Ông không may mắn trong tình yêu và cuối cùng cam chịu với ý nghĩ rằng tình yêu duy nhất của ông là khoa học. Nhưng nhà khoa học đã yêu 5 lần, và 5 người phụ nữ này đã để lại 5 vết sẹo trong trái tim ông.
Mối tình đầu bi thương
Lịch sử không lưu lại tên người tình đầu tiên của Alftred Nobel, cũng như những thông tin chi tiết về mối tình của ông. Người ta chỉ biết rằng họ gặp nhau tại Paris, năm Alfred Nobel 16 tuổi, và mối tình mà ông gọi là “hạnh phúc chóng mặt” ấy kết thúc một cách bi thảm: Cô gái làm việc trong hiệu thuốc và chết vì bệnh lao.
Cái chết của người con gái khiến Nobel bị sốc và làm tan nát trái tim ông.
“Kể từ hôm nay, mình không cần những thú vui của đám đông nữa và bắt đầu nghiên cứu cuốn sách vĩ đại của thiên nhiên để hiểu những gì được viết trong đó, rồi tìm kiếm một phương thuốc có thể chữa trị nỗi đau của mình” – Nobel quả quyết như vậy và sau đó viết một bài thơ “Điều bí ẩn” về mối tình đầu của mình.
Anna Desri
Nhiều người đổ lỗi cho cô gái này về việc Nobel không nhắc tới các nhà toán học trong di chúc nổi tiếng của mình. Năm 18 tuổi, Alfred Nobel gặp cô gái Anna xinh đẹp, người Đan Mạch, tại một trong những phòng khách ở Saint-Peterburg.
Ông thực sự mê Anna, tán tỉnh cô và mong được đáp lại. Thông tin về việc mình có tình địch như một đòn nặng nề đối với chàng trai trẻ. Franz Lemarge, nhà toán học tương lai, rõ ràng rất thích Anna.
Tại một cuộc gặp mặt, Anna và Franz đã chơi khăm Alfred một vố đau điếng. Lemarge đề nghị Alfred Nobel giải một bài toán khó và trong khi lúng túng, Nobel đã đưa ra đáp án sai, vì vậy họ đã chế giễu ông.
Vì thất vọng, nhà phát minh vĩ đại tương lai đổ bệnh và quyết định không dây dưa với phụ nữ nữa. Tuy nhiên, các nhà viết tiểu sử chính thức phủ nhận mối liên hệ của sự kiện này với việc toán học không nằm trong danh sách các ngành được giải Nobel.
Theo quan điểm của họ, đây không phải là sự trả thù: Đơn giản là toán học không phải lĩnh vực quan tâm của Nobel, vì vậy ông đã dành tiền thưởng cho những lĩnh vực gần gũi với mình.
Sarah Bernhardt
Năm 30 tuổi, lần đầu tiên Nobel nhìn thấy một nữ diễn viên lộng lẫy trên sân khấu “Comedie Française” ở Paris. Bị sốc trước tài năng của nữ diễn viên, Alfred Nobel một lần nữa quên lời hứa của mình và sau buổi biểu diễn đã đến hậu trường với một bó hoa rực rỡ.
Ông mời Sarah đi ăn tối, cô đồng ý - thế là cuộc tình lãng mạn của họ bắt đầu.
Vào thời điểm đó, sự nghiệp của Sarah Bernhardt đang ở đỉnh cao, còn Alfred Nobel lại cần một người bạn gái trung thành và cô chủ chăm sóc ngôi nhà của mình. Rõ ràng, ông có chút nghi ngờ Sarah đảm đương được chức năng này, vì vậy khi Sarah đi lưu diễn ba tháng ở Mỹ, Nobel đã viết thư cho mẹ.
Bà mẹ đã cho con trai mình một lời khuyên không mấy dễ chịu, nhưng không ngoài mong đợi:
“Con trai, mẹ biết người bạn của con khá rõ. Mẹ rất khâm phục màn trình diễn của cô ấy tại nhà hát của chúng ta năm ngoái... Nếu con cần mộtcô gái bô-hê-miêng, con sẽ nhận được điều đó... Mẹ biết ở Pháp, một người hủy hoại cuộc đời mình vì phụ nữ nhận được sự cảm thông, còn bản thân nhân vật thì tự hào về điều đó.
Ở quê hương của con, con trai ạ, anh ta sẽ bị coi là một kẻ ngốc. Hãy học tập tấm gương của người Thụy Điển. Thảo nào ngày xưa, các diễn viên không được an táng ở nghĩa trang. Họ không có linh hồn, con trai ạ!” - bà mẹ của Nobel viết.
Nobel nghe theo lời khuyên của mẹ và chia tay với Sarah. Vài năm sau, ông lại đến xem cô biểu diễn, nhưng không còn gặp và tặng hoa nữa.
Bertha Kinsky Alfred Nobel gặpBertha nhờ... một mẩu quảng cáo. Ông không tìm kiếm một người bạn đời,ý định của ông là thuê một người giúp việc.
“Một quý ông trung niên, giàu có và có học thức, tìm một phụ nữ nói được tiếng Anh và tiếng Pháp và có thể làm thư ký” – đó là nội dung mẩu quảng cáo được đăng trên một tờ báo ở Paris.
Nữ bá tước Bertha Kinsky, một phụ nữ quý tộc sa sút, buộc phải phục vụ trong những gia đình giàu có, tình cờđọc được mẩu quảng cáo. Lần cuối cùng, bà bị đuổi việc vì bà chủ phát hiện ra quan hệ của Bertha với con trai cả của mình, kém cô gia sư bảy tuổi. Vào thời điểm họ gặp nhau, Nobel đã 33 tuổi, cũng trẻ hơn Bertha.
Kinsky ngay lập tức phải lòng Nobel. Bà là một phụ nữ xinh đẹp, có học thức, thông thạo 4 ngoại ngữ. Nobel lại chìm đắm vào giấc mơ về hạnh phúc gia đình, thậm chí còn chuẩn bị sửa sang căn nhà để chung sống với nhau.
Nobel không ngờ Bertha đã bí mật hứa hôn với người tình học trò của mình. Ông biết điều đó qua bức thư nữ bá tước để lại cho ông vào ngày bà ra đi: “Hãy thứ lỗi cho em, ông Nobel. Em đang trên đường đến
Vienna, nơi chồng chưa cưới của em đang đợi. Hãy chúc em hạnh phúc như em mong muốn hạnh phúc cho ông. Kính thư. Bertha Kinskytrung thànhcủa ông”.
Sophie Hess
Người tình cuối cùng của Alfred Nobel khiến người thân và bạn bè của ông bàng hoàng. Cô gái bán hoa 20 tuổi Sophie không có trình độ học vấn cũng như phong cách ứng xử, và quan trọng hơn cả là ít hơn Nobel 23 tuổi.
Nhưng Alfred, giống như chàng nghệ sĩ Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp, kỳ vọng vào sự hoàn hảo. Nobel thuê nhà cho cô gái và mời giáo viên dạy học cho cô. Còn Sophie thì lười học, thậm chí chỉ viết mấy chữ nhờ mua quà cho cô cũng phạm lỗi ngữ pháp.
Ít lâu sau, Hess bắt đầu tự xưng là “Bà Nobel”, điều này khiến Alfred vô cùng tức giận. Ông không định kết hôn với cô. Ông thường bỏ mặc cô một mình, mặc dù vẫn tiếp tục chi những khoản tiền lớn cho Sophie.
Sự tức giận này còn thể hiện qua giọng điệu trong những lá thư của ông gửi cho Sophie: “Em là một cô gái dễ thương, nhưng em đang làm tôi khó chịu. Bản tính yêu tự do của tôi không cho phép tôi hàng ngày giao du với những người như em. Hôn em và yêu em. Alfred”.
Họ gắn bó với nhau khoảng 19 năm, nhưng thực chất của mối quan hệ này vẫn chưa được các nhà viết sử làm rõ. Thật khó nói, Sophie là tình nhân của Nobel hay đó là sự bảo trợ của một nhà từ thiện? Nhưng dù sao, ông đã dành cho cô một căn hộ ở trung tâm Paris, đồ trang sức, và một người hầu được đào tạo bài bản.
Đầu những năm 1890, Sophie kết hôn với một vận động viên đua ngựa người Hungary. Cô nhận được một khoản tiền lớn của Nobel làm quà cưới. Quả thật, hai tháng sau khi kết hôn, chàng kỵ sĩ bỏ trốn, mang theo một số tiền của cô, và để lại cho cô một đứa con. Tuy nhiên, trong bản di chúc được lập cách đây 110 năm, Alfred Nobel vẫn để lại cho Sophie Hess số tiền lớn để cô sống phong lưu đến cuối đời.