1. Cha mẹ phải rất kiên trì và kiên định
Trong lúc giáo dục con, chỉ cần một chút xao lòng, một vài hành động bộc phát, một vài câu nói động chạm, mọi cố gắng của cha mẹ sẽ bỏ xuống sông xuống bể.
2. Gạt bỏ tư tưởng thành tích
Các phụ huynh hãy tưởng tượng, đứa trẻ say mê học tập sẽ có những sở thích cá nhân và định kiến đối với các môn học. Có môn con sẽ rất thích, rất đam mê, nhưng có môn con sẽ rất ghét, rất định kiến. Dĩ nhiên với những bộ môn này, kết quả học tập của con không thể tốt được, cố gắng lắm cũng chỉ đạt ở mức độ tạm chấp nhận được. Nếu bố mẹ có tư tưởng thành tích, sẽ thấy vô cùng khó chịu.
3. Đầu tư công sức và thời gian
TS. Vũ Thu Hương đưa ra ví dụ: Để con đam mê một môn học gì đó, chúng ta phải cùng con tìm hiểu từ sách vở và trải nghiệm, phải kiên nhẫn bên con, sẵn sàng chia sẻ với con cả thành công lẫn thất bại.
Tuy nhiên, khi con đã có được niềm đam mê học tập, sở thích, sở trường, sở đoản cũng hiện lên rõ nét. Đây sẽ là cơ sở cho cha mẹ tư vấn nghề nghiệp cho con. Ngoài ra, con cũng sẽ thường xuyên đến lớp với sự hứng thú, tránh được cảnh học tập một cách gượng ép, hoàn thành cho xong chuyện, chán nản và thiếu định hướng.
Khi đã cùng con vượt qua những khó khăn, đáp ứng được 3 điều kiện trên, TS. Vũ Thu Hương khuyến cáo cha mẹ hãy áp dụng 5 bước tạo hứng thú học tập cho con:
1. Xác định thế mạnh của con
Thường thì mỗi người sẽ mạnh nhất ở một vài lĩnh vực, con cái chúng ta cũng thế. Tìm hiểu, quan sát, chúng ta có thể xác định được thế mạnh của con khi con còn rất nhỏ. Ví dụ, có những đứa trẻ quan tâm đến tính chính xác ngay khi còn rất nhỏ, chúng thường vặn vẹo người khác ở những chi tiết chưa được chính xác lắm hoặc thắc mắc với những câu chữ không rõ ràng hoặc thiếu tính hợp lý.
2. Giới thiệu con với thế giới của những trang sách
Công việc này cần phải làm từ khi các con còn rất nhỏ. Đọc truyện cho con, cho con chơi với truyện tranh từ khi con chưa biết đọc sẽ là tiền đề cho thói quen đọc sách sau này. Sau khi con đã biết đọc, cha mẹ có thể dạy con hứng thú đọc sách bằng hai cách như sau:
Bước 1: Đọc cho con nghe một nửa câu truyện hấp dẫn và bỏ lửng đi là việc khác. Tò mò là tính cách cố hữu của con người. Chắc chắn hành động này sẽ khiến con mở trang sách để khám phá kết cục câu chuyện.
Bước 2: Cha mẹ đọc trước cuốn sách, đặt cho con một số câu hỏi về nội dung cuốn sách rồi đố con trả lời được câu hỏi đó. Không nói cho con số trang có câu trả lời là cách cha mẹ đã kích thích con đọc cả cuốn sách.
Bước 3: Tham vấn ý kiến của con về giá trị của các quyển sách có trong tủ sách, thảo luận với con về các chi tiết, các tình huống gây tranh luận. Nếu làm bước này một cách nghiêm túc, chắc chắn cha mẹ sẽ thấy cảnh con chúi mũi vào các quyển sách và quên đi những trò giải trí vô bổ khác.
3. Giúp con trải nghiệm thực tế
Một cái cây con tự trồng, chăm bón và lớn, một con đường con tự tìm ra dựa vào bản đồ, la bàn, một mảnh đất, mảnh ruộng con tính được diện tích thông qua các đo đạc thực tế và tính toán sẽ tạo cho con rất nhiều hứng thú với các nội dung bài học cụ thể. Giúp con trải nghiệm là một bước không thể thiếu để tạo hứng thú học tập cho con.
4. Động viên và tạo điều kiện cho con học nhóm
Sẽ thật tuyệt vời nếu các bạn trong nhóm học, cùng nhau khám phá và chia sẻ niềm say mê. Vì thế, các cha mẹ đừng ngăn cản con học nhóm nhé.
5. Chia sẻ với con cả thành công và thất bại
Một lời khen ngợi tự hào, một cái nhìn ngạc nhiên khi con đạt đến đích nào đó có tác dụng động viên tinh thần rất lớn cũng như những lời chia sẻ, an ủi, phân tích khi con thất bại sẽ giải tỏa áp lực tinh thần cho con rất nhiều. Điều con cần là luôn bên con, đồng hành cùng con chứ không phải là những lời trách móc, kết tội.