4 đặc sản trứ danh không phải ai cũng dám động đũa

Đều là những món ngon không nên bỏ qua song với vẻ ngoài xấu xí, những món ăn như thằn lằn núi Bà Đen, bò cạp Bảy Núi, cá leo cây… là thách thức không nhỏ.

4 đặc sản trứ danh không phải ai cũng dám động đũa

1. Bò cạp Bảy Núi

Ảnh: dacsannguoiviet

Bò cạp là một món ăn có nguồn gốc ở vùng Bảy Núi An Giang. Đây cũng là vùng đất gần như duy nhất sản sinh ra loại bò cạp (người dân địa phương gọi là bù kẹp) có màu đen nhánh, to cỡ con dế cơm với cái đuôi nhọn hoắt và hai cái càng to kềnh đầy đe dọa.

Việc săn đặc sản này khá đơn giản với ba thao tác gồm lật đá, kẹp bò cạp, bỏ vào xô. Công đoạn chế biến cũng tốn ít thời gian và công sức. 

Cụ thể, bò cạp sau khi bắt về, "rộng" vài ngày cho sạch bụng, để nguyên con rửa sạch, cho vào chảo dầu đang sôi. Một lát sau, mùi thơm ngào ngạt đến sôi ruột. 

Gắp một con, chấm chút muối tiêu chanh, kèm theo cọng rau thơm, cắn một miếng, vị giòn của thịt, chất béo từ bụng lan dần, khiến người ta không kiềm được việc gắp thêm một con. Nhưng đó là khi bạn đã chiến thắng được nỗi sợ ở lần gắp đầu tiên.

2. “Đệ nhất ẩm thực” thằn lằn núi Bà Đen

Ảnh: Yume

Ảnh: vietpictures

Thằn lằn núi được nhiều người xưng tụng là “đệ nhất ẩm thực” ở Tây Ninh nói riêng và Đông Nam bộ nói chung.

Thằn lằn núi thuộc họ tắc kè và được phân biệt với loài khác bởi những vạch trắng ở lưng, đuôi có màu nâu nhạt, con to nhất cũng bằng cườm tay. 

Khác với các loại tắc kè khác, thằn lằn núi chỉ ăn sung chín, chuối và lá thuốc Nam nên thịt dai, thơm, bổ dưỡng. Với đặc tính này, thằn lằn núi không chỉ là món ăn chơi mà còn là món ăn bồi bổ.

Thịt thằn lằn núi có thể chế biến nhiều món khác nhau như băm nhỏ, xào với tiêu xanh và lá lốt ăn cùng bánh tráng. Ngon nhất phải kể đến là thằn lằn núi chiên giòn, ăn cùng các loại rau như xà lách, cà chua, dưa leo, rau thơm… và mắm me. 

Điểm cộng của món ăn này là nhờ món cuốn, phần “thịt thà” – con thằn lằn núi được giấu bên trong, khuất mắt nên được xem là món dễ ăn.

3. Sá sùng

Ảnh: 24h

Ảnh: yesvietnam

Sá sùng có màu nâu đỏ, trông giống như con trùn đất, nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát. Sá sùng đủ vị dai, giòn, béo, ngọt, thơm càng ăn càng ghiền. 

Người ta có thể chế biến sá sùng thành nhiều món khác nhau như nướng, xào chua ngọt, xào rau cần, xào su hào hay chiên, nấu cháo… đều ngon.

Điểm trừ duy nhất là sau khi chế biến, sá sùng không thay đổi nhiều nên trông không khác những con sâu trên đĩa khiến người yếu tim cảm thấy hơi ê răng. Tuy nhiên, nếu được mời hay có dịp, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ăn được quy giá trị mắc tương đương vàng này.

4. Cá leo cây

Ảnh: trunghockientuong

Món ăn khi lên đĩa

Cá thòi lòi, người địa phương thường gọi cá leo cây là một loài vật khá quen thuộc có mặt tại nhiều khu rừng ngập mặn tại Cần Giờ, đất Mũi Cà Mau, U Minh Thượng... thuộc khu vực ĐBSCL. 

Loài vật này được các nhà khoa học thế giới quan tâm như một hình mẫu về tiến hóa. Cũng như lọt vào danh sách 6 loài động vật kỳ lạ nhất hành tinh.

Cá thòi lòi khá dị hợm với đôi mắt lồi như mắt ếch. Càng lạ hơn là chúng có thể sống, chạy, nhảy và kiếm mồi... trên cạn. Đặc tính này có được do cá thở bằng phổi và mang.

Tuy ngoại hình dị hợm, song thịt cá thòi lòi rất mềm và thơm ngon. Đặc biệt, là sau khi chế biến, để nguội vẫn không có mùi tanh. Cá thòi lòi có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng chấm mắm, lột da kho tiêu, hấp cách thủy cuốn bánh tráng rau sống, canh chua... Mỗi cách chế biến đều có vị ngon khác nhau, nhưng dễ ăn nhất là món cá thòi lòi lột da kho tiêu.

Theo www21.24h.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.