Chắc kiến thức ngữ pháp, từ vựng
Yếu tố thứ nhất, theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương và về ngữ pháp, từ vựng. Học sinh cần rà soát một lượt các phần kiến thức trọng tâm. Các câu hỏi ở phần ngữ pháp (kiến thức về thì, bị động, so sánh, giản lược mệnh đề, giới từ, liên từ, mạo từ, câu hỏi đuôi, trực tiếp- gián tiếp….) là nội dung dễ giành được điểm.
Học sinh hãy xem kỹ lại phần tổng hợp kiến thức, lưu ý của các chuyên đề và đọc thật kỹ câu hỏi để có câu trả lời chính xác nhất.
Bên cạnh đó, dạng bài trọng âm, phát âm, viết lại câu, nối câu, chức năng giao tiếp cũng rất vừa sức. Mục tiêu của thí sinh là giành trọn vẹn điểm những phần này.
Về phần từ vựng, thí sinh hãy xem lại một lượt các chủ đề từ vựng hay gặp trong sách giáo khoa, ôn tập lại phần từ vựng đã học được để thêm tự tin xử lý với các câu từ vựng, đọc điền, đọc hiểu.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương. |
Lưu ý kỹ năng làm bài
Yếu tố thứ hai được cô Nguyễn Thị Thanh Hương đưa ra là phương pháp, kỹ năng làm bài. Theo đó, bên cạnh những kỹ năng cụ thể của từng dạng tích lũy được trong quá trình học tập và giải quyết các đề thi tập dượt, thí sinh hãy luôn bắt đầu làm từ các câu dễ hoặc các dạng bài thế mạnh. Điều đó sẽ giúp các em tự tin hơn.
Điểm số mỗi câu là như nhau, các câu mất 5 - 10 giây để làm cũng bằng câu mất 5 đến 10 phút, nên hãy luôn cẩn thận, chắt chiu từng câu một. Đừng cẩu thả, hay sa lầy mất thời gian ở các câu khó.
Bên cạnh đó, thí sinh phải có chiến lược thời gian làm hiệu quả và sát sao để có thể đạt điểm cao. Nên chia 1/2 số thời gian đầu tiên để làm các dạng bài trắc nghiệm với hình thức câu ngắn với trung bình 30 giây/câu, tối đa là 1 phút cho câu khó và dài. 1/2 thời gian còn lại làm bài đọc điền và 2 bài đọc hiểu. Mỗi một nửa luôn giành lại một chút thời gian để kiểm tra đáp án, từ đó tránh các lỗi sai đáng tiếc.
Mỗi học sinh có điểm mạnh và yếu riêng, nên phần mất điểm cũng có thể rơi ở các phần khác nhau. Nhưng cô Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh nên đọc kỹ đề bài, tránh làm sai yêu cầu đề.
Đọc hiểu tuy khó với một số bạn về độ dài và độ khó, nhưng không phải câu nào cũng hóc búa. Do đó, học sinh hãy kiên nhẫn và quyết tâm đọc kỹ thông tin để tìm câu trả lời đúng.
Chuẩn bị tâm thế
Yếu tố cuối cùng không thể thiếu, theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương là một tâm thế quyết tâm chiến đấu, nỗ lực đến cùng để giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Dù học sinh có mục tiêu điểm số là gì đi nữa cũng cần nỗ lực và quyết tâm hết mình để đạt được. Thời gian này, các em tránh học quá sức, hay quá áp lực. Hãy phân bổ thời gian ôn tập nhẹ nhàng, vừa sức, ngủ đủ 6 - 8 tiếng và vận động, chơi thể thao để có được một thể lực và trạng thái tinh thần tốt nhất.
Mỗi khi mệt mỏi, hãy nhớ về gia đình và những người thân yêu, nhớ đến giấc mơ của mình, đó sẽ là nguồn động lực để vượt lên trên những sợ hãi, những giới hạn. Tinh thần quyết tâm, chiến đấu đến cùng, sự kỷ luật chắc chắn sẽ giúp các thí sinh thành công.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Tổ chức coi thi trong các ngày 28,29 và 30/6. Kết quả thi sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 18/7/2023.
Kỳ thi tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT.