5 cách đơn giản dạy con lắng nghe tích cực

GD&TĐ - Lắng nghe tích cực là một trong những kỹ năng cần thiết để con bạn học sớm trong quá trình phát triển.

Việc lắng nghe mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời để con em chúng ta tiếp cận với thế giới xung quanh. (Ảnh: ITN).
Việc lắng nghe mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời để con em chúng ta tiếp cận với thế giới xung quanh. (Ảnh: ITN).

Chăm chú lắng nghe có thể giúp trẻ phát triển các mối quan hệ và trở thành người bạn tốt. Kỹ năng này cũng có thể giúp trẻ tiếp thu nhiều thông tin hơn trong lớp học.

Việc lắng nghe mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời để con em chúng ta tiếp cận với thế giới xung quanh. Ở đây, giới chuyên gia giải thích và làm rõ sự khác biệt giữa lắng nghe thụ động và tích cực, cũng như 5 cách dạy con bạn trở thành một người lắng nghe tích cực.

Nghe thụ động và nghe tích cực

Sự khác biệt giữa lắng nghe thụ động và tích cực là người nghe thụ động chỉ nghe những gì đối phương đang nói mà không cố gắng hiểu thông điệp của họ hoặc tìm ra bài học.

Tất cả chúng ta đều từng có những lúc lắng nghe nhưng không thể nhớ người đối diện đã nói gì hoặc tại sao họ lại nói như vậy. Khoảnh khắc này là một ví dụ về lắng nghe thụ động.

Khi ai đó lắng nghe tích cực, họ đang làm việc để nghe và xử lý thông tin trong khi ghép nối thông tin lại với nhau để hình thành ý tưởng hoặc để hiểu toàn bộ câu chuyện.

Dưới đây là 5 cách dạy con kỹ năng lắng nghe tích cực.

1. Thực hành giao tiếp bằng mắt

Thực hành giao tiếp bằng mắt với con bạn để giúp chúng hình thành thói quen, vì giao tiếp bằng mắt có thể cải thiện sự tập trung. Có rất nhiều thứ có thể thu hút sự chú ý của chúng ta - màu sắc tươi sáng, cây cối, âm thanh,... thậm chí người lớn đôi khi cũng nhìn đi chỗ khác khi ai đó đang nói. Một chút giao tiếp bằng mắt có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng lắng nghe tích cực.

2. Khuyến khích các câu hỏi tiếp theo

Một cách khác để lắng nghe chăm chú và lưu giữ thông tin là đặt câu hỏi. (Ảnh: ITN).
Một cách khác để lắng nghe chăm chú và lưu giữ thông tin là đặt câu hỏi. (Ảnh: ITN).

Một cách khác để lắng nghe chăm chú và lưu giữ thông tin là đặt câu hỏi. Để thực hành kỹ năng này với con bạn, hãy thử đọc một câu chuyện với chúng và đặt câu hỏi ở cuối câu chuyện, khuyến khích trẻ đặt bất kỳ câu hỏi nào trong quá trình đọc nếu chúng cảm thấy chưa hiểu.

3. Tạo trò chơi

Giúp trẻ hiểu việc ngắt lời một người đang nói có thể khiến họ cảm thấy như thế nào. (Ảnh: ITN).
Giúp trẻ hiểu việc ngắt lời một người đang nói có thể khiến họ cảm thấy như thế nào. (Ảnh: ITN).

Trẻ rất hứng thú với các trò chơi. Hãy thử chơi trò đoán âm thanh rồi hỏi trẻ “Âm thanh đó là gì?". Bài tập này phổ biến với trẻ nhỏ và dễ thực hiện. Chỉ cần yêu cầu trẻ nhắm mắt lại và bạn phát ra âm thanh. Đó có thể là âm thanh một con vật, một tiếng còi ô tô hoặc bất cứ thứ gì bạn nghĩ đến.

Yêu cầu trẻ lắng nghe cẩn thận và mô tả những gì nghe được. Bạn sẽ thích nhìn thấy khuôn mặt hào hứng của trẻ khi chúng chờ đợi âm thanh tiếp theo được phát ra.

Một trò chơi khác dễ chơi với ít đồ dùng là tập vẽ. Đưa cho con bạn giấy và bút màu, yêu cầu chúng lắng nghe khi bạn mô tả một cảnh vật nào đó. Thật thú vị khi xem kết quả trên tranh vẽ.

4. Tầm quan trọng của chờ đợi

Thảo luận về tầm quan trọng của việc đợi đến lượt mình phát biểu, vì bản năng đầu tiên của trẻ có thể là ngắt lời để đưa ra nhận xét hoặc đặt câu hỏi. Giúp trẻ hiểu việc ngắt lời một người đang nói có thể khiến họ cảm thấy như thế nào và đưa ra cho trẻ những lựa chọn thay thế, chẳng hạn như giơ tay trong lớp hoặc đợi cho đến khi người khác kết thúc lượt nói của họ.

5. Giao tiếp rõ ràng

Khi bạn làm việc với con để phát triển các kỹ năng lắng nghe tích cực, có một số điều bạn cần giúp chúng học. Một là lắng nghe tích cực trong khi con bạn đang nói, vì chúng có thể nhìn thấy nụ cười và cái gật đầu tinh tế của bạn. Con bạn có thể thấy một người lắng nghe tích cực trông như thế nào và chúng thích bắt chước người lớn.

Một công cụ hữu ích khác là đưa ra hướng dẫn từ từ khi yêu cầu con hoàn thành một loạt nhiệm vụ. Bằng cách trình bày từng nhiệm vụ một, bạn tránh làm trẻ choáng ngợp hoặc mất tập trung. Mục tiêu của cha mẹ là hợp tác với trẻ để giúp trẻ thành công trong và ngoài trường học.

Theo Thegardnerschool

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ