200 năm trước triều Nguyễn thưởng Tết thế nào?

GD&TĐ - Thể lệ thưởng Tết dưới triều Nguyễn được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trưng bày 3D trong triển lãm 'Thưởng - phạt: Chuyện xưa chưa cũ'.

Triển lãm 'Thưởng – phạt: Chuyện xưa chưa cũ' được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trưng bày 3D.
Triển lãm 'Thưởng – phạt: Chuyện xưa chưa cũ' được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trưng bày 3D.

Triển lãm giới thiệu 80 văn bản đặc sắc từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt Tết. Đây là những tư liệu lần đầu công bố, giới thiệu đến công chúng.

Thưởng Tết theo thứ bậc

Lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, trong chương trình Kỳ họp Quốc hội khóa XV, bàn về vấn đề trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh, coi đây là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời. Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án quốc gia về vấn đề thu hút trọng dụng nhân tài.

Việc tổ chức triển lãm “Thưởng - phạt: Chuyện xưa chưa cũ” cũng là để tìm hiểu chính sách thưởng phạt dưới triều Nguyễn, nhằm giúp người nay hiểu hơn về bài học dùng người và thuật trị quốc của tiền nhân.

Thời đại quân chủ dù có nhiều hạn chế, nhưng tính nghiêm minh trong thưởng - phạt rất rõ ràng. Đồng thời, cách trọng dụng người tài, cơ hội lập công chuộc tội - như lời vua Minh Mạng: “Người có công phấn khởi, mà người có tội biết răn chừa” đã đề cao chuẩn mực Nho giáo.

Bản Tấu của bộ Công vào năm 1874, vua Tự Đức phê việc nghỉ Tết Nguyên đán: “Từ 28 tháng Chạp đến mùng 8 đầu xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc”.

Trong một tài liệu liệu khác kể lại mỗi dịp năm mới, nhà vua đều có quà thưởng cho quan lại, thông thường là một bộ khăn đóng áo dài hay những tấm vải. Món quà dù nhỏ, nhưng lại được trao bằng những nghi thức rất long trọng: “Đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Lọng rõ là không phải che nắng, che mưa cho món quà mà là tăng phần uy nghi cho vật phẩm triều đình. Cho dù đó chỉ là món quà bình dị - một trái lê”.

Định lệ thời gian thưởng Tết dưới triều Nguyễn cũng khác ngày nay. Vào đúng dịp Tết, các vua ban thưởng cho hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho dân chúng.

Nội dung từ di sản Châu bản triều Nguyễn cho biết, ngày mùng 1 vua ban yến thưởng Tết cho các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên. Mùng 2 Tết, vua đến làm lễ Tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên, ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Ngày mùng 3 Tết, vua đến Thái miếu làm lễ, sai các hoàng tử, hoàng thân đến tế. Ngày đó, vua ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, dưới triều vua Gia Long đất nước vừa thống nhất, đang trong quá trình bình ổn nên việc thưởng Tết cho quan lại không được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên đến triều Minh Mạng, việc thưởng Tết khá chi tiết. Văn bản của bộ Hộ vào năm 1826 ghi việc ban thưởng cho quan lại như sau:

“Tết Nguyên đán sắp tới, Trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng… Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội… đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.

Hình phạt dưới triều Nguyễn.

Hình phạt dưới triều Nguyễn.

Quà Tết cho người cao tuổi

Tiền đúc thưởng Tết thời Minh Mạng.

Tiền đúc thưởng Tết thời Minh Mạng.

Ngoài 80 văn bản đặc sắc từ khối Châu bản triều Nguyễn, triển lãm “Thưởng - phạt: Chuyện xưa chưa cũ” còn cung cấp nhiều hình ảnh tư liệu, hiện vật sinh động. Trong đó có tiền đúc thời Minh Mạng - đặt ra những ảnh hưởng tới việc đúc tiền của các vua Nguyễn sau này.

Không chỉ thưởng Tết cho quan lại, binh lính, nhà Nguyễn cũng ban thưởng rộng khắp chúng dân. Trong các khoản ban ơn cho quân dân vào Tết Nguyên đán năm 1827, có một khoản ghi rằng: Người 80 tuổi trở lên cấp cho một súc vải, một phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho một súc lụa, hai phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho hai súc lụa, một súc vải và ba phương gạo.

Các địa phương có người nghèo khổ túng quẫn, cô quả, tàn tật… thì quan lại phụ trách phải lưu tâm cấp dưỡng. Đồng thời, với những người phạm tội, bị cách chức hay giáng chức nhưng chưa thi hành đều được hưởng ân điển.

Tết Nguyên đán cũng là dịp vua triều Nguyễn ân xá cho những người phạm tội. Bản tấu của bộ Hình năm 1909 cho biết: Tết Nguyên đán, xem xét giảm án và phóng thích các loại tù phạm hiện đang bị giam giữ. Trong đó, tù tử tội giảm xuống đánh 100 trượng, lưu đày khổ sai 9 năm.

Qua khối tư liệu Châu bản triều Nguyễn, người nay cũng thấy sự nghiêm minh nhưng rất nhân văn. Thưởng để khuyến khích - phạt để răn đe nhưng cũng mở ra con đường sống cho kẻ lầm lạc.

Châu bản ngày 7/12 năm 1833 ghi việc phóng thích một viên quan can án: “Tình cảnh cũng đáng được xem xét lượng thứ”. Tư liệu khác năm Thiệu Trị 4 (1844), có viên Bố Chánh sứ Tuyên Quang mắc tội bị giáng một cấp nhưng được vua gia ân, tạm cho lưu nhậm để chuộc tội: “Nếu hết hạn vẫn không có công trạng gì thì tội càng thêm nặng, lại nghiêm trị không tha”.

Có năm, vua cho dừng việc chúc Tết và ban thưởng yến tiệc. Trong đó, có năm 1826 vì lý do biên thùy nên bộ Hộ và bộ Lễ tâu trình: “Xin dừng việc ban yến tiệc vì biên thùy chưa yên, tướng sĩ ở ngoài phải gian lao mà đình thần được ban yến thì trong lòng thực không yên, khoản yến tiệc xin tạm dừng một lần”. Sau đó, vua Tự Đức phê rằng: “Nếu dừng việc ban yến thì việc chúc mừng cũng nên đình chỉ”.

Thậm chí, gặp năm có nhật thực hoặc dịch bệnh, việc chúc và thưởng Tết cũng phải dừng lại. Văn bản của Nội các năm Tự Đức thứ 2 có nêu: Sáng ngày mùng 1 Tết năm tới có nhật thực. Nay lại đang có dịch bệnh lưu hành. Vì vậy, thiết triều chúc Tết và ban yến ngày mùng 1 Tết năm mới đều truyền cho đình chỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ