Cơ cấu lại chương trình, gắn nội dung đào tạo với thực tiễn

GD&TĐ - Đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thực hiện thành công đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại các trường sư phạm hiện nay, thách thức cho yêu cầu đổi mới, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là không nhỏ.

Cơ cấu lại chương trình, gắn nội dung đào tạo với thực tiễn

Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Hiện nay, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, nhưng để thực hiện đổi mới thì theo nhiều chuyên gia vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài trình độ, năng lực, vấn đề cơ cấu đội ngũ không gắn với thực tiễn, thì những hoạt động giảng dạy thiếu tính thực tế đang là rào cản cho tiến trình đổi mới.

Nhìn nhận về thực trạng này, ThS Lưu Văn Dũng - Trường ĐH Sài Gòn - nêu rõ: Việc chưa đẩy mạnh phối hợp giữa trường thực hành sư phạm với các khoa đào tạo giáo viên, gắn các hoạt động thực hành của giảng viên tại các trường sư phạm với trường phổ thông đã khiến công tác đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới thời gian qua chưa hiệu quả.

Do đó, ThS Lưu Văn Dũng cho rằng, muốn công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tại các trường sư phạm được tốt không cách nào khác phải gắn kết hoạt động giảng dạy của giảng viên với NCKH, gắn lý thuyết với thực tiễn.

“Trong lộ trình đổi mới, các trường ĐH sư phạm không chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên THPT có chất lượng cao, mà còn phải là những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KHGD và chuyển giao công nghệ. Các môn KHGD và phương pháp giảng dạy có vai trò rất quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên THPT; nó sẽ quyết định phương pháp giảng dạy của giảng viên” - ThS Lưu Văn Dũng chia sẻ.

Đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ cấp thiết của các trường sư phạm. Điều đó đòi hỏi các trường sư phạm không ngừng đổi mới nằm nâng cao chất lượng giảng viên.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Hồng - Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thực tế công tác đào tạo ở các trường ĐH sư phạm cho thấy, việc phối hợp giữa nhà trường với các trường phổ thông còn khá phiến diện và chưa thật hiệu quả. Các hoạt động phối hợp hiện nay chủ yếu thể hiện ở hai dạng hoạt động cơ bản sau: Trường sư phạm đưa sinh viên năm 3 - 4 xuống trường phổ thông thực tập định kỳ hàng năm và được trường phổ thông cử giáo viên hướng dẫn.

Tuy nhiên, phương thức trên đã khiến không ít SV sư phạm gặp khó khăn vì sự khác biệt hoặc không thích ứng giữa bài học lý thuyết căn bản ở trường với thực tế đổi mới giáo dục tại trường phổ thông.

Ở chiều ngược lại, các giảng viên sư phạm lại mời các giáo viên phổ thông hoặc nhà quản lý giáo dục đến trường sư phạm báo cáo chuyên đề cho SV nhằm tăng cường tính thực tế của môn học. Phương thức trên được xem là hiệu quả khi mang lại góc nhìn thực tế cho SV. Đặc biệt là giảng viên các trường sư phạm.

Vì nhiều lý do, phần lớn giảng viên các trường sư phạm lại không tham gia các lớp báo cáo này khiến cho sự cập nhật đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy tại trường phổ thông bị hạn chế. Điều đó chính là nguyên nhân mang đến sự đơn điệu trong phương pháp giảng dạy, khiến cho hiệu quả đào tạo của các trường sư phạm chưa thật đáp ứng yêu cầu thực tế của trường phổ thông.

Cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện nay tại các trường sư phạm, PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - cho biết: Chương trình đào tạo của ngành sư phạm hiện nay còn rất nhiều bất cập khi nặng lý thuyết, coi nhẹ thực hành, chưa gắn kết với thực tiễn.

Bên cạnh đó, PGS.TS Võ Văn Thắng còn chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong rèn kỹ năng nghề cho SV sư phạm do chương trình đào tạo đang có sự mất cân đối trong việc phân phối thời gian giữa dạy kiến thức chung với kiến thức nghiệp vụ.

Mô hình nào cho bối cảnh mới?

Vai trò của giáo viên đối với chất lượng giáo dục là vô cùng to lớn. Bởi sản phẩm của nhà trường là con người. Do đó, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chất lượng bồi dưỡng đặt ra thách thức cho những người làm công tác quản lý giáo dục.

Theo ông Hoàng Tiến Chính, giảng viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Bạc Liêu: Mục tiêu của đổi mới giáo dục là tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo hướng đến việc xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý.

Vì vậy, nội dung bồi dưỡng giáo viên phổ thông phải giúp giáo viên thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục trên. Muốn làm được điều đó các hoạt động của giáo viên phải dựa trên 5 yếu tố chính: Hoạt động giảng dạy, hoạt động giáo dục học sinh, hoạt động NCKH, hoạt động học tập bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, hoạt động xã hội. Song song đó, cần tổ chức lớp học theo năng lực của giáo viên. Nội dung bồi dưỡng cần phân ra từng chuyên đề và được thiết kế theo từng mô - đun để giáo viên có thể vừa tham gia bồi dưỡng trên lớp, vừa tự bồi dưỡng.

Đứng ở góc độ nhà quản lý, PGS.TS Võ Văn Thắng cho rằng các trường sư phạm cần phải thay đổi mô hình cùng phương thức đào tạo SV sư phạm một cách triệt để dựa trên việc hướng đến việc phát triển năng lực, đào tạo theo hướng vận dụng, gắn kết thực tiễn. Để làm được việc đó, các trường buộc phải đổi mới chương trình đào tạo, xác định chuẩn năng lực nghề nghiệp cần có của giáo viên để có những định hướng đúng đắn trong công tác đào tạo.

Cũng chung một góc nhìn như PGS.TS Võ Văn Thắng, thầy Trần Hoài Thanh - giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho rằng, các trường sư phạm cần phải đổi mới công tác đào tạo dựa trên 5 thành tố chính gồm: Đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình theo hướng chuẩn hóa, liên thông giữa các trình độ bồi dưỡng và cơ sở bồi dưỡng giáo viên. Đổi mới theo định hướng phát triển năng lực thực hành. Đầu tư cho hoạt động NCKH và thực nghiệm KHGD của giáo viên ngay từ khi còn là SV đến khi đi dạy. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các trường sư phạm với các Sở GD&ĐT trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Đặc biệt là xây dựng được môi trường dạy học hiệu quả khi cho SV đi thực hành tại các trường trung học thực hành hay các trường phổ thông.

“Nếu thẳng thắn cùng nhau xem lại các giáo trình đang sử dụng giảng dạy cho SV trong các trường sư phạm, chúng ta phải thừa nhận với nhau là nó rất lạc hậu, chưa cập nhật thông tin giáo dục hiện đại. Cụ thể như giáo trình Phương pháp dạy học Văn, trong khi chương trình SGK Ngữ văn mới đã bổ sung vào rất nhiều loại văn bản phi hình tượng như văn bản nghị luận, nhật dụng… bên cạnh các văn bản văn chương hình tượng thì giáo trình Phương pháp dạy học Văn lại không có quyển nào đề cập đến cách dạy loại văn bản này. Đây là một thực tế cần thay đổi” - PGS.TS Võ Văn Thắng dẫn chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.