Tháng 7, về xóm Chín Chủ

GD&TĐ - Những câu chuyện hào hùng về người dân xóm Chín Chủ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã dẫn lối chúng tôi về với thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong những ngày tháng Bảy khi cả nước đang sôi động hướng về kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. 

Một trong những nhân chứng của xóm Chín Chủ ngày ấy
Một trong những nhân chứng của xóm Chín Chủ ngày ấy

Xóm Chín Chủ ngày ấy...

Những căn nhà kiên cố, khang trang; những con đường bê tông trải dài, sạch sẽ; những ruộng nương xanh tốt cây trái; những ngôi trường khang trang, hiện đại…. như muốn nói lên với chúng tôi rằng, làng Đông Hồ hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Năm 2013, Khu di tích cách mạng xóm Chín Chủ được khởi công xây dựng trên nền đất thuộc xóm Chín Chủ xưa. Công trình được sự hỗ trợ của Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng. Cũng tại nơi đây, Công an thành phố Đà Nẵng đã xây dựng một nhà bia ghi công các liệt sĩ an ninh nhân dân, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cũng xây dựng một nhà bia ghi công các chiến sĩ Biệt động thành Đà Nẵng đã hy sinh khi hoạt động ở vùng ven Đà Nẵng. 

Men theo con đường bê tông băng qua cánh đồng lúa xanh tươi, ông Lê Văn Nuôi - Trưởng thôn Đông Hồ, dẫn chúng tôi đến với vùng đất xóm Chín Chủ. Nay xóm Chín Chủ không còn nhưng những dấu tích về xóm Chín Chủ ngày xưa vẫn còn nguyên vẹn.

Đó là nền đất cao, bằng phẳng nơi mà những hộ dân sinh sống; là cánh đồng làng quanh năm xanh tươi, màu mỡ bao quanh nền đất; là lũy tre xanh chạy dọc bờ sông, ôm ấp, che chở cho làng... Tất cả khung cảnh hiện lên yên bình, thơ mộng, thật khó để nghĩ rằng nơi đây từng diễn ra những cuộc càn quét, tàn phá, ném bom đẫm máu của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ông Lê Văn Nuôi cho biết: Sau ngày đất nước giải phóng, 9 hộ dân xóm Chín Chủ đã di dời đến nơi ở mới, cách vị trí xóm cũ khoảng 500m xây dựng cuộc sống mới vì vùng đất cũ thường xuyên xảy ra ngập lụt mỗi khi có mưa lớn.

Dẫu trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương khó khăn nhưng công tác chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ cho các gia đình trong xóm Chín Chủ luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm. Ghi nhận những cống hiến, hy sinh của người dân xóm Chín Chủ, từ năm 1994, các bà mẹ liệt sĩ trong xóm đều được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Viẹt Nam Anh hùng.

Mảnh đất của lòng kiên cường, bất khuất

Cái tên xóm Chín Chủ được gắn cho xóm có 9 hộ gia đình sinh sống nơi đây. Trong suốt thời gian chiến tranh, xóm chỉ có 9 hộ gia đình của các ông, bà: Lê Huynh, Lê Mới, Lê Trọng Lan, Đào Lực, Trần Thị Lưỡng, Lê Rựa, Lê Tặc, Lê Tế, Trần Toán, nên người ta gọi luôn tên xóm nhỏ này là xóm Chín Chủ.

Theo lời kể của ông Lê Văn Nuôi, xóm Chín Chủ nằm ở ngã ba nơi hợp lưu hai sông La Thọ và sông Cổ Cò, thuộc thôn Đông Hồ thời chiến. Xóm này nằm biệt lập bên bờ sông, chính vì vậy, đây là vùng yết hầu tập kết của nhiều đơn vị trước khi đánh xuống nội thị Đà Nẵng, cũng là nơi quá cảnh cho những ai muốn thoát ly đô thị đi theo cách mạng.

Bây giờ, có lẽ xóm Chín Chủ chỉ còn trong ký ức nhiều người, nhưng những câu chuyện hào hùng, những hy sinh, cống hiến của người dân nơi đây mãi mãi được ghi vào trang sử đấu tranh cách mạng một thời kiên trung, quả cảm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của vùng đất Quảng Nam và đất nước.

Địa thế hiểm yếu, được những lũy tre bao bọc dày đặc, nơi đây trở thành nơi trú ẩn, trạm kết nối với các đầu mối cách mạng của đặc khu Quảng Đà, là vùng hoạt động, dừng chân chỉ đạo phong trào của lãnh đạo Mặt trận 4, Đặc khu ủy, Quận ủy quận 1 Đà Nẵng... là điểm kết nối đường dây liên lạc vùng A, B, C Điện Bàn. Tại vùng đất này, là nơi đóng trụ của những đơn vị có tiếng trong vùng như Biệt động 91, Tiểu đoàn R20, V25. Từ đây, hàng hóa, lương thực và vũ khí được tỏa đi các hướng nuôi quân. Vì có địa thế hiểm yếu, cách huyện lỵ Điện Bàn chỉ 3 km theo đường chim bay, nên bao quanh xóm có tới gần chục đồn địch, như đồn Trảng Nhật, Ngũ Giáng...

Xóm nhỏ ngày xưa với vẻn vẹn 9 hộ dân, nhưng có đến 17 liệt sĩ, 7 thương binh và 9 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, tính theo tỷ lệ hộ dân thì xóm Chín Chủ có số Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sĩ, thương binh nhiều nhất cả nước. Chừng đó đã đủ nói lên nỗi đau thương, mất mát mà người dân nơi đây gánh chịu, nhưng cũng qua đó đã thể hiện được tấm lòng kiên trung, kiên cường, bất khuất của con người nơi đây.

Những gì mà xóm Chín Chủ đã trải qua và những gì mà xóm Chín Chủ để lại trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, điều đó sẽ mãi mãi là biểu tượng của tinh thần yêu nước quật cường, mãi ghi trong sử sách lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương Điện Bàn, Quảng Nam anh hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ