Dạy học theo chương trình, SGK mới: Dần đi vào nền nếp

GD&TĐ - Nhận định của ông Đặng Tự Ân -Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Sau 1 học kỳ với nhiều bỡ ngỡ, việc dạy học theo chương trình, SGK mới đang dần đi vào nền nếp.

Dạy học theo chương trình, SGK mới: Dần đi vào nền nếp

- Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về kết quả triển khai chương trình, SGK mới với lớp 1 sau 1 học kỳ triển khai qua theo dõi thực tế?

Có thể nói, sau một học kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, chúng ta thấy có sự chuyển biến nhất định. Ví dụ, việc đọc thông, viết thạo sau hết học kỳ học sinh cơ bản đã làm tốt, có nơi làm tốt hơn với cùng một thời gian khi triển khai chương trình cũ.

Nhiều giáo viên lạc quan chia sẻ trên các phương tiện truyền thông là học sinh đến trường vui, chăm chỉ, bước đầu biết tham gia các hoạt động học tập; ít bỡ ngỡ, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết làm quen cách tự học, tự giác làm một số việc nhỏ… Đây là kết quả nhiều hứa hẹn, nhất là các em chủ yếu là vui chơi ở giai đoạn học mẫu giáo. Bên cạnh đó, không tránh khỏi còn có những khó khăn ban đầu trong quá trình dạy và học và đây là lẽ thường tình, vì nói như lời 1 bài hát: “Ngày đầu chưa quen/ Đường cày đâu thẳng ngay.”.

Ông Đặng Tự Ân
Ông Đặng Tự Ân

- Nếu nhìn nhận về khó khăn, ông sẽ quan tâm đến điều gì?

Năm học này khó khăn lớn nhất chúng ta gặp phải là việc định vị lại nhà trường để phát triển giáo dục thời kỳ công nghiệp 4.0.

Chúng ta biết rằng, mục tiêu chủ yếu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển mạnh từ việc truyền thụ kiến thức, sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Tôi nghĩ đây là bản chất của triết lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới của chúng ta.

Do đó, chúng ta phải thay đổi toàn bộ các cấu phần của một chương trình giáo dục, đó là nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đó, khó khăn nhất theo tôi vẫn là thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục và đổi mới đánh giá học sinh.

Với phương pháp dạy học, thay đổi bao trùm là biến quá trình truyền thụ kiến thức một chiều trên lớp thành quá trình tương tác giữa thầy và trò; là quá trình học tập của học sinh phải là quá trình hoạt động để các em tự tiếp thu kiến thức và áp dụng kiến thức đó vào thực tế.

Với đánh giá cũng phải theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tức bỏ đánh giá chỉ chú trọng điểm số mà chuyển sang đánh giá quá trình, đánh giá bằng nhận xét, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, thông qua đó xác định được mức độ và quá trình hình thành phẩm chất, năng lực học sinh… Đây là những thay đổi rất cơ bản và rất mới mà việc thực hiện nó quả thực không dễ dàng.

Đại dịch Covid-19 như một cơn bão ồ ạt kéo dài, làm đảo lộn các nhà trường, khiến quá trình dạy học không còn như truyền thống mà chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc học sinh tạm nghỉ học ở nhà.

Dạy học theo chương trình, SGK mới: Dần đi vào nền nếp ảnh 2

- Hiện học sinh lớp 1 đã được đánh giá theo quy định mới. Ông thấy cách đánh giá này đã “khớp” với đổi mới chương trình, SGK?

Trước hết, đánh giá học sinh tiểu học đã triển khai qua các giai đoạn: giai đoạn thử nghiệm khi triển khai chương trình Trường học mới – VNEN; sau đó Bộ GD&ĐT triển khai các Thông tư quy định đánh giá được điều chỉnh dần theo nhu cầu thực tiễn; và đến nay thực hiện theo Thông tư 27 – đánh giá theo tính chất cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 5 cho học sinh tiểu học toàn quốc.

Cách đánh giá này, theo tôi là rất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền giáo dục phát triển của các nước và phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Cách đánh giá này đi liền, song song với quá trình dạy học, học đến đâu đánh giá đến đó, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh qua từng giai đọan học tập; không như giai đoạn trước là thực hiện đánh giá sau khi đã học xong một đơn vị kiến thức hay một giai đoạn giáo dục.

Cách đánh giá mới, điều quan trọng nhất với giáo viên là cần cái tâm, tức là phải có sự say mê, bền bỉ, thương trẻ và mong muốn giúp trẻ học tập tốt và phát triển bản thân, và quan trọng hơn là phải có năng lực đánh giá học sinh. Năng lực này được hình thành từ quá trình đào tạo trong các trường sư phạm và từ việc thường xuyên bồi dưỡng các kỹ thuật đánh giá trong quá trình giáo viên đứng lớp.

-  Ở chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh nữa, vậy theo ông khi đó giáo viên có vai trò ra sao để tạo nên tiết học hiệu quả và hứng thú với các em học sinh?

Với chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là một tài liệu, thậm chí là một học liệu tham khảo để hỗ trợ giáo viên dạy học trên lớp. Đúng như theo khuyến cáo của UNESCO, SGK phải là tài liệu hỗ trợ ban đầu cho giáo viên, tiến tới bài giảng của giáo viên phải tích hợp được nhiều tài liệu khác nhau, từ hợp tác của các giáo viên và cả học sinh.

Tất nhiên, tiến tới bài giảng thoát ly được SGK phải có lộ trình và theo từng bước, tùy mức độ phụ thuộc vào năng lực hiện có của giáo viên và hiện trạng của các nhà trường.

Vì vậy, yêu cầu này rất phù hợp với việc chúng ta chuyển đổi từ quản lý sang quản trị nhà trường. Thực hiện quản trị nhà trường đòi hỏi tính tự chủ rất cao. Vì vậy, Điều lệ trường phổ thông THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD&ĐT ban hành cũng đã nhấn mạnh cho phép nhà trường chủ động trong soạn giảng nói riêng và tổ chức hoạt động chuyên môn nói chung.

Dạy học theo chương trình, SGK mới: Dần đi vào nền nếp ảnh 3

- Năm học 2020 - 2021 là năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo ông, ngành Giáo dục nên chăng cần có sơ kết, tổng kết để thấy rõ những việc đã và chưa làm được, đúc rút kinh nghiệm từ đó làm tốt hơn trong thời gian tiếp theo?

Điều này rất cần thiết và nên làm. Theo tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương kế hoạch thực hiện sơ kết một học kỳ triển khai chương trình, SGK mới với lớp 1. Hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai công tác sơ kết, từ cấp trường đến cấp phòng GD&ĐT, sau đó là cấp sở GD&ĐT, để cuối cùng tổ chức một hội nghị cấp toàn quốc.

Đầu ra của hội nghị phải chỉ ra được những điểm mới của dạy học và giáo dục theo  theo mục tiêu đổi mới, tức là đánh giá theo chuẩn nào. Nghĩa là không phải chuẩn kiến thức và kỹ năng như trước mà chuẩn phát triển năng lực phẩm chất học sinh.

- Hai điều kiện quan trọng triển khai chương trình mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Là Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, ông có thể chia sẻ những định hướng sắp tới mà Quỹ này thực hiện hỗ trợ thực hiện chương trình mới?

Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nguồn lực chưa nhiều nên chúng tôi chưa có tham vọng trong việc hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất cho trường học. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn đi đầu trong triển khai một số hoạt động đổi mới mang tính tiên quyết, cơ bản trong đổi mới giáo dục phổ thông; trước hết là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Đặc biệt, chúng tôi rất chú ý xây dựng trường học hạnh phúc – đây không chỉ là một phong trào được Bộ GD&ĐT phát động và đang triển khai, mà còn là khuyến cáo của UNESCO cho các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt trọng tâm rất lớn để đi đầu trong bồi dưỡng giáo dục STEM cho tất cả các trường, đặc biệt là trường phổ thông trung học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.