Điều chỉnh môi trường lớp học
Biện pháp đầu tiên được ThS Nguyễn Thị Hạnh đề cập đến là điều chỉnh môi trường lớp học để tăng khả năng tập trung, chú ý. Cụ thể: Xếp chỗ ngồi cho trẻ sao cho trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý có thể nghe, nhìn được giáo viên, tránh ngồi gần cửa sổ, tránh ngồi gần trẻ nghịch ngợm;
Loại bỏ tất cả các tiếng ồn, bảng thông báo, vật trưng bày… làm phân tán sự tập trung chú ý của trẻ; cho trẻ thời gian riêng biệt để hoàn tất mỗi nhiệm vụ được giao;
Giáo viên cũng có thể đeo nút tai chống ồn để giảm đi các âm thanh từ bên ngoài làm trẻ mất tập trung; dùng miếng bìa có khoét 1 ô dài để trẻ tập trung vào 1 chỗ, 1 hàng hoặc một đoạn trên trang sách;
Dùng vải màu trẻ thích trải trên bàn khi trẻ thực hiện nhiệm vụ được giao; sắp xếp và sự việc trong ngày sao cho các hoạt động có chiều hướng kích thích, hưng phấn theo thứ tự sau cùng để tăng sự tập trung, chú ý.
Trị liệu lời nói và ngôn ngữ
Theo ThS Nguyễn Thị Hạnh, các trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý bị rối loạn chức năng nói, khó đọc, ngoài việc điều chỉnh môi trường học tập để tăng khả năng tập trung vẫn cần can thiệp cá nhân.
Cụ thể, cần trị liệu về lời nói cho trẻ như luyện nghe, luyện vận động bộ mát phát âm, luyện phát âm, luyện giọng đúng, sửa tật lời nói;
Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ thông qua việc hình thành, phát triển kỹ năng tiền ngôn ngữ (kỹ năng lắng nghe, chú ý, bắt chước và sử dụng cử chỉ, điệu bộ…); phát triển vốn từ, ngữ pháp và ngữ dụng cho trẻ;
Sử dụng giao tiếp thay thế và tăng cường như: PECS, AAC, INREAL, MAKATONE để hỗ trợ trẻ trong quá trình giao tiếp thuận lợi.
Dạy học theo cấu trúc hoạt động
Dạy học teo cấu trúc cho trẻ có nghĩa là giáo viên thiết kế và tổ chức hoạt động chăm dạy trẻ theo trình tự logic ổn định.
Dạy học theo cấu trúc giúp trẻ phát triển những điểm mạnh, sở thích của trẻ qua việc trẻ hiểu, thực hiện các hoạt động độc lập và đoán được những việc xảy ra tiếp theo, tạo cảm giác an toàn nhằm giảm bớt những hành vi bất thường, phát triển khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội.
Cấu trúc về hoạt động giúp trẻ trả lời câu hỏi “như thế nào?”, có nghĩa là nhiệm vụ hay hoạt động này phải thực hiện như thế nào từ đầu đến khi kết thúc.
Cụ thể, trẻ sẽ phải làm gì, thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào, phải thực hiện ở đâu, có những công cụ/dụng cụ gì để thực hiện nhiệm vụ này, nhiệm vụ này thực hiện trong bao lâu và phải làm gì sau khi thực hiện xong nhiệm vụ đó.
Sau khi đã đưa cho trẻ những chỉ dẫn cần thiết, giáo viên nên kiểm tra xem liệu trẻ có hiểu đúng được mình phải làm gì không, bởi trẻ rất khó theo dõi hết các chỉ dẫn của giáo viên.
Trẻ thường trả lời trước khi giáo viên nói xong câu hỏi do tính hấp tấp, bốc đồng. Giáo viên nên cho trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý ngồi tách xa các trẻ khác để không bị các bạn khác làm mất tập trung.
Trong quá trình trẻ thực hiện nhiệm vụ cần thường xuyên kiểm tra để có thể giúp trẻ sửa sai nếu cần thiết. Khi trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ, phải đưa ra phản hồi tích cực bằng cách khen ngợi khi trẻ hoàn tất công việc.
Giáo viên cần nói rõ trẻ đã làm tốt công việc gì hoặc chỉ ra lỗi trẻ mắc phải, cùng trẻ sửa chữa.
Với một số trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý, sự khen ngợi bình thường từ người khác chưa đủ để kích thích trẻ, vì vậy, với đối tượng này, giáo viên có thể sử dụng một vật hoặc 1 hoạt động gì đó trẻ yêu thích để làm phần thưởng.
ThS Nguyễn Thị Hạnh lưu ý: Nói chung, trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý thường có hành vi dập khuôn, trêu bạn, nghịch đồ, ném đồ, chạy nhảy… trong thời gian nhàn rỗi hay trong các giờ chơi tự do.
Để giúp trẻ vượt qua khó khăn này, giáo viên có thể có thể tổ chức các hoạt động để trẻ phải bận rộn bằng cách giao cho trẻ một số nhiệm vụ gì đó để làm.
Điều hòa cảm giác
Một số trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý có ngưỡng phản ứng quá ngưỡng hoặc dưới ngưỡng hoặc tìm kiếm các thông tin giác quan.
Với đối tượng này, ngoài việc điều chỉnh môi trường về thi giác, thính xác, xúc giác và sự chuyển động nhằm giúp trẻ bình tĩnh hơn, giáo viên nên thiết kế các hoạt động giúp trẻ cảm nhận bản thể đối với trẻ có sự phối hợp vận động tho kém nhằm tác động đến chức năng điều khiển của hệ thần kinh trung ương.
Với trẻ có sự phối hợp vân jdodonjg tinh và trẻ khó viết, giáo viên nên cho trẻ đồ, tô các hình, chữ, tập viết chữ, sử dụng kéo, chơi đất nặn, rót nước vào bình theo mức ấn định, xâu hạt hoặc chơi bắn bi…
Sử dụng thuốc
Với biện pháp này, ThS Nguyễn Thị Hạnh lưu ý cần được xem xét với những đối tượng: Trẻ khuyết tật học tập kèm tăng động, giảm chú ý sau khi can thiệp và trị liệu theo các biện pháp trên trong khoảng thời gian từ 5 tháng đến 6 tháng mà không thấy tiến bộ, có thể cho trẻ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ;
Trẻ thường có biểu hiện nghiêm trọng về trở ngại học tập, rối loạn trong cách ứng xử ở nhà, ở trường mà cha mẹ, thầy cô không còn khả năng quản lý hành vi; trẻ có hơn 3 năm bị tụt hậu về các kỹ năng cơ bản so với bạn cùng lứa tuổi cũng nên xem xét cho trẻ dùng thuốc theo đơn bác sĩ.
“Việc cho trẻ sử dụng thuốc là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất và cũng là cách thành công nhất trong can thiệp cho đối tượng này. Tuy nhiên, cũng có trẻ tình trạng trở nên xấu đi sau khi sử dụng thuốc” - ThS Nguyễn Thị Hạnh lưu ý.