Khi vương triều Trần mới dựng nghiệp, một số người họ Trần đã tới vùng đất ở làng Đào, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, sinh cơ lập nghiệp tạo nên ngôi làng toàn họ Trần ở đây. Qua nhiều biến thiên của lịch sử, những con cháu của họ đi vào miền Nam lập nghiệp và dựng lên làng Nam Đào.
Tiếp nối truyền thống yêu nước của dòng họ, con cháu họ Trần ở phương Nam đã tham gia cách mạng trong lực lượng biệt động Sài Gòn.
Từ làng Đào đến làng biệt động Sài Gòn
Làng Đào, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định, một ngôi làng cách mạng anh hùng. Sau này một số con cháu của làng Đào di cư vào Nam lập nên làng Nam Đào, nay ở ấp Tây B, phường Bình Trưng Tây, Quận 2, TP Hồ Chí Minh và trở thành cơ sở của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Làng Đào, hay thôn Đào, còn có tên gọi là làng Dầu, nằm ở phía tây bắc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Từ xa xưa, khi mở mang vùng đất, nơi đây đã có nhiều người Việt cổ qua lại. Về sau, khi nhà Trần dựng đô ở Tức Mặc, đã có người họ Trần tới định cư ở đây. Cho đến ngày nay, cả làng chỉ có một dòng họ Trần. Gia phả dòng họ Trần còn ghi lại có 12 đời nối dõi mở mang trấn giữ đất này. Tương truyền nơi đây đã có ông Trần Quốc Thắng được phong là Đô tướng quân. Trong làng có rất nhiều người giỏi võ, vật.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Nhương ngụ ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, một chiến sĩ biệt động Sài Gòn, con cháu của làng Nam Đào. Ông Nhương cho biết: Làng Nam Đào được khai sinh từ ý tưởng của một người trong dòng tộc, đó là cụ Trần Đình Thọ.
Cụ Thọ là người làng Đào. Thời trẻ cụ làm thợ máy Nhà máy đèn Hải Phòng. Về sau, cụ chuyển qua làm ở xưởng đóng tàu, rồi làm thợ bánh trên tàu Tourvillve 5 sao của Pháp. Khoảng trước năm 1910, cụ đã lập ra Hội Yêu nước. Cụ Thọ từng liên hệ với những người yêu nước như cụ Khánh Ký, ông Nguyễn Thâm Chi...
Từ sự giúp sức của cụ Thọ mà làng Nam Đào ra đời. Ông Nhương kể: “Vào thời thuộc Pháp, cuộc sống của nhân dân ta rất khốn khó. Những thanh niên trong làng Đào quyết định ra đi. Họ ra Hải Phòng, tìm đến cụ Thọ nhờ giúp đỡ. Nhờ làm ở xưởng đóng tàu, cụ đã đưa một số con cháu trong dòng họ và bà con ở làng Đào xuống tàu vào Nam.
Để đưa được những người bà con xuống tàu, cụ Thọ nhận họ vào làm bánh mì trên tàu của Pháp, nơi cụ làm việc. Khi đến nơi, cụ nói với người đầu bếp Pháp là: “Bọn này lười, không chịu làm, phải đuổi chúng nó”. Cũng bằng cách đó, cụ đã giúp nhiều người yêu nước khác có điều kiện thâm nhập. Với những người làng Đào vào Nam, cụ dặn: “Các anh vô đó phải lo làm ăn, nên quần tụ vào một chỗ để nương tựa nhau mà sống”. Từ lời dặn của cụ, họ đã mua đất lập ra làng Nam Đào và Hội Nam Đào tương tế. Đó là nguồn gốc để hình thành nên những cơ sở biệt động của làng Nam Đào sau này.
Những cơ sở của làng biệt động này hầu hết là con cháu của họ Trần ở thôn Đào vào. Nơi đây từng nuôi dưỡng một số cán bộ cách mạng, như gia đình ông Trần Hứa nuôi ông Trần Huy Liệu, gia đình ông Trần Da nuôi ông Nguyễn Oanh (cả hai ông nay đều được đặt tên đường tại TP Hồ Chí Minh, đường mang tên Trần Huy Liệu nằm ở quận Phú Nhuận, đường Nguyễn Oanh nằm ở quận Gò Vấp - PV )...”.
Sau khi làng Nam Đào ra đời, từ sự xây dựng của ông Nhương, ông Hai Trí, ông Trần Văn Mỹ... mà làng biệt động Nam Đào ra đời. Từ đó con cháu họ Trần trong làng đã hết lòng đi theo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ông Nhương lúc đó là một chiến sĩ biệt động trong đội của ông Ba Đen (tức anh hùng Nguyễn Thanh Vân). Nhận chỉ thị của ông Ba Đen, ông Nhương trở về Sài Gòn, móc nối với bà con, anh em trong dòng họ Trần ở làng Nam Đào, xây dựng họ thành cơ sở của biệt động.
Ông Nhương kể lại: “Do là những bà con trong dòng họ, nên việc vận động họ tham gia cũng khá thuận lợi vì họ tin tưởng mình. Hơn nữa, truyền thống của dòng họ, của làng Đào từ xưa đã là những con người yêu nước, việc vận động không khó. Sau khi xây dựng được một số đầu mối, tôi chuyển qua làm nhiệm vụ khác. Ông Hai Trí lo tiếp việc xây dựng cơ sở sau đó”. Ông Hai Trí, hiện sống ở quận Bình Thạnh, tên thật là Nguyễn Văn Trí, nguyên trước đây là chính trị viên đơn vị bảo đảm J9-A20, quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Từ những cơ sở do ông Nhương xây dựng, ông Hai Trí về củng cố, phát triển thêm một số cơ sở để xây dựng cơ sở tài chính nuôi quân. Trong đó có các gia đình như: gia đình ông Trần Kế, gia đình bà Trần Thị Nồng, gia đình bà Trần Thị Rớt, gia đình ông Trần Văn Kền (tên khác là ông Trần Văn Hạnh)...
Nhớ lại ngày đó, ông Hai Trí kể: “Trước đó, tôi chưa biết tới những cơ sở biệt động ở làng Nam Đào. Khi lên làm chính trị viên ở đơn vị ông Ba Đen, tôi mới được ông cho biết và cùng bàn bạc phương thức xây dựng, củng cố thêm. Tôi có thuận lợi là có thể công khai vô thành phố, nên ông Ba Đen bàn với tôi vô làng Nam Đào xây dựng cơ sở. Trước đó, ông Nhương và một người nữa là ông Ba Bảo đã xây dựng được một số, tôi chỉ phát triển thêm. Tổng cộng tôi đã xây dựng được khoảng 20 cơ sở qua các đầu mối. Họ có hai nhiệm vụ: người chủ gia đình là trụ sở liên lạc và là nơi trú ém cán bộ”.
Theo những tài liệu mà ông Hai Trí và ông Trần Nhương cung cấp, từ năm 1963 - 1968, khu vực chùa và nghĩa trang Nam Đào là nơi tụ họp hầu hết các cơ sở cách mạng thuộc làng Nam Đào. Nơi đây là địa điểm để họ đến bàn bạc, quyên góp ủng hộ tiền bạc, thuốc men, quần áo... ủng hộ cách mạng. Khu vực chùa và nghĩa trang này từng là nơi ông Ba Đen và ông Hai Trí đến bàn bạc trước trận đánh Đại sứ quán Mỹ năm Mậu Thân.
Sau đó, đơn vị chiến đấu của ông Ba Đen chuyển qua tiệm phở Bình ở đường Yên Đỗ, nay là đường Lý Chính Thắng, Q3, TP Hồ Chí Minh. Trong trận đánh, đơn vị ông Ba Đen đã chiếm được tòa đại sứ Mỹ, nhưng do lực lượng ít, không có quân tiếp viện, đơn vị chỉ còn lại ông Ba Đen bị thương và bị bắt...
Khi đơn vị ông Ba Đen rút đi để đánh tòa đại sứ Mỹ, những người trong tiệm phở Bình bị bắt vào ngày 3/1/1968. Sau tết Mậu Thân, ông Hai Trí cùng ông Tư Tăng, tức Nguyễn Văn Tăng, sau này là đại tá, anh hùng quân đội, về làng Nam Đào. Họ tính chuyển vũ khí về giấu trong những khu mộ giả ở nghĩa trang của làng nhưng việc không thành. Vào đợt hai tết Mậu Thân, do bị lộ, hầu hết các cơ sở của làng Nam Đào đều bị bắt.
Sau này, nhờ ông Trần Đình Nhung, chủ tiệm Phước Hùng, cũng là một người con của làng Nam Đào, lo lót để họ được thả. Vào đầu năm 1969, ông Hai Trí và ông Ba Bảo bị bắt. Những cơ sở ở đây được giao lại cho ông Tư Tăng. Năm 1972, ông Ba Bảo được thả, lại tiếp tục cùng ông Tư Tăng bí mật xây dựng cơ sở, hoạt động.
Ngày 30/10/1973, ông Hai Trí được trả tự do, ông về móc nối lại với ông Ba Bảo, tiếp tục hoạt động. Sau đó, đơn vị chiến đấu B12 được lập ra, do ông Dương Long Sang làm chỉ huy trưởng, ông Hai Trí làm chỉ huy phó. Năm 1975, do sự đầu hàng quá nhanh của chính quyền Sài Gòn, đơn vị chiến đấu B12 chuyển thành đơn vị tiếp quản, nhân dân làng Nam Đào lại tiếp tục ủng hộ lương thực, thực phẩm cho đơn vị.
Ông chủ tiệm may làm biệt động
Khi xây dựng làng biệt động, con em trong dòng họ Trần đã tham gia và ủng hộ tài chính. Một trong những người đó là ông chủ tiệm may Phước Hùng - ông Trần Đình Nhung, cháu của cụ Trần Đình Thọ. Ông Nhung là chủ tiệm may lớn và danh tiếng thời bấy giờ. Ảnh hưởng từ gia đình, ông tham gia biệt động.
Ông Nhung từng đóng góp nhiều về tài chính cho biệt động, bỏ tiền ra để lo lót cho bà con của mình là cơ sở biệt động bị cảnh sát VNCH bắt. Bản thân ông cũng bị bắt, bị tù nhưng lòng yêu nước của ông không hề suy giảm.
Ông Trần Đình Nhung sinh năm 1925, là con ông Trần Đình Nhâm. Cụ Nhâm là con của cụ Trần Đình Thọ. Cả gia đình ông Nhung đều tham gia cách mạng, trở thành cơ sở ủng hộ tài chính cho cách mạng. Những anh chị em khác của ông Nhung đều có tham gia cách mạng. Riêng ông Nhung là người có nhiều đóng góp nhất.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông Nhung là cơ sở quân báo trong hệ thống tổ chức của đồng chí La Văn Liếm. Căn nhà của ông là hộp thư của tổ chức này. Lúc đó ông Nhung làm trinh sát quân báo, sưu tầm tài liệu, nắm quy luật, quân số của địch. Ông còn cung cấp quân trang, quân dụng, giấy tờ, con dấu... cho những chiến sĩ hoạt động ở nội thành.
Tháng 7/1951, do bị chỉ điểm, ông Nhung bị bắt. May mắn là chúng không tìm thấy tài liệu, chứng cứ nên ông chỉ bị giam sáu tháng. Vụ án của ông được Báo Sài Gòn Mới, số Thứ hai, ngày 25/1/1954, đưa tin: “Lại một vụ liên quan đến vụ La-v-Liếm”. Bị bắt cùng ông Nhung trong lần đó còn có ông La Văn Liếm, Phùng Bình, Võ Văn Luận...
Thời chống Mỹ, ông Nhung tham gia ủng hộ tài chính cho đơn vị biệt động J9-T700. Người trực tiếp làm việc với ông Nhung là ông Ba Bảo và ông Trần Kế. Ông Nhung còn mua căn nhà ở 191 Nguyễn Thái Học, Q1, cho bà Trần Thị Đơ ở, làm cơ sở hoạt động. Bà Đơ vốn là chị em con dì với ông Nhung. Căn nhà đó, sau này ông Trần Nhương đã cho xây dựng, thiết kế sau nhà một căn hầm trốn lính và chôn giấu vũ khí. Năm 1967, khi ông Trần Nhương bị bắt, ông Nhung đã bán căn nhà trên.
Năm 1969, ông Nhung và một số đồng đội lại bị bắt. Lúc ấy, nhờ gia đình ông buôn bán, quan hệ rộng rãi nên đã lo lót cho ông và những người bị bắt cùng thoát khỏi tù tội. Để có lý do tha bổng, cảnh sát VNCH đã sửa cung cho những người bị bắt thành những người chơi hụi. Sau 18 ngày giam giữ để lập hồ sơ, chúng tạm trả tự do cho họ. Một năm sau, chúng đưa ra tòa án quân sự lưu động VIII để xét xử. Một số người bị án tù treo, số còn lại được tha bổng.
Được trả tự do, nhưng gia đình ông Nhung luôn bị cảnh sát VNCH theo dõi. Ban đêm chúng rình rập quanh nhà. Có khi chúng đột xuất kiểm tra tại số 29 Phạm Ngũ Lão, Q1, là nơi gia đình ông Nhung buôn bán. Hằng tháng, gia đình ông nhận được giấy của cảnh sát mời lên quận kiểm tra. Họ phải sống trong sự quản chế, không được ra khỏi Sài Gòn quá 30km, trừ khi có giấy phép.
Một lần, chúng đặt chất nổ vào chiếc xe đạp dựng giữa xe buýt và xe hơi của ông Nhung. Khi xe ông vừa ra khỏi bãi đậu, độ hai phút sau chiếc xe đạp nổ tung. Xung quanh xe bị cháy đen, mảnh kính văng tung tóe, nhiều người có mặt lúc ấy bị chết, bị thương...