Để chọn lựa một trường Đại học phù hợp, hãy bắt đầu từ 5 tiêu chí cơ bản sau đây.
Trường Đại học có ngành mà bạn yêu thích
Nghe có vẻ rất... tất nhiên, đúng không nào? Nhưng thực tế, mỗi mùa xét tuyển luôn có rất nhiều bạn “chọn trường rồi mới chọn ngành”: Chọn một trường “có tiếng” rồi đăng ký vào ngành có điểm chuẩn thấp nhất để dễ đậu, mặc dù bản thân không hề yêu thích chút nào. Lựa chọn này hoàn toàn không hiệu quả, bởi vì học một ngành không thích sẽ gây chán nản, kết quả học tập không như ý và tất nhiên là lãng phí thời gian, tiền bạc rồi!
Chính vì vậy, một trường Đại học phù hợp trước tiên là trường mà bạn có thể trúng tuyển vào đúng ngành yêu thích. Điều này giúp bạn có động lực học tập, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc hơn rất nhiều. Chẳng hạn, với ngành Dược, các thí sinh tự tin vào điểm thi THPT có thể đăng ký vào Trường ĐH Y dược TPHCM, thấp hơn một chút là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH)... để trúng tuyển đúng ngành yêu thích.
Chương trình thực tiễn, chuyên môn vững vàng
Một chương trình đào tạo hiệu quả cần có tính cập nhật - sinh viên học những kiến thức mới tham khảo từ của các trường Đại học danh tiếng thế giới, cùng những kiến thức mà nhà tuyển dụng hiện tại đang cần; và tính ứng dụng - học cách áp dụng kiến thức để xử lý vấn đề thực tế thông qua thực hành, làm đồ án, dự án,... Đây chính xác là những gì bạn cần, nếu bạn mong muốn “học Đại học để làm việc hiệu quả”.
Chương trình đào tạo Đại học cũng gồm những yếu tố “ngoài chuyên môn” như tiếng Anh - yêu cầu không thể bỏ qua, nếu bạn muốn có cơ hội thăng tiến cao và thu nhập hấp dẫn. Bạn có thể chọn một trường Đại học kết hợp tiếng Anh ngay trong chương trình đào tạo chính khóa như một cách “mưa dầm thấm lâu” - vì học ngoại ngữ là một quá trình. Học tập theo lộ trình rõ ràng giúp bạn chủ động hơn, tránh tình trạng “nước tới chân mới nhảy”.
Cơ sở vật chất hiện đại, tiện ích học tập đa dạng
Nền giáo dục hiện đại ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu của các tiện ích học tập đối với tinh thần và chất lượng học tập của sinh viên. Một trường Đại học được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, hiện đại với hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, mô phỏng... đạt chuẩn sẽ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng, trực quan hơn.
Chẳng hạn, thí sinh chọn ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán... nên chú ý đến các nhà hàng, khách sạn thực hành, phòng mô phỏng doanh nghiệp, phòng thực hành nghiệp vụ. Trong khi đó, thí sinh chọn ngành Kỹ thuật - Công nghệ hãy chú ý đến các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành... Những tiện ích học tập khác như thư viện, phòng tự học hay kể cả tiện ích giải trí như sân bóng, phòng GYM, thanh nhạc, vũ đạo... cũng rất nên tham khảo, đặc biệt nếu bạn là một teen năng động thuộc team “văn thể mỹ”.
Hoạt động phong trào sôi nổi - “giảng đường thú vị”
Bạn lo lắng khi nghe nói sinh viên thường rất thiếu kỹ năng mềm? Vậy thì khi chọn trường Đại học, hãy đặc biệt lưu ý đến các trường có hoạt động phong trào sôi nổi, đa dạng - bởi đây là điều kiện cần thiết để phát triển kỹ năng cho sinh viên. Không chỉ khiến việc học tập bớt “khô khan”, hoạt động ngoại khóa là cách để bạn giải trí, gặp gỡ thêm bạn bè, phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm...
Chẳng hạn, tại các trường Đại học có nhiều câu lạc bộ đa dạng về học thuật, tình nguyện, văn - thể - mỹ, các bạn sinh viên có môi trường hiệu quả để phát triển toàn diện cả năng khiếu và kỹ năng mềm, đồng thời có dịp thể hiện tinh thần năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ thông qua các hoạt động tình nguyện, thể thao.
Rộng mở cơ hội nghề nghiệp
Mục đích học Đại học là để làm việc và một trường Đại học có hoạt động kết nối doanh nghiệp hiệu quả, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên chắc chắn sẽ là lựa chọn cần ưu tiên đối với tất cả các bạn thí sinh.
Đối với tiêu chí này, bạn thể tham khảo tỉ lệ sinh viên có việc làm của trường Đại học cũng như các hoạt động hợp tác đào tạo, giao lưu tuyển dụng trực tiếp, học kỳ doanh nghiệp, ngày hội việc làm... Điều này không chỉ có ý nghĩa với sinh viên năm cuối - vì giúp các bạn dễ dàng tiếp cận vị trí tuyển dụng phù hợp, tăng cơ hội có việc làm; mà còn quan trọng với cả sinh viên năm nhất, năm hai - bởi sẽ giúp các bạn có điều kiện tìm hiểu thị trường lao động thực tế, qua đó có thể định hướng, chuẩn bị tốt hơn cho bản thân.