4 nữ sinh cùng lớp đuối nước tại Nghệ An: Quặn lòng tiếng gọi con về ăn cơm!

GD&TĐ - Chỉ trong một buổi chiều, 4 nữ sinh cùng lớp, cùng trường, chơi với nhau từ nhỏ bị sẩy chân xuống nước sâu khi ra hồ chơi.

Bà em Quỳnh Trang khóc nghẹn đầu bạc tiễn tóc xanh.
Bà em Quỳnh Trang khóc nghẹn đầu bạc tiễn tóc xanh.

Tìm kiếm suốt hơn 3 giờ đồng hồ, cả bốn em lần lượt được phát hiện, đưa về nhà trong tiếng khóc nghẹn, đau thương, tắt lịm hi vọng của gia đình.

Lớp học 8D Trường THCS Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) hôm sau vắng 4 chỗ ngồi, mà từ đây về sau, có 4 bạn mãi mãi không đến nữa…

“Dậy ăn cơm, rồi đi thi con ơi”!

“My ơi, dậy ăn cơm chiều mà đi thi con ơi. Cơm nấu chín rồi, dậy đi con”! Đáp lại tiếng gọi lạc giọng liên tục của người mẹ là cỗ áo quan lặng im. Bà kiệt sức, khuỵu xuống nền nhà, nằm cạnh con mà giờ đã âm dương cách biệt. Em Vũ Trà My đang học lớp 8, Trường THCS Nghĩa Lộc. Dịp này đã gần cuối năm học. Chỉ mới hôm qua, cô bé nói với mẹ chuẩn bị kiểm tra học kỳ…

Ngôi nhà nằm ở cuối xóm Thịnh Hồng (xã Nghĩa Lộc) đang hoàn thiện, sơn trắng tinh tươm. Bên trong vẫn chưa sắm sửa đồ đạc, mà giữa gian khách giờ đây là chiếc bàn thờ mới lập, mâm cơm đặt cạnh, một chiếc bát úp, một đôi đũa…

Vợ chồng Vũ Văn Thuận, bà Phạm Thị Tâm muộn con. Lấy nhau mãi mới sinh được Trà My, và cách sau đó 10 năm sinh thêm được cô con gái út, năm nay 4 tuổi. Bà Tâm ở nhà làm ruộng, còn ông đi công nhân ngoài Hà Nội. Dịp này, dịch bệnh vừa ổn định, ông theo anh em thợ đi làm, cố kiếm tiền dành dụm để về hoàn thiện nốt ngôi nhà. Xung quanh sân vườn, cửa ngõ vẫn còn ngổn ngang, dang dở. Vậy mà từ xa nhận tin dữ, đứa con gái đầu lòng mà vợ chồng ông yêu thương, mong ngóng, nuôi nấng suốt 14 năm qua đuối nước tử vong.

Ông Thuận về tới nhà cũng đã nửa đêm, kịp nhìn mặt con lần nữa. Anh em họ hàng chờ bố của Trà My về mới phát tang. Ông không khóc, cũng chẳng nói gì, cứ ngồi bất động cạnh quan tài. Chỉ có đôi mắt đờ đẫn, trũng sâu, ngơ ngác. Con gái út ngồi ôm hộp sữa, quanh quẩn bên bố mẹ không hiểu chuyện gì xảy ra.

Chiều hôm trước (25/4), khoảng 14 giờ, nhóm 6 học sinh gồm cả Trà My ra đập Khe Giang cách nhà khoảng 3km để chơi. Nhưng trong lúc chơi đùa, không may bị sẩy chân ngã xuống nước sâu. Chỉ có 2 bạn thoát được, còn Trà My và 3 bạn khác bị nước nhấn chìm…

Cùng xóm Hồng Thịnh, cách nhà Trà My không xa, ngôi nhà của em Hoàng Quỳnh Trang cũng vang tiếng khóc tang thương, đau xót. Từ sáng sớm, gia đình đã làm lễ đưa tang, tiễn đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng. Người thân của em nói “trẻ con đuối nước, đi đưa sớm cho cháu thanh thản, để ở nhà nhìn thấy đau lòng lắm”! Em đi rồi, nhưng còn lại nỗi đau đớn, trống vắng trong lòng ông bà, bố mẹ biết đến bao giờ mới nguôi quên…

Ông Cao Tuấn Lĩnh, họ hàng của 2 em Trang và Trà My cho hay: “Mấy đứa đều là anh em họ với nhau, chơi với nhau từ nhỏ, đi đâu cũng rủ nhau theo cùng. Hôm qua, trong 6 cháu đi ra đập Khe Giang chơi, có cả cháu ngoại của tôi. Nó là đứa ở gần bờ nhất, khi thấy các bạn bị sẩy chân rơi xuống hồ đã vội kêu cứu rồi đi tìm sào. Nhưng khi tìm được sào tre đủ dài đưa xuống hồ, thì chỉ có 1 bạn kịp tóm lấy, được cháu tôi kéo lên bờ. Còn 4 cháu khác bị nhấn chìm, mất tích. Đến bây giờ cháu tôi vẫn ám ảnh, hoảng sợ…”.

Bài Thánh ca tiễn em về với Chúa

Tên thánh của Nguyễn Hà Giang là Tê-xê-ra. Em nằm trong áo quan thủy tinh trong suốt, bình yên như đang ngủ. Xung quanh rải đầy hoa cúc trắng. Di ảnh của em là gương mặt xinh đẹp, thánh thiện như Đức Mẹ. Bà ngoại của Giang nghẹn ngào: “Gia đình chưa nhập quan cho cháu, còn phải đợi bố mẹ, đợi chị gái về nhìn mặt con lần cuối rồi mới đưa tang. Bố mẹ đi làm ăn trong miền Nam, nghe cháu bị đuối nước mất đã ra sây bay về, mà giờ vẫn chưa về đến nơi…”.

Nói rồi, bà lại nhìn cháu gái, nước mắt ứa ra trên đôi mắt đầy vết chân chim, thẫn thờ trách: “Con cao lớn, xinh đẹp rồi, đi ra ngoài đập thấy nước sâu thì tránh đi, răng lại lội xuống để rồi mất như rứa con ơi”! Giang là con gái thứ 4 trong gia đình 5 chị em. Các chị gái đã đi làm, người ngoài bắc, người ở Lâm Đồng, bố mẹ lại ở Sài Gòn. Huyền và em út tự chăm nhau ở nhà, bên cạnh có ông bà trông nom. Còn có họ hàng, mọi người trong giáo xứ đùm bọc. Nhưng chỉ sau 1 buổi chiều đáng ra em sẽ đi học về như thường lệ, thì người thân lại nhận tin ra chờ ở đập Khe Giang, rồi tắt lịm hi vọng khi em được tìm thấy. Cả nhà vội vàng trở về, nhưng không phải để đoàn tụ sum vầy, mà sinh ly tử biệt.

Hà Giang và em Nguyễn Lan Anh cũng là chị em họ hàng của nhau, ở xóm Tân Lập, cùng trong nhóm học sinh lớp 8D gặp nạn. Lan Anh là con gái út trong gia đình, em còn là thành viên của ca đoàn Giáo xứ Vĩnh Giang (xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn). Cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn với nụ cười tươi ấy hôm nay cũng không còn cất tiếng hát được nữa. Ngôi nhà vang lên tiếng kinh cầu. Các chị em, các bạn trong ca đoàn ngồi xung quanh lau nước mắt, vòng tay cùng đọc kinh, cùng cất tiếng hát, an ủi, vỗ về Lan Anh về bên Chúa.

Giáo xứ Vĩnh Giang cùng gia đình lo làm lễ cho 2 nữ sinh theo phong tục Công giáo. Đại diện giáo xứ chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã trao đổi với nhà trường, cho phép các em học sinh chiều nay nghỉ học, để đến đưa tiễn các bạn không may đuối nước. Vừa là an ủi, động viên gia đình, nhưng cũng để nhắc nhở, tuyên truyền cho tất cả học sinh khác cẩn thận, không tự ý đi chơi ngoài hồ đập mà gặp tai nạn thương tâm”.

Buổi chiều đầu hè, thầy trò Trường THCS Nghĩa Lộc lần lượt đưa tiễn thêm 3 bạn về nơi an nghỉ cuối cùng. Lớp 8D từ đây mãi mãi mất đi 4 người bạn, vắng 4 chỗ ngồi… Thầy Nguyễn Bá Dũng – Hiệu trưởng nhà trường đau xót nói: “Sự việc quá thương tâm, là nỗi mất mát to lớn không gì bù đắp nổi của gia đình và của cả nhà trường. Chúng tôi cũng đã cử giáo viên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các em lo hậu sự. Đồng thời ổn định, trấn an tâm lý chung cho học sinh toàn trường và riêng lớp 8D”.

Sáng 26/4, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn gia đình 4 nữ sinh không may đuối nước tử vong tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Đến thăm viếng 4 học sinh không may đuối nước, ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thay mặt đoàn công tác gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các em. Lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng tránh đuối nước. Đặc biệt là trước mùa nắng nóng và chuẩn bị vào hè, các nhà trường cần phối hợp với gia đình, địa phương thường xuyên, liên tục nhắc nhở quản lý con em, phòng tránh tại nạn thương tích đuối nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ