bánh Trung thu có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là tinh bột và đường bởi nếu không đảm bảo độ ngọt thì bánh sẽ dễ bị hỏng, mốc. Trong khi đó, chức năng dạ dày của trẻ em còn yếu, ăn quá nhiều sẽ gây khó tiêu, bỏ cơm, biếng ăn.
Ngay cả đối với lười lớn nếu ăn quá nhiều bánh Trung thu cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thừa cân, béo phì. Chính vì vậy, bánh Trung thu chỉ nên ăn cho vui chứ không nên "ăn để no".
3. KHÔNG ăn bánh Trung thu nếu bị tiểu đường, thừa cân
Vì bánh có chứa hàm lượng đường cao nên người tiểu đường không nên ăn bánh Trung thu để tránh làm tăng đường huyết, còn người thừa cân sẽ dễ béo phì.
Tuy nhiên, 2 đối tượng này nếu muốn ăn bánh Trung thu thì có thể lựa chọn loại bánh ăn kiêng, nhưng dù ăn loại bánh này cũng không được ăn thoải mà phải dùng theo liều lượng phù hợp.
4. KHÔNG ăn bánh Trung thu sau bữa tối, đặc biệt là ăn bánh kèm uống trà, cà phê ở thời điểm này
Bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi khẳng định thực ra việc ăn bánh Trung thu vào thời điểm nào trong ngày cũng không được. Tuy nhiên, cần tránh ăn sau bữa tối, đặc biệt là sau 7h tối bởi loại bánh này có vị rất ngọt, vào thời điểm này cơ thể vận động không nhiều dẫn đến năng lượng bị tích tụ sẽ dễ gây ra béo phì, thừa cân, tăng chorestorol trong máu.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng khuyên không nên ăn bánh Trung thu ngay sau bữa cơm mà nên ăn vào khoảng 3 giờ đồng hồ sau khi ăn, lý do là khi vừa ăn cơm, dạ dày chưa tiêu hóa hết thức ăn, nếu lập tức ăn bánh Trung thu sẽ dẫn đến chứng khó tiêu.
Khi ăn những món có vị ngọt, thường mọi người sẽ chọn nhâm nhi cùng một tách trà hay cà phê nhưng 2 loại đồ uống này có chất kích thích, làm tinh thần trở nên tỉnh táo hơn. Nếu uống vào buổi sáng thì không sao nhưng uống vào buổi tối sẽ dẫn đến mất ngủ, gây hại cho sức khỏe.
5. KHÔNG ăn bánh Trung thu đã quá hạn sử dụng, bị mốc
Theo bác sĩTường Vi, đừng vì tiếc tiền mà miễn cưỡng giữ lại các loại bánh đã bị hỏng, mốc, quá hạn sử dụng. Hãy dứt khoát vứt bỏ vì bánh Trung thu mốc rất độc hại, có thể gây ngộ độc, lâu dài sẽ gây nguy cư ung thư mà chúng ta không hề biết.
6. KHÔNG nên ăn bánh Trung thu quá nhanh
Các bác sĩ dinh dưỡng khuyên rằng, nếu ăn quá nhiều đồ ngọt cùng một lúc thì bạn sẽ không thể kiểm soát được lượng đường trong máu. Mà khi lượng đường trong máu tăng càng nhanh thì thì cũng khó có thể tiêu hao nhanh được khiến bạn bị tích tụ chất béo gây tăng cân, béo phì.
Do đó, khi ăn bánh Trung thu, bạn nên cắt bánh hành từng miếng nhỏ và cố gắng ăn từng miếng một cách chậm rãi.
Nên chọn và ăn bánh Trung thu như thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, khi đi mua bánh, người tiêu dùng nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Bánh phải được sản xuất trong những cơ sở có đủ điều kiện về địa điểm, môi trường, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ sản xuất, bảo quản, người sản xuất có đủ điều kiện vệ sinh và nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
- Bánh phải được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, được bảo quản theo quy định của nhà sản xuất.
- Hộp bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có mầu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
- Bánh phải còn hạn sử dụng.
Trả lời câu hỏi có nên mua những chiếc bánh đắt tiền để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Hiện nay có nhiều người lợi dụng để làm bánh Trung thu handmade chất lượng kém, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Nhưng kể cả khi chúng ta mua bánh "có uy tín" với giá thành cao thì vẫn có thể bị làm giả.
Chính vì vậy điều quan trọng nhất khi mua bánh không phải là bánh đắt hay rẻ, có thương hiệu hay không mà là lựa chọn loại bánh phù hợp với đồng lương và khả năng của mình. Hãy tự cảm nhận về tất cả mọi mặt của chiếc bánh trước khi mua để lựa chọn được chiếc bánh an toàn, bảo đảm nhất".
Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên nếu trong trường hợp mua bánh gặp sự cố về mặt sức khỏe thì người dân nên thông báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.