35 năm 'bới đá tìm chữ' ở Hà Giang

GD&TĐ - Nghe theo tiếng gọi của Đảng, mới 17 tuổi, thầy giáo Trần Quang Bật đã xung phong lên dạy học tại Trường Tiểu học xã Quản Bạ, huyện Vị Xuyên.

Thầy Bật cùng con trai, con dâu và các cháu gái cùng gắn bó với nghề giáo.
Thầy Bật cùng con trai, con dâu và các cháu gái cùng gắn bó với nghề giáo.

Cả cuộc đời của thầy dành cho giáo dục Hà Giang, gieo chữ thành công trên vùng núi đá.

17 tuổi lên núi

Thầy Trần Quang Bật sinh ra và lớn lên ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm 1952, tốt nghiệp sơ cấp sư phạm ở khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc), về nước, thầy được phân công lên Hà Giang dạy học. Từ quê Phú Thọ thầy phải đi bộ mất 13 ngày mới tới Ty Giáo dục Hà Giang nhưng đến được điểm trường thầy phải đi bộ thêm 2 ngày nữa.

Bên chén trà thơm, thầy Bật kể: Ngày đó, trường thuộc một xã nghèo vùng cao, bao quanh bởi những dãy núi đá (xã Quản Bạ, huyện Vị Xuyên – P.V). Gọi là trường nhưng thực chất chỉ là nửa dãy nhà gỗ 6 gian. Trong đó, 3 gian là nơi làm việc của công an; 2 gian là lớp học và 1 gian là nơi ở và làm việc của thầy. Sân trường là đường.

Đường từ trung tâm tỉnh lỵ vào trường 49km, chỉ là đường mòn lối mở đủ cho người đi bộ và ngựa thồ hàng đi được, chủ yếu là đường đất, cua gấp tay áo, chạy quanh cánh rừng núi đá tai mèo heo hút gió ngàn, trập trùng mây trắng. Từ trên mặt đường nhìn xuống vực sâu thăm thẳm mới thấy hết sự nguy hiểm do độ cao của đường lên núi. Chỉ cần sơ sảy trượt chân là lao xuống vực sâu.

Quản Bạ là nơi “sống trên đá, chết vùi trong đá”. Đến đây mới thấu hiểu nỗi gian truân vất vả của người đi “Gieo chữ trên núi đá” cực khổ biết chừng nào! Năm đầu tiên lên nhận công tác, trường chỉ có thầy Khải là Hiệu trưởng và thầy Bật là giáo viên. Nhưng đến năm 1954, thầy Khải về Ty Giáo dục, thầy Bật kiêm nhiệm, vừa là Hiệu trưởng, vừa là giáo viên.

Thầy dạy ca sáng cho học sinh lớp ghép 1, 2; chiều dạy lớp ghép 3, 4. Mỗi lớp chỉ có mươi học sinh, đa số là dân tộc Tày, Nùng, Mông, áo quần cũ kỹ, xộc xệch, mặt mày em nào cũng lem luốc, tóc cháy nắng đỏ hoe, chân tay nứt nẻ. Đa số các em đi chân đất tới trường. Mùa đông rét thấu xương, các em môi tím bầm nhưng trên người chỉ độc manh áo cũ xỉn, cáu bẩn. Thiếu lương thực, thiếu nước, thiếu muối ăn.

Các em học sinh nhìn thầy lấm lét, nói tiếng Kinh ngọng nghịu... Nhiều em phải bỏ học lên rừng lấy củi, hái rau rừng, đào củ mài để mưu sinh. Thương trò bỏ học, vào ngày Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, đêm thầy đốt đuốc đến các bản làng tìm gia đình học trò để động viên bố mẹ các em khắc phục khó khăn, cho con em đến trường học chữ; người lớn học xóa mù chữ.

Dần dần, bà con thôn bản thấy con đi học về chăm chỉ học bài, biết tính toán giúp bố mẹ khi họ đi chợ bán con gà, con lợn, địu ngô, can rượu… Vậy là nay cho con học chữ, về nhà chúng đã biết hướng dẫn cho bố mẹ cách nhẩm tính cộng, trừ thạo hơn, mỗi khi tính tiền không cần giơ ngón tay đếm rất lóng ngóng, khó khăn. Thấy được ích lợi của việc học chữ, bà con trong bản to nhỏ bảo nhau cho con đi học ngày dần đông lên…

Thầy Trần Quang Bật dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường Thanh niên Dân tộc Hùng An.

Thầy Trần Quang Bật dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường Thanh niên Dân tộc Hùng An.

Nở hoa trên núi đá

Sau hai năm gắn bó “gieo chữ trên núi đá tai mèo” từ năm 1952 - 1954, thầy Trần Quang Bật đã làm thay đổi tích cực bức tranh giáo dục trên cao nguyên đá. Nhờ đó, thầy được Ty Giáo dục điều động tiếp tục về “gieo chữ trên núi” phía Tây của tỉnh Hà Giang - Trường Tiểu học xã Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì.

Đường từ Quốc lộ 2 vào trường dài 62km vẫn chỉ là đường mòn, lối mở đủ cho người đi bộ và ngựa thồ hàng. Mỗi khi mùa mưa đến, nguy cơ sạt lở rất cao. Nhiều cây cầu bị mưa lũ cuốn trôi. Học sinh của trường đa số là dân tộc Tày và một số em người La Chí. Cái nghèo vẫn bao bọc và người dân cũng chưa quan tâm đến việc học hành của con em. Vì vậy, việc vận động các em đến trường là cả một thách thức với thầy giáo trẻ Trần Quang Bật.

Trường vừa thành lập cơ sở vật chất thiếu thốn chỉ có một căn nhà lá 2 gian (1 gian làm lớp học và 1 gian nhà công vụ). Thầy Bật vừa là Hiệu trưởng, vừa là giáo viên dạy lớp ghép 1, 2 cho 15 học sinh; Buổi tối dạy bình dân học vụ xóa mù chữ. Sau 4 năm đi “gieo chữ trên núi cao” thuộc huyện Hoàng Su Phì thầy Trần Quang Bật được Ty Giáo dục tỉnh Hà Giang rút về và cử đi học Trung cấp Sư phạm Việt Bắc từ (1959 - 1961). Do có thành tích học tập tốt nên thầy được dự Đại hội Thanh niên Khu tự trị Việt Bắc, vinh dự được gặp Bác Hồ. Sau khi ra trường, thầy Bật được điều động về làm việc tại Ty Giáo dục tỉnh Hà Giang từ (1961 - 1967), cử đi học ĐHSP Việt Bắc từ năm (1968 - 1972) chuyên ngành Vật lý.

Tốt nghiệp đại học, thầy Trần Quang Bật được điều động về làm Trưởng phòng Bổ túc văn hóa (Ty Giáo dục Hà Giang), bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Thanh niên Dân tộc Hùng An (nay là Trường THPT Hùng An). Khi đó trường cũng mới thành lập được 9 năm với 7 lớp học, gồm 2 lớp cấp 1; 4 lớp cấp 2; 1 lớp cấp 3, có 180 học sinh.

Năm học 1974 - 1975 tách cấp 1 - 2 trường chỉ còn cấp 3. Trường khi đó chỉ có 11 gian nhà gỗ dành cho nơi làm việc; 1 lớp học 3 gian nhà gỗ (hàng năm vẫn phải làm thêm, tu sửa lớp học, nhà ở phên tre lợp lá) và 3 con trâu, cùng 2 xe trâu... Thầy trò cùng lao động sản xuất, vượt qua khó khăn để học tập tốt. Nhiều học sinh tham gia thi học sinh giỏi, có em được tuyển thẳng vào đại học. Hàng năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đứng thứ 3 của huyện, vào học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Năm 1988, thầy Bật nghỉ hưu. Với 35 năm 5 tháng gắn bó với giáo dục Hà Giang (từ 1952 - 1988), trải qua 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, thầy giáo Trần Quang Bật luôn nêu cao phẩm chất ưu tú của người giáo viên nhân dân. Thầy luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục con em các dân tộc vùng cao. Đề tài “Đào tạo con em các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng hẻo lánh xa xôi không có điều kiện học lên cấp 3” của thầy Trần Quang Bật đã góp phần quan trọng tạo nguồn tri thức cho huyện, tỉnh, kế cận cho xã, phường trong những năm mà tỉnh Hà Giang được xếp loại tỉnh “nghèo” so với cả nước.

Nghe theo tiếng gọi của Đảng, mới 17 tuổi, thầy giáo Trần Quang Bật đã xung phong lên dạy học tại Trường Tiểu học xã Quản Bạ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Cả cuộc đời của thầy dành cho giáo dục Hà Giang, gieo chữ thành công trên vùng núi đá.

Với những cống hiến đóng góp to lớn, thầy giáo Trần Quang Bật đã được Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục khen thưởng như: Huy hiệu Kháng chiến chống Pháp; Huân chương Chống Mỹ hạng 2; Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 1970; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục năm 1995; Huy chương Vì sự nghiệp Xây dựng Hà Giang năm 2002; Nhà giáo Ưu tú năm 2010; Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 55 năm tuổi Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ