Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) tại Tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?” Chương trình do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức – chiều 5/4, tại Hà Nội.
3 nhóm vấn đề
Đề cập đến Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (Nghị quyết 32), ông Trần Thanh Đạm trao đổi, trong Nghị quyết 32 đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15.
Ông Trần Thanh Đạm (ở giữa) chia sẻ tại tọa đàm. |
Với nội dung này, Bộ GD&ĐT chia thành 3 nhóm vấn đề mà trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện.
Thứ nhất, là tổng kết đánh giá đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, tổng kết đánh giá xã hội hóa sách giáo khoa.
Thứ hai, hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số và sách giáo khoa cho người khiếm thị; đồng thời hướng dẫn in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, sách giáo khoa điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ ba, ban hành quy định về giá tối đa sách giáo khoa, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có quy định có thể áp dụng cho sách giáo khoa, hay quy định giá trần sách giáo khoa.
Toàn cảnh Tọa đàm. |
4 yếu tố cấu thành giá sách giáo khoa
Nhấn mạnh đến các yếu tố cấu thành giá, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, giá sách giáo khoa được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào các yếu tố về chi phí: tổ chức bản thảo; nhuận bút; sản xuất (giấy và công in; phát hành); tài chính.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, giá sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn giá sách theo chương trình cũ vì: Thứ nhất, sách giáo khoa cũ được tổ chức biên soạn bằng vốn ngân sách nhà nước. Sách giáo khoa mới do các Nhà xuất bản tự bỏ vốn hoặc vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu.
Thứ hai, về các chi phí như: giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút; chi phí giới thiệu, tập huấn giáo viên... đều cao hơn trước. Đặc biệt, giá giấy tăng cao hơn nhiều so với trước.
Thứ ba, về quy cách chất lượng sách: Biên soạn theo định hướng phát triển năng lực nên sách giáo khoa mới có khổ sách lớn hơn, chất lượng in ấn cao hơn so với sách giáo khoa cũ.
Thứ tư: Do có nhiều bộ sách giáo khoa nên sản lượng phát hành của mỗi tên sách giảm, dẫn tới các chi phí nhuận bút, tổ chức bản thảo, bản quyền phân bổ trên mỗi bản sách sẽ tăng lên.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng trao đổi tại tọa đàm. |
Ghi nhận, thời gian qua, các bộ ngành đã khởi động triển khai Nghị quyết 32, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn ví dụ: Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từ sớm nội dung Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, kịp thời thay thế cho Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
“Sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các bộ, ngành là kết quả từ việc Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tọa đàm. |
Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật này quy định, Bộ GD&ĐT định giá tối đa sách giáo khoa. Theo đó, các tổ chức sản xuất kinh doanh sách giáo khoa định giá không cao hơn mức giá do Bộ GD&ĐT quy định.