6 bước chuẩn bị cho con vào lớp 1 của mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam

GD&TĐ - Chị Hồ Điệp khuyên bố mẹ đầu tư vào các món đồ dùng thiết thực như cặp sách, tránh mua nhiều vở vì nhà trường có quy định riêng.

6 bước chuẩn bị cho con vào lớp 1 của mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, chỉ ra các bước cơ bản bố mẹ cần chuẩn bị cho con khi bé vào lớp 1, bao gồm: mua sắm đồ dùng học tập, giúp bé chuẩn bị tâm thế, những việc phải làm trong ngày khai giảng, rèn thói quen tốt cho con, học sao cho đúng cách và vài cuốn sách cần đọc.

Chị Hồ Điệp cho rằng, sự đồng hành của bố mẹ là thực sự cần thiết với bé trong thời điểm này bởi theo một số nhà giáo dục, lớp 1 là một "cửa ải".

1. Chuẩn bị đồ dùng

Chị Điệp cho rằng, bố mẹ cần xác định việc con vào lớp 1 sẽ tốn kém tiền mua đồ dùng học tập bởi các bé khó giữ gìn được lâu.

Đồ dùng cần sắm bao gồm:

- Hộp bút (nên chọn mua hộp có hình bé thích) + bút chì ( bút chì của Staedtler 2B là phù hợp) + tẩy + thước kẻ (thước có chiều dài 20cm) + gọt bút chì + bộ bút màu. Bút mực sang học kỳ 2 mới cần nên bố mẹ chưa cần sắm vội.

- Cặp sách: nếu có điều kiện, bố mẹ nên mua loại siêu nhẹ của Nhật.

Chị Hồ Điệp chia sẻ, lúc Nhật Nam học cấp 1, chị "nghiến răng" mua cho con một chiếc cặp sách siêu nhẹ của Nhật. Chiếc cặp được Nam dùng suốt 5 năm tiểu học, sau đó tặng lại cho một bạn và bây giờ được chuyền tay thêm mấy bạn nữa nhưng vẫn tốt. Tuy nhiên, chị Điệp lưu ý bố mẹ tìm mua đúng loại hàng Nhật. Nếu không, nên chọn cho bé loại tiện dụng, không nhiều ngăn phức tạp hoặc to quá.

- Vở: Hầu hết trẻ dùng vở theo quy định của nhà trường nên bố mẹ đừng sắm vội. Nếu cần, chỉ nên mua loại vở 5 li, giấy trắng nhưng không lóa.

6 bước chuẩn bị cho con vào lớp 1 của mẹ

Chị Hồ Điệp cho rằng bố mẹ cần đồng hành cùng con trong bước khởi đầu quan trọng này.

2. Chuẩn bị tâm thế

Mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam chia sẻ: Lớp 1 còn được một số nhà giáo dục gọi là "cửa ải lớp 1", đủ thấy khó khăn của các bạn nhỏ khi mới bắt đầu đi học như thế nào. Vì thế, con rất cần có bố mẹ đồng hành.

Hãy nói với con về những niềm vui mà nhà trường mang lại: Vào lớp 1 con sẽ đọc được nhiều câu chuyện để kể cho mẹ nghe/ Vào lớp 1, con đã lớn rồi, con biết xếp hàng ngay ngắn/ Vào lớp 1, con sẽ ăn nhanh hơn vì con không còn là em bé nữa… Cứ thế, bạn khiến con cảm thấy: Ồ, mình lớn thật rồi. Đi học thật là vui.

3. Cho ngày khai giảng

Bố mẹ hãy đến trường cùng con nếu có thể. Hãy coi đó là một sự kiện đáng ghi nhớ của cả nhà. Mẹ nên "trang trí" cho bộ đồng phục của con bằng việc cài thêm một cái nơ, một bông hoa (với bé gái) hoặc gắn thêm hình (tàu thủy, lá cờ) với bé trai. Các bậc phụ huynh đừng quên mua bóng bay hoặc cờ nếu nhà trường yêu cầu. Với bé, đó là chuyện rất quan trọng. 

Chị Hồ Điệp bày tỏ mong muốn tất cả nhà trường khi tổ chức khai giảng nên dành một khoảng thời gian để chào mừng các bé lớp 1 đến trường. Các con sẽ đi vào từ cổng trường và có các anh chị lớn, các thầy cô ra đón để các bé đứng vào hàng. Giây phút đó sẽ thành kỉ niệm đáng yêu cho cả bố mẹ và các con.

4. Những thói quen cần rèn trước khi vào học

- Con sẽ ngồi ngay ngắn và học (viết, vẽ, tô màu, làm tính) trong vòng 20 phút.

- Con sẽ ngồi tập trung chơi mà không di chuyển chỗ.

- Con biết chờ đợi người khác nói, biết lắng nghe.

- Con biết cách giơ tay để phát biểu trong lớp học.

- Tự phục vụ khi ăn uống, đi vệ sinh, giữ gìn đồ đạc cá nhân.

- Con biết cách quan sát và diễn đạt những điều mình đã quan sát được.

- Con thực hiện được theo những nguyên tắc đơn giản hoặc theo thời khóa biểu.

6 bước chuẩn bị cho con vào lớp 1 của mẹ

 "Thần đồng" Đỗ Nhật Nam và bố mẹ. Ảnh minh họa: Internet

5. Về việc học

Trong mọi điều, hãy nhớ: Đừng để bé sợ học ngay từ vạch xuất phát. Niềm vui khi học là thứ cảm xúc cần được nuôi dưỡng và quan trọng hơn điểm số. Đừng hoang mang khi thấy các bé khác biết đọc, viết mà con mình thì chưa. Chỉ sau một học kì, hầu hết các bé sẽ có trình độ ngang nhau.

Có nên cho bé làm bài về nhà từ lớp 1 không? Theo quan điểm của chị Điệp: nên và trong khoảng thời gian dưới 20 phút là phù hợp. Trong khoảng thời gian đó:

- Bé đọc lại bài của ngày hôm đó.

- Tập tô hoặc tập viết khoảng 3 dòng.

- Tự tính nhẩm hoặc viết lại con số.

Mẹ của "thần đồng" Nhật Nam cho rằng, việc bắt bé ngồi viết cả trang giấy là một "cực hình" bởi tay con còn quá non nớt. Điều cần rèn cho trẻ trước thềm lớp 1 là thói quen tự học, cách tự liên hệ, tự tìm hiểu những kiến thức đã học.

Ví dụ con học vần "o". Hãy cùng đố vui tìm các tiếng có vần "o". Khó hơn thì làm bài thơ kết thúc bằng vần "o".

Ví dụ: Tôi bị ho/ Mẹ rất lo/ Mẹ lấy cho/ Một cái lọ/ Có vị nho/Tôi hết ho/ Ngủ khò khò/ Ngáy o o…

Vui là chính, không cần quá quan trọng về nghĩa.

Với môn Toán, hãy cố gắng "nghĩ theo hướng ngược lại" vì các bài tập trong sách giáo khoa thường chỉ dạy kĩ năng tính toán. Ví dụ con học phép tính trong bảng 5, bố mẹ hãy đố: Những số nào cộng với nhau thì kết quả là 5.

Lớp 1, các bé cũng làm quen với các khái niệm: Tiếng - Từ - Chữ - Chữ cái - Âm - Vần. Những khái niệm này rất quan trọng nên bố mẹ tránh nhầm lẫn khi dạy con.

6. Về đọc sách

Thời điểm này, bố mẹ nên duy trì việc đọc sách cho con, ít nhất đến hết học kỳ 1 của lớp 1 bởi đó là khoảng thời gian để bé thư giãn sau một ngày học tập ở trường. Các phụ huynh cố gắng cho con đọc sách chữ thay vì sách tranh như trước. Trong trường hợp bé vẫn thích truyện tranh, nên có "giao kèo" một tuần đọc 2- 3 lần.

Những cuốn sách, truyện cha mẹ có thể chọn đọc cho con:

- Bộ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên: Đây thực sự là "bộ sách tiểu học" vì bố mẹ có thể để dành cho con trong suốt quãng thời gian bé học cấp 1. Nó mang đến cảm giác dễ chịu, êm đềm và rất tốt cho việc phát triển vốn từ của trẻ.

- Tot-to-chan cô bé bên cửa sổ.

- Tập thơ: Ngày xưa, ngày nay, ngày sau, Ra vườn nhặt nắng và một số bài thơ của Trần Đăng Khoa.

Những cuốn sách tham khảo cho việc học lớp 1, theo chị Điệp là chưa cần thiết.

Theo ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.