Những nguyên nhân khiến môn Vật lý còn thiếu sức hút
Vật lý là một trong những môn học khó trong trường phổ thông, nếu không có bài giảng, phương pháp phù hợp, dễ làm cho học sinh thụ động tiếp thu. Đã có hiện tượng một số bộ phận học sinh không muốn học Vật lý, ngày càng lạnh nhạt với giá trị thực tiễn của Vật lý.
Đưa ra thực trạng này, cô Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do chương trình hiện nay vẫn còn nặng về mặt kiến thức. Trong một tiết học, với nội dung kiến thức tương đối nhiều, giáo viên cố gắng để chuyển tải kiến thức cho học sinh, nên thời gian để liên hệ thực tế hoặc mở rộng, thực hiện các thí nghiệm, nâng cao kiến thức là rất hạn chế.
Hơn nữa, cơ sở vật chất dành cho phòng học bộ môn Vật lý ở nhiều trường còn hạn chế nên thực hiện các thí nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn; học sinh ít có điều kiện tiếp xúc với thí nghiệm thực hành để hiểu hơn về các hiện tượng thực tế của bài học. Đó là chưa kể đến việc xét tổ hợp bộ môn vào ĐH, CĐ một số ngành học không có môn Vật lý nên học sinh ít đầu tư vào môn học này.
Nguyên nhân thứ hai, theo cô Nguyễn Thị Nghĩa, chính là từ những người trực tiếp giảng dạy môn học. Theo đó, còn giáo viên chưa quan tâm đúng mức tới đối tượng giáo dục; chưa đặt ra cho mình nhiệm vụ và trách nhiệm nghiên cứu, hiện tượng dùng đồng loạt cùng một cách dạy, một bài giảng cho nhiều lớp, nhiều thế hệ học trò là không ít.
Giáo viên dạy “chay” nhiều, mô tả hiện tượng Vật lý bằng các thuật ngữ khoa học trừu tượng và khó hiểu với học sinh. Giáo viên dạy Vật lý mà xa rời kiến thức thực tế trong khi đó Vật lý lại là môn học gắn liền với thực nghiệm và thực tế.
“Một số giáo viên bước chân vào lớp, cầm viên phấn viết ngay đề bài và cứ thế “độc diễn” tới cuối giờ học, không quan tâm tới phải đặt vấn đề vào bài và gắn các ứng dụng thực tế vào bài học cho sinh động và tăng hứng thú, hấp dẫn học sinh. Có giáo viên lại sợ mất thời gian, ngại phải chuẩn bị…
Việc chưa chú trọng đến thí nghiệm trong phòng học bộ môn cũng là nguyên nhân khiến học sinh không hiểu rõ được hiện tượng thực tế, không quan sát được hiện tượng, không được trực tiếp tiến hành thí nghiệm; từ đó kém hứng thú, ghi nhớ bài học máy móc, nhanh quên kiến thức và vận dụng kiến thức vào thực tiễn rất yếu kém” - cô Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số giáo viên còn dạy Vật lý như dạy Toán, tức chỉ quan tâm tới công thức và cho học sinh áp dụng công thức tính ra đáp số; trong khi phần lớn các bài tập Vật lý phải phân tích rõ, hiểu đúng hiện tượng, đổi đúng đơn vị, sau cùng mới chọn công thức để tính toán và cuối cùng biện luận kết quả, nêu ứng dụng thực tế liên quan.
Các bài giảng Vật lý có thể tự tạo thí nghiệm, hoặc có thí nghiệm sẵn có trong phòng thí nghiệm, rồi gắn với hiện tượng thực tế để giảng dạy khoa học và hứng thú, nhưng thực tế có một bộ phận giáo viên Vật lý không chịu tìm tòi, đào sâu hoặc ngại mất thời gian công sức nên chỉ dạy “chay”, truyền đạt kiến thức một cách đơn điệu tẻ nhạt.
Nguyên nhân thứ 3, cô Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, do cách ra đề kiểm tra đánh giá học sinh theo một lối mòn đã rất cũ là hỏi lí thuyết học thuộc từ sách giáo khoa; bài tập dùng để kiểm tra đánh giá phần lớn chỉ áp dụng công thức để tính toán đơn thuần; đề kiểm tra chưa gắn liền kiến thức với thực tiễn và thí nghiệm thực hành; điều đó khiến học sinh học theo xu hướng ra đề của giáo viên...
Hai thay đổi có thể khơi dậy niềm đam mê môn Vật lý
Để khơi dậy niềm đam mê của học sinh với môn Vật lý, cô Nguyễn Thị Nghĩa đưa ra 2 vấn đề quan trọng nhất cần phải thay đổi. Thứ nhất, phải thay đổi phương pháp dạy của giáo viên, phải có tư duy đổi mới gắn kiến thức Vật lý với thực tế và thí nghiệm thực hành.
Thầy cô trước khi lên lớp cần nghiên cứu kỹ bài giảng, xác định được kiến thức trọng tâm, tìm hiểu, tham khảo các vấn đề thực tế liên quan phù hợp với từng học sinh ở thành thị, nông thôn …; đôi lúc cần quan tâm đến tính cách sở thích của đối tượng tiếp thu, hình thành giáo án theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, phải mang tính hợp lý và hài hòa; đôi lúc có khôi hài nhưng sâu sắc, vẫn đảm nhiệm được mục đích học môn Vật lý.
Thứ hai, phải tích cực đổi mới cách ra đề kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng đề có lồng ghép kiến thức thực tế làm cho học sinh phải thay đổi phương pháp học cho phù hợp. “Trong điều kiện hiện nay, khi khoa học kỹ thuật của nhân loại phát triển như vũ bão, nền kinh tế trí thức có tính toàn cầu thì nhiệm vụ của ngành Giáo dục vô cùng to lớn.
Giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải giúp học sinh vận dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống, vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính thực tiễn. Giáo dục phải đào tạo ra những con người có tâm, có tầm nhìn, có kiến thức sâu rộng và biết vận dụng kiến thức trau dồi, tích lũy được vào thực tiễn cuộc sống” - cô Nguyễn Thị Nghĩa nêu quan điểm.
Khẳng định, dạy học Vật lý phải đổi mới phương pháp dạy học đã và đang thực sự là yếu tố quyết định hiệu quả giờ dạy, cô Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, một trong những yếu tố để đạt giờ dạy có hiệu quả và tiến bộ là phải phát huy tính thực tế, tăng cường các thí nghiệm thực hành, giáo dục về môi trường cho học sinh, về tư tưởng vẫn mang bản sắc dân tộc mà không mất đi tính cộng đồng trên toàn thế giới, những vấn đề nêu ra tuy cũ nhưng mà vẫn có tính chất cập nhật và mới mẻ, đảm bảo tính khoa học - hiện đại, cơ bản; tính thực tiễn và giáo dục kỹ thuật tổng hợp; tính hệ thống sư phạm.
“Tuy nhiên, mỗi tiết học có thể không nhất thiết phải hội tụ tất cả những quan điểm nêu trên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đừng quá lạm dụng khi lượng kiến thức cần truyền đạt vẫn còn đè nặng trong chương trình” - cô Nghĩa cho hay.