50 năm thanh một tiếng khèn

50 năm thanh một tiếng khèn

(GD&TĐ) - Đã hơn 50 năm qua, tiếng khèn của ông vẫn còn thanh, điệu múa sênh tiền vẫn mạnh mẽ, sinh động. Tuy nhiên, trong ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm làm sao bảo tồn văn hoá của người Mông ở Bắc Hà, Lào Cai, làm sao để những bài hát cổ không mai một.

Thiết tha với hồn dân tộc

Bỏ lại đằng sau tiếng vó ngựa, tiếng hò reo vang dội của khán giả trong cuộc đua ngựa đang diễn ra tại sân vận động Bắc Hà. Vượt qua những khúc rẽ quanh co, phảng phất mùi rượu ngô, chúng tôi tìm đến nhà ông Lý Seo Hồ, người được ca ngợi là múa khèn, sênh tiền, đàn môi hay nhất dân tộc Mông, Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai.

Thấy khách đến, ông vồn vã mời vào nhà, căn nhà đơn sơ vẫn giữ được những nét truyền thống của người Mông, khách muốn vào nhà phải cúi thấp đầu, gian giữa vừa là nơi thờ tự, vừa là nơi cả gia đình sum họp vào cuối ngày. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng trên đường đi, trông ông bé nhỏ trong bộ quần áo của dân tộc Mông, miệng luôn tủm tỉm cười luôn tay rót rượu mời khách: “Uống đi, rượu ngô bản Phố đấy. Uống xong nghe hát mới hay”. Sau ly rượu thay lời chào, ông hát câu một câu dân ca Mông với nghĩa là “Bạn đến nhà không có rượu, thịt mời, chỉ có chén rượu ngô mới cất hôm qua. Uống đi nào uống cho tình bạn ta thêm đầy như con suối đầu bản, cho tươi tốt như rừng mận sau nhà”. Hát xong, ông trịnh trọng giới thiệu: “Mình tên là Lý Seo Hồ, năm nay vừa tròn 66 tuổi là người dân tộc Mông ở bản Phố, Bắc Hà”.

Ông Lý Seo Hồ và cây khèn đã theo ông 50 năm
Ông Lý Seo Hồ và cây khèn đã theo ông 50 năm

Càng tiếp xúc càng nhận ra ẩn sâu bên trong người đàn ông bé nhỏ đó là một tấm lòng tha thiết với văn hóa dân tộc mình. Ông kể rằng con trai người Mông ai cũng biết thổi khèn, múa võ tay, cũng như con gái Mông ai cũng biết dệt lanh, may váy và múa sênh tiền. Đến tuổi thiếu niên không cần phải dạy, con trai Mông cũng tự biết mày mò ra các điệu khèn mà cha anh mình vẫn thường thổi trong những đám ma, hay mỗi khi hoa mận nở trắng rừng báo hiệu một mùa lễ hội đã đến.

Khác với bạn bè cùng trang lứa, ngay từ khi còn trẻ, ông Lý Seo Hồ đã biết lưu lại những bài dân ca cổ của dân tộc mình trên một loại giấy mà chỉ có người Mông mới có được. Làm từ 5 loại cây khác nhau trên rừng, giấy tuy mỏng nhưng rất dai, chịu được thời tiết nóng ẩm. Người Mông chỉ dùng giấy đó trong các buổi cúng lễ đầu năm hay được các thầy mo vẽ tranh thờ cúng, hoặc lưu giữ những văn tự cổ. Ông kể rằng, ngày trước thế hệ ông thuộc rất nhiều bài hát cổ, nhà nào cũng lưu giữ vài bài làm vốn cho con cháu nhưng trải qua năm tháng, người Mông không còn định cư trên núi cao nữa mà chuyển dần xuống thung lũng ở nên các bài hát cũng bị mai một dần. Ông tâm sự: Bao năm qua cứ mỗi khi chiều xuống, bất kể xuân hay hè, bên chén rượu ngô ông lại cất tiếng hát những bài hát đã ăn sâu vào tâm trí cùng những điệu khèn với hy vọng các con cháu ông nghe và những thanh niên người Mông nghe chúng sẽ thuộc và sau này sẽ nối tiếp ông gìn giữ bảo tồn những cái gọi là hồn cốt văn hóa của người Mông. Ông say sưa nói về cây khèn cùng chiếc gậy sênh tiền vốn là tinh hoa của văn hóa dân tộc Mông mà suốt 50 năm qua ông miệt mài gìn giữ. Những nhạc cụ đó tuổi thọ cũng xấp xỉ tuổi ông. Miệng nói chân bước nhanh ra sân, khi chúng tôi vừa ra đến mảnh sân trước nhà đã nghe thấy tiếng khèn gọi bạn cất lên trong hơi lạnh của buổi chiều vùng sơn cước. Dù tuổi đã cao nhưng tiếng khèn của ông Hồ vẫn thanh lắm, tiếng khèn như đưa người nghe về với những phiên chợ tình nơi thanh niên trai gái vẫn hò hẹn nhau, để rồi qua những phiên chợ đó họ tìm được một nửa của mình. Khách vẫn còn đang chìm đắm trong tiếng khèn gọi bạn, ông đã với tay lấy cây gậy sênh tiền múa luôn một bài. Điệu múa tưng bừng dưới tiếng kêu xoèn xoẹt vui tai của các lá nhôm, những cái hất tay những bước tiến lùi tưởng như đơn giản dễ dàng lại chứa trong đó những nét văn hóa tâm linh mà chỉ người Mông mới có. Bất thần ông dừng lại, trịnh trong đặt cây gậy dựa vào vách rồi vung tay biểu diễn võ tay cho khách xem, những thế võ khi cương khi nhu lúc lại thư thái, uyển chuyển khiến cho chúng tôi, đám du khách vốn quen cuộc sống hiện đại nơi thị thành không ngớt lời trầm trồ, khen ngợi.

Lễ hội của người Mông ở Lào Cai
Lễ hội của người Mông ở Lào Cai

Diễn xong, hớp thêm chén rượu, ông nói nửa như phân trần nửa như kể lể: “Già rồi, ngày thì đi chăn bò ngoài bãi, chiều về chẳng biết làm gì, uống chén rượu suông cho vui. Gặp khách thì múa hát chứ thanh niên bây giờ không còn có mấy ai thích nghe khèn, nghe hát nữa”. Theo ông, thì khèn là loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông, được chế tác bằng ống tre, muốn làm được chiếc khèn hay và bền thì người con trai Mông phải mất cả tháng vào rừng tìm cho được cây tre đực, không lấy ngọn, cũng không lấy gốc, chỉ lấy phần giữa rồi chọn thêm những tay tre già mang về phơi cho héo. Rồi mới đục lỗ buộc dây sao cho khi cầm cây khèn lên nhẹ nhưng chắc, thổi lên tiếng phải trong. Khèn chủ yếu là nam giới sử dụng trong đám tang và thanh niên dùng trong những ngày hội hè. Còn cây gậy sênh tiền nam nữ đều sử dụng được nhưng chủ yếu là dành cho nữ giới. Gậy sênh tiền được làm bằng trúc hoặc tre, khoét hai đầu còn phần giữa giữ nguyên, một xâu là ba lá nhôm, mỗi đầu xâu bốn chỗ (tổng cộng là 12 lá). Khi múa, người nam và người nữ đứng đối diện nhau, chân bước tay múa. Mọi người phải bước sao cho đúng để đội hình trông giống như hình quả trám.

Đau nỗi niềm riêng

Con gái ông trước kia cũng là một trong những hạt nhân gây dựng lên đội múa sênh tiền của bản Phố. Trong một lần xuống Lào Cai chơi bị bạn lừa bán sang Trung Quốc, nửa năm sau gia đình ông mới tìm được con về. Bây giờ cả ngày cô chỉ ngồi nhà không còn tham gia vào đội văn nghệ nữa. Cứ tưởng có người theo nghiệp mình nhưng ai ngờ… Ông bỏ lửng câu nói đưa mắt nhìn rặng núi trước nhà, không khí trầm hẳn xuống.

Múa điệu sênh tiền
Múa điệu sênh tiền

Vài năm gần đây, tiếng ông Lý Seo Hồ ở bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai múa khèn giỏi, hát và nhớ được nhiều điệu dân ca cổ của người Mông vang khắp vùng. Ngày càng nhiều người tìm đến ông để được nghe ông hát, xem ông biểu diễn múa khèn và được nghe ông kể tường tận lịch sử của từng loại nhạc cụ. Rất nhiều du khách nước ngoài đã đánh giá rất cao về những tiết mục biểu diễn của ông, họ quay phim, chụp ảnh lại những tiết mục đó và gửi cho ông làm kỷ niệm. Còn ông, ngày ngày vẫn miệt mài múa, hát và coi đó như cách để giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ông lo rằng rồi mai đây thanh niên người Mông sẽ không còn ai hát những câu như “Ta không lấy được mình làm vợ như con chim lẻ bóng nơi chân trời. Mình và ta nên vợ nên chồng như chim trên rừng làm tổ khi xuân về”.

Tạm biệt ông ra về, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng ông hát : Gió thổi lá cây bên suối, nếu ta là hạt mưa sương ta xin tan dưới bàn chân nàng. Lòng thầm mong cô con gái ông sẽ vượt qua biến cố của cuộc đời để tiếp tục cùng cha gìn giữ những tinh hoa của dân tộc mình.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ