3 lưu ý giúp giảm lây lan bệnh truyền nhiễm ở trẻ

GD&TĐ - Khi con đến nhà trẻ, nhiều phụ huynh lo lắng về việc liệu bé có ăn ngoan, ngủ tốt hay chơi với các bạn không? Đây đều là những câu hỏi quan trọng.

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên và đúng cách. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên và đúng cách. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, điều cần chú trọng nhất là bảo vệ trẻ khỏi vi trùng, vi khuẩn, đặc biệt là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Bất cứ khi nào trẻ em ở cùng nhau, cơ hội lây nhiễm bệnh sẽ tồn tại. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Bởi, trẻ ở tuổi này có khả năng dùng tay để lau mũi hoặc dụi mắt, sau đó cầm đồ chơi hay chạm vào các bạn.

Virus gây bệnh truyền nhiễm có thể xâm nhập từ những hành động này của trẻ. Trong khi đó, trẻ em có xu hướng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm trong vài năm đầu đời, khi cơ thể đang xây dựng khả năng miễn dịch.

Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là các loại vi khuẩn, virus và được gọi là mầm bệnh. Vi khuẩn sau khi thâm nhập vào cơ thể, trong điều kiện thuận lợi sẽ phát triển mạnh mẽ. Từ đó, sinh ra chất độc gây bệnh cho cơ thể. Mỗi bệnh truyền nhiễm đều có một số loại tác nhân gây bệnh nhất định.

Nhưng không phải tất cả các bệnh đều lây nhiễm (như nhiễm trùng tai). Trong những trường hợp này, không cần phải tách trẻ bị bệnh ra khỏi các bạn cùng lớp. Nếu trẻ cần dùng thuốc trong ngày, hãy chắc chắn rằng, nhà trẻ có quy trình rõ ràng và nhân viên được đào tạo để cho các bé uống thuốc.

Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào cha mẹ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho con mình, đặc biệt là khi bé đi nhà trẻ? Dưới đây là những yếu tố chính cần lưu ý để giúp giảm sự lây lan bệnh truyền nhiễm ở trẻ.

Phòng chống nhiễm trùng

Thực tế, ở tuổi nhà trẻ, bé thường có nguy cơ bị vi trùng, vi khuẩn tấn công. Đặc biệt, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa thường lây lan nhanh chóng ở các cơ sở mầm non.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình, có 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện mỗi năm vì các biến chứng liên quan đến cúm.

Phòng ngừa lây nhiễm là công việc của mọi người - kể cả nhân viên chăm sóc, trẻ em và gia đình. Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là nhân viên và trẻ em có đủ sức khỏe để đến trường không? Chỉ khi có sức khoẻ tốt, họ mới đảm bảo sẽ không lây bệnh sang các trẻ khác.

Đối với nhân viên nhà trường, điều quan trọng là tiêm chủng đầy đủ, bao gồm uốn ván, bạch hầu và ho gà, sởi, quai bị và rubella cũng như cúm mùa. Đối với trẻ em và cha mẹ, nhà trường nên đặt ra các tiêu chí về thời điểm học sinh có thể truyền bệnh và không nên đến nhà trẻ.

Các biểu hiện có thể bao gồm: Phát ban kèm sốt, viêm họng do liên cầu khuẩn và tiêu chảy nhiễm trùng. Trong khi đó, các phụ huynh cần biết khi nào nên cho trẻ nghỉ học. Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện trên nhưng vẫn tới trường, nhà trẻ và phụ huynh cần nắm rõ các quy tắc về cách ly. Nhờ đó, ngăn trẻ lây bệnh sang các bạn.

Vệ sinh và khử trùng

Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi đi nhà trẻ. Ảnh minh họa.
Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi đi nhà trẻ. Ảnh minh họa.

Giữ tay sạch sẽ là biện pháp số một để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh; sau khi hắt hơi, xì mũi hoặc ho; trước khi ăn; khi thăm người ốm; hoặc bất cứ khi nào tay bị bẩn.

Trong khi đó, các nhân viên chăm sóc trẻ tại trường mẫu giáo cần thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi thay tã, hỗ trợ trẻ đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn...

Các chuyên gia khuyến cáo, nên rửa tay bằng nước ấm cùng xà phòng trong ít nhất 20 giây. Nước rửa tay có cồn là sản phẩm tiện lợi và hiệu quả trong việc vệ sinh tay cho trẻ trên 24 tháng tuổi.

Điều quan trọng là phải thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt trẻ chạm vào. Các trung tâm chăm sóc trẻ cần có lịch trình về thời điểm làm sạch từng vật dụng bằng dung dịch tẩy hoặc chất khử trùng đã đăng ký với Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) (theo khuyến nghị của nhà sản xuất).

Ví dụ, khu vực thay tã cho trẻ nên có giấy lót mới cho mỗi lần, sau đó được lau bằng chất khử trùng. Đồ chơi phải có bề mặt có thể tẩy rửa hoặc giặt được.

Bình sữa, nắp và núm vú phải là loại dùng một lần hoặc được vệ sinh sau mỗi lần sử dụng (máy rửa chén hoặc đun sôi trong một phút). Trong khi đó, nôi, chiếu ngủ cần được thường xuyên làm sạch.

An toàn thực phẩm

Xử lý và chuẩn bị thực phẩm đúng cách là yếu tố vô cùng quan trọng để ngăn ngừa cũng như tránh các bệnh do thực phẩm gây ra (ngộ độc thực phẩm). Đây là một phần quan trọng trong ngày của trẻ liên quan đến việc ăn uống.

Thức ăn và đồ uống không nên được chuẩn bị ở những khu vực giống như phòng tắm, khu vực thay tã hoặc phòng chơi. Dụng cụ và đĩa có thể tái sử dụng phải được vệ sinh giữa các lần dùng. Ngoài ra, thực phẩm, kể cả sữa mẹ, nên được bảo quản ở nhiệt độ an toàn. Thức ăn thừa nên được dán nhãn cẩn thận và bảo quản phù hợp.

Bệnh truyền nhiễm là bệnh do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng gây ra. Bệnh dễ lây lan, truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang người, hay qua trung gian một số côn trùng. Với một số bệnh truyền nhiễm, người bệnh phải được cách ly, điều trị để tránh lây sang người xung quanh.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ, trong số 10 triệu ca tử vong hằng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi, một tỷ lệ lớn có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm. 36% trong số 4 triệu trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tiêu chảy và uốn ván.

Trong số các trường hợp tử vong sau sinh do bệnh truyền nhiễm, ước tính 22% tử vong do tiêu chảy (14 - 30%), 21% do viêm phổi (14 - 24%), 9% do sốt rét (6 - 13%), 1% mắc bệnh sởi (1 - 9%).

Theo Apic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.