3 yếu tố cốt lõi giúp nâng cao chất lượng giáo viên

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Chính sách tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn

Với nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc cho rằng, Bộ GD&ĐT kết hợp với Bộ nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh sinh viên sư phạm và tuyển dụng giáo viên.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giảng viên, giáo viên các cấp học.

Hiện nay, cả nước có 59,63 % giáo viên trung học được nâng chuẩn lên trình độ đại học sư phạm/cử nhân sư phạm; như vậy còn 40,36 % (359.495 giáo viên) chưa đạt trình độ này. Tổng số giảng viên (bao gồm cả đại học và cao đẳng sư phạm) là 76.285, trong đó số giảng viên chưa đạt trình độ thạc sĩ là 14.205 chiếm 18,6%.

Bên cạnh đó, các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu”, cùng với lộ trình triển khai hàng năm ở các khối lớp với hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích.

Cần có quy chuẩn nghiêm ngặt để đánh giá chất lượng đầu ra của công tác bồi dưỡng và đào tạo lại để tránh bệnh hình thức và bệnh bằng cấp.

Nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà giá

Với nội dung này, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc, vai trò của đội ngũ quản lý giáo dục là rất quan trọng.

Nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục phải là những người có đủ các yếu tố có tâm, tài, tầm để làm gương và trong quá trình điều hành, quản lý cần sát sao với công việc, từ đó có thể đánh giá chính xác năng lực và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên từ đó có những biện pháp phù hợp và kịp thời điều chỉnh.

Cải cách chính sách tiền lương và môi trường làm việc

Nhấn mạnh đây là yếu tố được rất nhiều người quan tâm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc nêu qua điểm: nếu chính sách tiền lương và môi trường làm việc được cải thiện phù hợp với sự phát triển và đời sống của xã hội thì sẽ nâng tầm được vị thế nhà giáo.

Để thực hiện được điều này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn của vấn đề này nằm ở cơ chế về tài chính và các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, sự phân quyền mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục, công tác quản lý giáo dục.

“Nguồn lực tài chính dành cho giáo dục gồm đầu tư cho con người, cho cơ sở vật chất là vấn đề nan giải khi ngân sách nhà nước không gánh nổi. Các chính sách tháo gỡ khó khăn, nâng cao đời sống giáo viên để giáo viên yên tâm cống hiến cho nghề còn chưa thực chất, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Đội ngũ quản lý giáo dục hoạt động chưa hiệu quả nhất là trong công tác đánh giá xếp loại giáo viên. Cơ chế phân cấp, phân quyền đã hạn chế quyền sa thải những giáo viên yếu kém khiến họ không có động lực phấp đấu vươn lên mà có sức ỳ vào biên chế rất lớn” - Đại biểu Nguyễn Thị Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ