Con trai tôi năm nay 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Cháu rất ham chơi. Tôi cho cháu đi học viết tại nhà cô giáo 3 giờ/ngày, về nhà cháu chỉ học từ 0,5 đến 1 giờ. Có điều, cháu không chịu học, học không tập trung, chỉ muốn đi chơi và luôn so sánh với em trai mới 17 tháng là: "Tại sao em được đi chơi, mà con phải ngồi học". Rất mong chuyên gia giúp tôi. (Thuỷ)
Trả lời
Trường hợp của gia đình chị không phải là “nỗi khổ riêng ai”. Trong nhiều năm làm công tác hỗ trợ tâm lý trẻ em và phụ huynh, tôi nghe đi nghe lại chuyện này mỗi khi hè đến. Vấn đề thông thường rơi vào phụ huynh, chứ không nằm ở trẻ.
Chẳng phải tự nhiên mà chương trình cho trẻ mầm non hoàn toàn chú trọng vào hoạt động vui chơi. Còn các hoạt động liên quan đến chữ, số (nếu có) chỉ là tạo bàn đạp chuẩn bị cho trẻ kĩ năng tiền học đường, làm quen với tâm thế học tập sau này ở tiểu học. Chỉ khi vào tiểu học, trẻ mới thực sự cần được rèn luyện nề nếp trong việc đọc, viết chữ và học tập các môn khoa học khác một cách bài bản.
Việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1 xét về mặt giáo dục, tâm lý đều chưa cần thiết và hợp lý. Thực tế hiện nay, các bậc phụ huynh có xu hướng “ép non” đứa trẻ do nhiều áp lực thời gian, thành tích và dư luận xã hội... Chúng ta quên mất rằng, hè là để con chơi, con phát triển kĩ năng, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động khác nhau mà suốt năm học con không có nhiều điều kiện tiếp cận. Vậy cớ gì người lớn “tước” mất quyền đó của con? Đương nhiên, hệ lụy thường là sự phản ứng rõ ràng hoặc ngấm ngầm của trẻ, chưa kể đến các ảnh hưởng khác về mặt cảm xúc, tâm lý, nhân cách của con.
Việc trẻ không muốn, không thích, không tập trung học hay so sánh với bạn khác, với em mình… đều là lời cảnh báo cho người lớn. Người lớn cần quan tâm đến cả thực tế việc học đầy khó khăn, nặng nề của con hiện tại, quan tâm cả tiếng nói bên trong của con. Những lý lẽ biện minh: bận rộn không ai chăm coi, con người ta cũng học ào ào, không học lên lớp một biết gì đâu, khổ lắm... chỉ là lý lẽ của người lớn. Người lớn vì mình hay vì con? Con cũng có lý lẽ riêng của con, cần được tôn trọng, cần được quan tâm… Chúng ta phải cân nhắc lựa chọn cách nào phù hợp, cân bằng được công việc và quan tâm, chăm sóc con ngày hè. Có quan tâm đúng mức, phù hợp với đặc điểm tâm lý mới tạo ra hiệu quả trong việc giáo dục và phát triển nhân cách phù hợp với lứa tuổi của con.
Cuối cùng, chúng tôi muốn chia sẻ với chị rằng, vấn đề của gia đình chị phần lớn thuộc về người lớn, không phải nằm ở đứa con yêu quý của chị. Tốt hơn, chị nên thay đổi các hoạt động hè cho con, việc dạy chữ có thể tạm dừng lại, hoặc thay cách dạy để khiến con cảm thấy học chữ là niềm vui. Hoạt động học chữ chỉ nên là hoạt động khuyến khích, bổ trợ, định hướng cho con vào lớp 1 chứ không phải hoạt động bắt buộc phải làm. Chị cần rút ngắn thời gian học chữ và bổ sung các hoạt động trải nghiệm hè cho con.
Chúng tôi tin, con sẽ cảm kích ba mẹ rất nhiều, điệp khúc so sánh, cằn nhằn sẽ tự nhiên biến mất khi hoạt động chủ đạo – hoạt động vui chơi của con ở tuổi này được thỏa mãn.
Chúc chị và các bậc phụ huynh thành công!