Theo lời kể của Mỹ Linh, tối 13/10, tuyết bắt đầu rơi nhưng hầu hết mọi người cho rằng đó là dấu hiệu bình thường. Đến 5h sáng hôm sau, những người leo núi bắt đầu khởi hành và chỉ 3 tiếng sau, tuyết lại rơi mạnh, kèm gió bão.
Những người leo núi đi theo đoàn hoặc nhóm nhanh chóng bị lạc nhau, trong đó có Mỹ Linh. Với lượng tuyết phủ cao tới hông, gió quật mạnh, cô không còn nhìn thấy dấu chân của những người leo núi xung quanh và thậm chí còn có cảm giác “mình sẽ bị chết vì kẹt cứng” lúc đó.
“Nhưng tôi nhớ lại lời cậu bạn thân dặn trước lúc đi, có thể không tin bất cứ ai nhưng luôn tin vào bản thân mình. Và tôi tin mình có thể vượt qua cơn bão tuyết đó” - Mỹ Linh chia sẻ trên Facebook.
Cố gắng đi thêm đoạn đường, cô cũng tới trạm Thorung La Pass trên độ cao 5.416 m so với mặt biển và vào một Tea House (quán nước dọc đường) lúc 11 - 12 giờ trưa.
Khoảng 50 người ở trong quán nước hy vọng cơn bão ngừng để xuống núi nhưng hai tiếng đồng hồ trôi qua, thời tiết chỉ thêm tệ đi.
Mọi người bắt đầu hoảng loạn tìm cách thuê ngựa hay trực thăng đến đón nhưng không thể do máy bay rất khó đáp xuống đỉnh Thorung La Pass. Thêm vào đó, không ai bắt được bất cứ tín hiệu nào từ GPS hay mạng điện thoại, Mỹ Linh kể.
Lúc 3 giờ chiều, một người đàn ông được cho rành rẽ đường đi nhất khu vực này từ làng Muktinath bước vào quán nước. Ông đề nghị nếu mọi người đi theo mình, khả năng sẽ đến được làng Muktinath và sống sót. Còn ở lại đây, thế nào cũng chết vì ngôi nhà quá nhỏ, lạnh trong khi thời tiết ngày một xấu.
Sau một hồi náo loạn, cuối cùng khoảng 30 người leo núi quyết định đi theo người đàn ông dẫn đường này. Chi phí cho một người là 60 USD.
Ban đầu, Mỹ Linh cho biết cô định chờ mọi người đi bớt sau đó chạy ra xin chủ quán Tea House ở lại cùng nhưng cuối cùng chính anh ta cũng sợ chết và quyết đi theo người đàn ông kia. Không còn lựa chọn nào khác, cô đành gia nhập đoàn người xuống núi.
Đoàn người leo cao, lúc này gió bắt đầu thổi mạnh. Ảnh: Facebook Va Li. |
Thế nhưng, khi vừa mang ba lô ra ngoài, nhìn thấy bão tuyết, cảm thấy khó có thể theo kịp nên Linh quyết định ở lại căn nhà với lý do “Bên ngoài bão đang rất lớn, nếu xuống núi ngay lúc này, có thể sẽ chết trong tích tắc, nhưng ở lại ngôi nhà thì vẫn còn có thể sống được 3 ngày nhờ thức ăn và túi ngủ”.
Cuối cùng, 20 người ở lại, trong đó có 3 người làm nghề dịch vụ khuân vác và hai hướng dẫn viên leo núi. Tối hôm đó, những người ở lại phải ngồi tựa vào nhau ngủ do căn nhà quá nhỏ, sàn lại ẩm thấp, mọi đồ đạc gần như đóng băng.
Một trong ba người khuân vác người Nepal bị sốt cao, sùi bọt mép và gần như sắp chết. Nhưng hầu như ai cũng lo mình chết nên không chịu nhường túi ngủ cho cậu bạn này, Mỹ Linh kể.
“Tôi buộc phải cởi hết quần áo ướt cho cậu bé và đưa túi ngủ của mình, cho uống Diamox cùng một chút sô cô la và hạnh nhân chuẩn bị trước khi đi. Sau khi uống thuốc và ăn, cậu bé trở nên tỉnh táo nhưng cả tối hôm đó, tôi bị lạnh vì đã nhường túi ngủ” - Linh nhớ lại.
20 con người trong căn nhà chốc chốc lại đánh thức nhau vì sợ ai đó ngủ quên và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Đồng thời, họ cũng phải đi vệ sinh ngay trước mặt nhau do không thể ra ngoài giải quyết khi thời tiết lúc ấy khoảng âm 10oC, rất lạnh và có nguy cơ chết cóng.
Một đêm dài trôi qua. Cuối cùng, Mỹ Linh cũng dậy sớm và ra ngoài, thấy tuyết đã ngừng rơi, trời bắt đầu hửng nắng. Mọi người trong nhà thu dọn đồ đạc và chuẩn bị xuống núi, không quên để lại 1.000 rs (hơn 345.000 đồng) vì “đã ăn mỳ gói, uống trà, đi toilet và tàn phá căn nhà của anh chủ tiệm trà” - Linh kể.
Đường xuống núi khá nguy hiểm khi tuyết đã phủ dày đến mức không còn thấy lối đi. Được một đoạn, cả đoàn lại thấy xác người với chiếc ba lô phủ đầy tuyết. Một vài người bị vùi trong tuyết chỉ còn chừa lại mỗi mặt nhưng vẫn sống sót đã được họ cứu thoát trên đường đi.
Một nạn nân bị vùi trong tuyết sau cơn bão. Ảnh: Facebook Va Li. |
“Tôi không nhớ đã bước qua bao nhiêu xác người để đi về. Chỉ biết có những lúc 2 - 3 xác người nằm cạnh nhau úp mặt xuống tuyết. Lúc đi qua một cái hố sâu, một chàng trai trẻ đã chết nhưng mắt vẫn mở nằm ngay giữa đường. Tôi không dám bước qua xác anh ta nhưng rồi bắt buộc phải nhắm mắt bước chân vì đó là con đường duy nhất” - Cô chia sẻ.
Lúc đến vùng trực thăng cứu hộ, Mỹ Linh gặp lại cô bạn người Trung Quốc - một trong số 30 thành viên đi theo người đàn ông Muktinath xuống núi và biết tin một nửa số đó đã chết vì bão quá lớn hay không theo kịp đoàn. Riêng cô gái Trung Quốc này bị rơi xuống vực nhưng may mắn thoát chết nhờ có túi ngủ.
Cạnh đó, 2 xác người đàn ông vừa được kéo lên. Ở một góc khác, anh bạn đến từ châu Âu ngồi co ro thẫn thờ với đôi tay bị đóng băng. Anh cho biết cái xác nằm ngay trước mặt là của người bạn thân nhất đã ra đi trong trận bão tuyết.
Một cô gái khác lại òa khóc và kể nhóm đi ba người nhưng một đã chết, một chưa tìm thấy xác trong khi mắt cô không còn nhìn thấy gì. “Tôi chỉ biết ôm chầm lấy cô ấy, kịp giữ những giọt nước mắt cô rơi trên vai” - Linh chia sẻ.
Sau một tiếng đồng hồ, cô gái Việt Nam may mắn thoát chết này xuống núi và gặp lại người bạn đồng hành tên Tommy Ocsara, hai người lạc nhau khi trận bão tuyết bắt đầu ập đến. Tom chia sẻ cậu gặp bão và cố gắng đi cho kịp đoàn người nên đã không đợi được Linh.
Lúc trở về, cậu hối hận vì đã bỏ rơi cô bạn nên đã không kịp thay đồ, mặc nguyên quần áo ướt đẫm, ôm chiếc máy ảnh ra ngoài hiên. Hễ ai đi qua, Tom cũng hỏi xem có người nào thấy cô gái Việt Nam. Nhưng ai cũng lắc đầu. Hôm sau, cậu tiếp tục ra hiên đợi nhưng được khuyên là “nếu chiều nay cô gái đó không về thì có nghĩa là đã chết”.
Võ Thị Mỹ Linh sinh năm 1989. Cô từng là phóng viên, chuyên viên PR của ngân hàng tại Việt Nam. Tháng 6/2013, cô xin thôi việc sang Ấn Độ du lịch, sau đó sang Nepal làm tình nguyện viên và dạy học. Trong ảnh, Mỹ Linh với trẻ em Nepal. Ảnh: Facebook Va Li. |
Mỹ Linh may mắn về tới ngôi làng lúc 5 giờ chiều. Hiện cô cho biết đã an toàn và sức khỏe ổn định. Dù vậy, nếu có cơ hội leo núi lần nữa, Mỹ Linh không ngần ngại trả lời “Có”.
“Đôi khi, để tìm được niềm tin, người ta phải lên núi ngắm một một bông hoa nở trên đá và nhận ra cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời. Nhưng để có một cái nhìn đẹp, một bức ảnh đẹp, đôi khi bạn phải chấp nhận trả bằng cả mạng sống. Thế nên, điều quan trọng là bạn muốn gì” - Cô gái leo núi 8x tâm sự.
Dãy Himalaya trải khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanma và Afghanistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của 3 hệ thống sông lớn trên thế giới, đó là lưu vực các sông như sông Ấn, sông Hằng - Brahmaputra và sông Dương Tử.
Hệ thống núi Himalaya là dãy núi cao nhất hành tinh và có 14 đỉnh núi cao nhất thế giới: các đỉnh cao trên 8.000 m, bao gồm cả đỉnh Everest huyền thoại. Đó cũng là lý do nơi đây thu hút lượng lớn du khách đến leo núi, bất chấp địa hình nguy hiểm và thời tiết khắc nghiệt.
Theo Washington Post, trong trận bão tuyết vừa qua, lực lượng cứu hộ Nepal xác nhận có 32 người thiệt mạng tính đến ngày 18/10 và vẫn còn 85 người mất tích. Ngoài ra có 259 người đã được cứu sống trong thảm kịch lịch sử này. Nhóm những người xấu số thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như Canada, Nepal, Ấn Độ, Israel, Ba Lan, Slovakia. Trước đó, một nguồn tin địa phương cho biết có công dân Việt Nam trong số những người thiệt mạng.