Những giải pháp này được chia sẻ trong thạm luận tại hội thảo “Phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông” do Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) - Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức.
Xác định được tầm quan trọng của bồi dưỡng thường xuyên
Việc xác định rõ tầm quan trọng của bồi dưỡng thường xuyên dành cho cán bộ quản lý, theo TS Hoàng Thị Hạnh, sẽ dẫn tới việc thay đổi cơ bản chất lượng quản lý nhà trường, trả lời câu hỏi đổi mới giáo dục thành công hay thất bại và còn là thực hiện được việc học tập suốt đời hay không đối với mỗi cán bộ quản lý giáo dục.
Đó cũng còn là biện pháp để buộc người cán bộ quản lý đạt chuẩn nghề nghiệp, mở mang tầm nhìn, nâng cao chất lượng quản lý.
Nội dung bồi dưỡng từ cơ sở thực tế và khảo sát nhu cầu hàng năm
TS Hoàng Thị Hạnh cho rằng, nên xây dựng nội dung bồi dưỡng thường xuyên dành cho cán bộ quản lý dựa trên cơ sở thực tế và dựa vào khảo sát nhu cầu hàng năm. Thậm chí, nhu cầu này có thể không giống nhau ở từng địa phương. Sự phù hợp của nội dung bồi dưỡng đối với người được bồi dưỡng sẽ là động lực quan trọng để tạo hứng thú cho người học.
Song song với điều đó, dù là được xây dựng dựa trên nhu cầu của người học thì chương trình bồi dưỡng thường xuyên cũng nên thể hiện tính hệ thống cao, liên thông với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác đối với cán bộ quản lý nhà trường sau khi được bổ nhiệm với các mức 5 năm, 10 năm…
Nội dung chương trình bồi dưỡng thường xuyên nên được đưa ra khảo sát hàng năm đối với cán bộ quản lý. Nội dung ngoài tính liên thông cần chú trọng đến việc bồi dưỡng các thao tác, thực hành, thực tiễn và kinh nghiệm.
Phương pháp bồi dưỡng phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng tài liệu, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin,...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy, đảm bảo nguyên tắc “người học tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy”.
Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm, học trong lớp, đi nghiên cứu thực tế…
Các giờ học bồi dưỡng phải có phần thực hiện các thao tác để rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học. Tài liệu bồi dưỡng khi viết phải cung cấp phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho người học nhiều hơn.
Đầu tư xây dựng đội ngũ cốt cán
Có được một đội ngũ giáo viên cốt cán trong bồi dưỡng chất lượng, chuyên nghiệp, sẵn sàng là việc làm vô cùng quan trọng. Việc này cần phải được quan tâm và đầu tư một cách kỹ lưỡng.
Nhấn mạnh điều này, TS Hoàng Thị Hạnh cho rằng, cần tạo điều kiện để giảng viên các trường chuyên làm công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý có nhiều cơ hội tiếp cận với các chính sách, chủ trương mới về giáo dục.
“Gần đây, vấn đề này đã được quan tâm và đề cập khá nhiều ở một số hội thảo cấp quốc gia và cấp Bộ. Hy vọng việc này trở thành hiện thực để có được một đội ngũ giúp Bộ GD&ĐT làm tốt công việc này” - TS Hoàng Thị Hạnh cho hay.
Tính trải nghiệm trong nội dung bồi dưỡng
Trong việc bồi dưỡng, sự trải nghiệm thực tế để minh chứng cho các nội dung bồi dưỡng hoặc thực hành nội dung bồi dưỡng tại cơ sở ít được đưa vào trong chương trình. Bởi để làm được điều đó liên quan đến thời gian của một đợt tập huấn, đến kinh phí, đến điều kiện của người tham gia...
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc xây dựng nội dung bồi dưỡng nên được bắt nguồn từ thực tế, từ nhu cầu của người sẽ được bồi dưỡng và nhu cầu xã hội. Vì vậy, sẽ không hoàn toàn thuyết phục nếu những nội dung trên chỉ được dừng lại trong lớp học, chia nhóm thực hành trong lớp như phần lớn các khóa bồi dưỡng hiện nay.
Coi trọng việc tổ chức báo cáo kinh nghiệm, đi nghiên cứu thực tế, tôn trọng vốn sống của người học, cho người học được chia sẻ và trải nghiệm nhiều hơn có lẽ là điều nên bổ sung vào trong nội dung bồi dưỡng.
Kiểm tra, đánh giá kết quả người học
Với nội dung này, TS Hoàng Thị Hạnh cho biết: phần lớn các chương trình bồi dưỡng có tính chất ngắn hạn và quan niệm về bồi dưỡng dừng lại ở mức nhận được cái gì mà chưa quan tâm tới việc có thực sự nhận được cái đó theo mục tiêu đặt ra từ đầu hay không? Kết quả đầu ra của nội dung bồi dưỡng nào đó chưa được kiểm đếm một cách kỹ lưỡng mặc dù nó có mặt trong việc xây dựng nội dung, mục tiêu của bồi dưỡng.
Tuy nhiên, làm thế nào để người được bồi dưỡng muốn được kiểm đếm xem mình đã thực hiện được đến đâu mới là quan trọng? Cái họ muốn đó chính là việc bản thân người được bồi dưỡng đã nhận ra giá trị của việc đạt được những mục tiêu mong đợi.
Điều đó cho thấy từ việc xây dựng nội dung tốt, đáp ứng nhu cầu của người được bồi dưỡng sẽ đi kèm với việc thiết kế nội dung kiểm tra đánh giá thỏa đáng, đạt mục tiêu mong đợi. Việc tạo điều kiện để kiểm tranh đánh giá chương trình bồi dưỡng thuận lợi, đáp ứng mong muốn của cả hai bên.
Việc người học nhận được phản hồi của người đánh giá cũng giống như nhu cầu được đánh giá của họ và người đánh giá thường xuyên nhận được phản hồi từ người học. Cần sử dụng tốt kết quả bồi dưỡng trong đánh giá, đi kèm với đó là việc bố trí cán bộ quản lý các lớp học bồi dưỡng thường xuyên tại trường học.
Cuối cùng, theo TS Hoàng Thị Hạnh, quan trọng nhất là khâu tổ chức bồi dưỡng. Điều này liên quan đến công tác lập kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, công tác phối hợp, việc tạo môi trường thực hiện bồi dưỡng thường xuyên của chủ thể bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, phải coi trọng khâu tổ chức lớp học, việc rút kinh nghiệm sau mỗi lần bồi dưỡng để việc bồi dưỡng thường xuyên thật sự làm tăng thêm năng lực cho người cán bộ quản lý giáo dục.