Trong khi làm bài tập do phải tự mình phân tích các điều kiện của đề bài, tự xây dựng lập luận nên tư duy của học sinh phát triển, năng lực làm việc tự lực được nâng cao, tính kiên trì được phát triển.
Với quan điểm trên, cô Lê Thị Loan – giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) – cho rằng, giải bài tập Vật lí không chỉ dừng lại trong phạm vi vận dụng những kiến thức đã học mà còn giúp rèn luyện cho học sinh tư duy sáng tạo.
Khi giải bài bài tập cho học sinh phải nhớ lại những kiến thức đã học, có khi phải sử dụng tổng hợp những kiến thức của nhiều chương, vì vậy nó là phương tiện củng cố, ôn tập kiến thức sinh động. Bài tập vật lí là phương tiện có hiệu quả để kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức, vận dụng kiến thức của học sinh.
Dưới đây là chia sẻ của cô Lê Thị Loan về phương pháp chung trong giải bài tập Vật lý, với 4 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Tìm hiểu đầu bài
Bước này bao gồm việc xác định ý nghĩa của các thuật ngữ, phân biệt đâu là ẩn số, đâu là dữ liệu. Với những bài tập tính toán sau khi tìm hiểu đầu bài cần dùng các kí hiệu để tóm tắt đầu bài. Trong trường hợp cần thiết phải vẽ hình để diễn đạt những điều kiện của đầu bài.
Bước 2: Xác lập mối liên hệ cơ bản giữa các dữ liệu xuất phát và cái phải tìm
Phân tích nội dung bài tập, đối chiếu các dữ liệu xuất phát từ cái phải tìm để làm sáng tỏ bản chất vật lí của những hiện tượng mô tả trong bài. Trong quá trình phân tích, cần làm sáng tỏ một số vấn đề sau:
- Bài tập đang giải thuộc loại bài tập nào? Định tính hay định lượng? Bài tập thí nghiệm hay đồ thị.
- Đối tượng đang xét trong trạng thái nào? Ổn định hay biến đổi? Những điều kiện ổn định hay đang biến đổi như thế nào?
- Có những đặc trưng định tính, định lượng nào đã biết và chưa biết, mối quan hệ các đặc trưng đó biểu hiện ở những định luật, quy tắc, định nghĩa, công thức nào?
Bước 3: Rút ra kết quả cần tìm
Từ các liên hệ cần thiết đã xác lập được tiếp tục luận giải tính toán để rút ra kết quả cần tìm.
Bước 4: Kiểm tra và biện luận kết quả
Trong bước này phải phân tích kết quả cuối cùng để loại bỏ những kết quả không phù hợp với điều kiện đầu bài hoặc không phù hợp với thực tế. Việc biện luận cũng là một cách để kiểm tra sự đúng đắn của quá trình lập luận. Đôi khi nhờ sự biện luận này mà học sinh có thể tự phát hiện ra những sai lầm trong quá trình lập luận do sự vô lí của kết quả thu được.
Trong thực tế việc giải các bài tập vật lí không nhất thiết phải tách bạch một cách cứng nhắc bước 2 và bước 3 trình bày ở trên, không phải bao giờ cũng xác lập xong xuôi hệ thống chương trình để rút ra kết quả cần tìm.
Có thể là sau khi xác lập được mối liên hệ vật lí nào đó rồi tiếp tục thiết lập được mối liên hệ khác. Nghĩa là sự biến đổi các mối liên hệ (các phương trình) cơ bản đã xác lập được có thể xen kẽ, hòa lẫn với việc tìm tòi xác lập các mối liên hệ cần thiết tiếp theo.
Việc giải bài tập giáo dục ý chí, tính kiên trì vượt khó, phát triển tư duy lô gíc, sự nhanh trí. Trong quá trình tư duy sâu sắc ấy, có sự phân tích và tổng hợp những mối liên hệ giữa các hiện tượng và đại lượng vật lí đặc trưng cho chúng. Bài tập giúp các em hiểu được nhiều mối liên hệ giữa vật lí và kĩ thuật" - cô Lê Thị Loan.