Không uống trà đá khi bị sỏi gan, mật, tiết niệu
Người bị sỏi gan, mật, tiết niệu cần tránh sử dụng loại đồ uống này. Bởi trong trà đá có chứa cafeine và axit tannic. Hai chất này tham gia vào quá trình trao đổi chất ở gan, khiến chức năng gan bị suy yếu.
Bên cạnh đó, axit oxalic trong trà kết hợp với canxi sẽ tạo thành chất kết tủa trong đường tiết niệu. Lượng kết tủa này nếu không được đào thải ra ngoài sẽ gây ra sỏi thận, sỏi tiết niệu.
Người già, trẻ nhỏ không nên uống trà đá
Nguyên nhân là chất cafeine trong trà gây ra căng thẳng, khó ngủ đặc biệt là đối với người già.
Chất axit tanic trong trà không thích hợp với trẻ nhỏ bởi nó gặp sắt trong dạ dày sẽ tạo thành phản ứng bất lợi cho sức khỏe, làm thiếu hụt sắt trong cơ thể trẻ, thậm chí dẫn tới thiếu máu.
Tránh uống trà đá khi đang đói
Các chuyên gia giải thích rằng, uống trà đá khi đang đói sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, khiến cơ thể hấp thụ nhiều cafeine gây ra hiện tượng run chân tay, cồn cào, xót ruột, chóng mặt...
Uống trà đá khi đói còn có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, gây hại cho phổi và hệ hô hấp.
Uống trà đã pha từ lâu
Uống trà ngay sau khi pha là cách tuyệt vời nhất để đảm bảo hương vị và chất lượng. Tuy nhiên, đa số các quán trà đá vỉa hè đều pha sẵn từ lâu, khi có khách chỉ cần rót ra cốc là được.
Ngoài ra, họ có thể sử dụng các loại lá trà không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Trà để lâu và không sạch có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa, ngộ độc...
Uống trà sau khi ăn
Nhiều người Việt thường có thói quen uống trà sau bữa ăn để làm sạch miệng, khử mùi tanh. Tuy nhiên, chất tannin trong lá trà kết hợp với thức ăn sẽ tạo nên những hợp chất khiến hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng, thức ăn khó tiêu, dinh dưỡng không được hấp thụ. Từ đó làm tăng nguy cơ bị táo bón và tích lũy các chất có hại trong cơ thể.