Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh

Cho đến những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ 19, dân Việt Nam chưa hề biết nhiếp ảnh là gì. Mãi đến mùa thu năm 1863, vua Tự Đức cử Sứ đoàn Phan Thanh Giản - Phạm Phú Thứ - Ngụy Khắc Đản sang Pháp thương thuyết, lần đầu tiên người Việt Nam biết đến nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh
Tấm ảnh lịch sử, từ trái sang phải: Ngụy Khắc Đản (Bồi sứ, nhân vật thứ ba); Phan Thanh Giản (Chánh sứ, người đứng đầu Sứ đoàn); Phạm Phú Thứ (Phó sứ, nhân vật thứ hai) - Ảnh TL do NĐX st

Tấm ảnh lịch sử, từ trái sang phải: Ngụy Khắc Đản (Bồi sứ, nhân vật thứ ba); Phan Thanh Giản (Chánh sứ, người đứng đầu Sứ đoàn); Phạm Phú Thứ (Phó sứ, nhân vật thứ hai) - Ảnh TL do NĐX st

Từ điển Bách khoa Encarta ghi rõ: Kỹ thuật nhiếp ảnh (photographie) do nhà vật lý Pháp Nicéphore Níepce (1765-1833) quê ở Châlon-sur-Chaône cùng với người em là Claude phát minh từ năm 1829, và tiếp sau đó được nghệ sĩ Jacques Daguerre (1787-1851) hoàn thiện song song với William Henry Fox Talbot (1800-1877) - một nhà khoa học Anh và được công bố chính thức vào năm 1839. 

Sử sách Việt Nam cũng ghi Đặng Huy Trứ (1825-1874) - một quan lại triều Nguyễn người Thừa Thiên Huế đã đưa kỹ thuật này từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại Hà Nội năm 1869.

Những người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh

Cho đến những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ 19, dân Việt Nam chưa hề biết nhiếp ảnh là gì. Mãi đến mùa thu năm 1863, vua Tự Đức cử Sứ đoàn Phan Thanh Giản - Phạm Phú Thứ - Ngụy Khắc Đản sang Pháp thương thuyết, lần đầu tiên người Việt Nam biết đến nhiếp ảnh và được cụ Phạm Phú Thứ ghi lại trong Như Tây Sứ Trình Nhật Ký sau đây:

Ngày mồng bảy (19/9/1863), Hà-bá-lí (tức Aubaret - quan chức của Chính phủ Pháp)báo rằng Quốc trưởng của họ muốn xem ảnh của Sứ bộ, nên quan đại thần của đô thành đã cho người đến báo với các quan sứ sáng mai, mặc phẩm phục sẵn sàng để chụp ảnh đệ trình lên trên”.

Hôm sau, “Ngày mồng tám (20-9-1863)… Giờ Ngọ (11 đến 13 giờ) trời hơi tạnh, chúng tôi lần lược mặc phẩm phục lên nhà lầu lợp kính trong Quán để chụp ảnh (quán nầy có mấy gian trên tầng lầu mà mái và tường đều lợp bằng kính (plaques de verre)để lấy ánh sáng mặt trời. Cách chụp ảnh làm như thế nầy:

Trước hết, lấy nước thuốc xoa trên một tấm kính rồi đặt tấm kính vào ống kính; sau đó, người được chụp đứng trước ống kính và quay mặt về ống kính; ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người in lên tấm kính, không sai một sợi tóc. Tục người Tây thích chụp ảnh nhất. Phàm những người mới quen biết nhau thì thích có ảnh của người quen; người trên, kẻ dưới đều như vậy vì người ta nói rằng, làm như vậy để tỏ ra không quên nhau.

Từ đó về sau, viên quan nầy nhiều lần đưa thợ mang máy đến quán mời chúng tôi chụp ảnh và chia tặng chúng tôi. Tiền công chụp một tấm ảnh nhỏ là một quan, tấm lớn hơn là bốn, năm quan.” […]

Ngày Mồng chín (21/9/1863), mưa phùn. Mấy người thợ chụp ảnh lại đến mời chúng tôi chụp chung một tấm ảnh nhỏ (hôm trước, đã chụp riêng từng người, hôm nay, mới chụp chung cả đoàn để cùng đệ trình lên Quốc trưởng”.
Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh ảnh 2
Tấm ảnh lịch sử, từ trái sang phải:Ngụy Khắc Đản(Bồi sứ, nhân vật thứ ba);Phan Thanh Giản(Chánh sứ, người đứng đầu Sứ đoàn); Phạm Phú Thứ(Phó sứ, nhân vật thứ hai) - Ảnh TL do NĐX st
Công quán của chính phủ Pháp lúc đó đặt tại số 17 Lord Byron Paris. Tấm ảnh chụp chung của Sứ đoàn nước Đại Nam được ông Grénìerre dùng in lên báo ảnh Illustration của Pháp ngày 3/10/1863. Sau nầy, tập san Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la socíeté des Études Indochinnoises) tại Sài Gòn in lại vào tập 16 (2è trimestre, 1941, số đặc khảo về Phan Thanh Giản).

Trong phái đoàn có một vị quan võ người Nam Dương, huyện Thận là ông sơ của bà Nguyễn Thị Cúc - Vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau nầy.

 Gia đình Nguyễn Hữu cho tôi biết trước đây còn giữ được tấm ảnh chụp riêng Nguyễn Hữu Thận bên Tây, nhưng trải qua nhiều trận lũ lụt và chiến tranh tấm ảnh đã bị thất lạc. Rất may là sau nầy tôi đã tìm được. Có thể xem Nguyễn Hữu Thận là người Huế được chụp ảnh đầu tiên.

Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh ảnh 3

Phòng Ngự sử Nguyễn Hữu Thận, 30 tuổi, quan võ, Tòng Ngũ phẩm - Ảnh TL

Hiệu ảnh đầu tiên ở Kinh đô Huế năm 1878

Vào trung tuần tháng 3/1874, Sứ đoàn Phan Thanh Giản đem những bức hình chụp bên Tây về Kinh đô Huế làm cho nhiều quan dân háo hức muốn biết người phương Tây đã làm như thế nào mà tài tình đến vậy. Sau đó, triều Nguyễn cho ông Trương Văn Sán sang Tây học nghề chụp ảnh.

Mùa hạ năm Tự Đức thứ 31 (1878) ông Sán về nước và trình bày “tiểu phép chụp ảnh” với bộ Hộ. Bộ Hộ lại tâu lên vua Tự Đức, được nhà vua rất hài lòng. 

Nhà vua bèn sai bộ Công làm một nhà riêng bên phải sở Thương Bạc (vị trí ở giữa Nhà hát Hưng Đạo và cửa Thượng Tứ hiện nay) để cho Văn Sán chụp ảnh. 

Văn Sán không những chụp ảnh cho vua, cho các ông hoàng bà chúa, mà còn được phép chụp cho cả quan dân bên ngoài. Có thể nói hiệu ảnh Văn Sán sáng lập năm 1878 là hiệu ảnh đầu tiên ở Cố đô Huế (Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch của Viện Sử học, t.34, Nxb KHXH, HN.1976, tr.125)

Ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh

Hiệu ảnh của Trương Văn Sán được vua Tự Đức cho phép “không những chụp ảnh cho vua, cho các ông hoàng bà chúa, mà còn được phép chụp cho cả quan dân bên ngoài”. 

Tuy vậy, cho đến nay chúng tôi chưa sưu tập được một tấm ảnh nào có niên đại được chụp sau ngày hiệu ảnh của Trương Văn Sán ra đời (1878). 

Riêng trường hợp các ông Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã rời Huế sau sự kiện thất thủ Kinh đô (7/1885) nay vẫn còn tìm được một vài tấm ảnh của hai ông. Có thể dự đoán những tấm ảnh của hai ông còn được xem trên sách báo ngày nay đã được Trương Văn Sán chụp trước tháng 7/1885.

Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh ảnh 4Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh ảnh 5
Hai ông Phụ chánhTôn Thất Thuyết (trái) và Nguyễn Văn Tường

Còn vua Tự Đức thì cho đến nay được biết nhà vua cho phép Trương Văn Sán mở hiệu ảnh tại Huế nhưng không có một tấm ảnh nào chụp nhà vua cả. 

Những hình vua Tự Đức in trong sách và trên báo chí lâu nay đều là ảnh vẽ của người Pháp. Vua Tự Đức cấm đạo Thiên chúa nên có một số họa sĩ phương Tây theo đạo Thiên chúa ghét bèn tưởng tượng ra vẽ hình vua Tự Đức rất dễ sợ.

Sau ngày vua Tự Đức qua đời, các vua Nguyễn lên ngôi thời “Tứ nguyệt tam vương” (từ cuối 1883 đầu 1884) là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước thì không thấy có một di ảnh nào. 

Trong hồ sơ lưu trữ của Pháp, vua Hiệp Hòa còn lưu lại một tấm tranh vẽ caricature mấy nét chứ không phải ảnh chụp. Ảnh vua Hàm Nghi mà sách báo trước đây đăng tải là tấm ảnh do một người Pháp chụp trộm lúc nhà vua đã bị đày sang Algérie (sau năm 1889). 

Qua sử sách của triều Nguyễn, được biết vua Đồng Khánh (1885-1889) là ông vua Nguyễn đầu tiên cho phép thợ ảnh chụp ảnh vua. Sách Đại Nam Thực Lục CB, tập 37 ghi rằng:

Đồng Khánh Ất Dậu, tháng 12 (5). “Bấy giờ Phó đô thống Pháp bàn với đô thống đại thần ủy phái quan họa đồ ấn ảnh Đại Pháp đến điện đình in chân dung của vua, gửi về nước Pháp, để tỏ tình giao hiếu với nhau. Viện thần nói: Quốc tục phương tây, lấy việc ấy làm trọng xin nên y theo. Mới chọn ngày quang tạnh, vua mặc mũ, áo đại triều, ngồi ở điện Văn minh cho quan Pháp chụp ảnh. Rồi chuẩn cho in thành hai tấm ảnh, 1 tấm để lại dâng lên, 1 tấm gửi về Pháp.” (Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch của Viện Sử học, t.37, Nxb KHXH, HN.1977, tr.98).
Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh ảnh 6

Chân dung vua Đồng Khánh - ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh vào đầu năm 1886. Ảnh chụp tại điện Văn Minh . Một bản gởi sang Pháp, một bản treo tại Điện Cần Chánh.

Tấm ảnh nầy chụp vào cuối tháng 12 Ất Dậu nhằm tháng 1/1886. Chụp vào mùa đông xứ Huế, trong điện Văn Minh không đủ ánh sáng, nên tấm ảnh lịch sử của vua Đồng Khánh gởi cho Chính phủ Pháp không rõ lắm. 

Vì thế về sau vua Đồng Khánh cho chụp lại, nhà vua mặc đại triều nhưng đầu lại quấn khăn chứ không đội mũ. Tấm ảnh thứ hai nầy rõ hơn và được in trên sách báo Tây lúc đó và cả sau nầy.

Nhiếp ảnh triều Nguyễn và những ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh ảnh 7

Chân dung vua Đồng Khánh - Ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh vào đầu năm 1886. Ảnh do vua Khải Định giữ

Kỹ thuật nhiếp ảnh dưới mắt người đương thời

Về kỹ thuật nhiếp ảnh, có lẽ cụ Phạm Phú Thứ là người Việt Nam đầu tiên đề cập đến trong Như Tây Sứ Trình Nhật Ký như vừa trích dẫn đoạn 1 trên đây (1863). Sáu năm sau (1869), cụ Đặng Huy Trứ sang Trung Quốc mua máy móc về mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội.

Đây là hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam, được khai trương vào ngày 2/2 Kỷ Tỵ (14/3/1869). Để quảng cáo cho hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, đích thân cụ Đặng viết một bài nói về ý nghĩa của việc chụp ảnh. Trong bài quảng cáo “lịch sử” nầy, cụ Đặng không nói gì đến kỹ thuật chụp ảnh mà chỉ nói về “cách chụp ảnh ở đâu mà ra”.

Theo cụ Đặng thì: “Đầu tiên là từ người nước Anh, chứ không phải là đồng đảng của bọn Pháp, sau truyền vào nước nhà Thanh là nước có bang giao với nước Đại Nam ta” (Theo "Con người và tác phẩm", Nxb TP HCM, 1990, tr.499). 

Có lẽ cụ Đặng chưa có điều kiện tra cứu lịch sử ra đời của kỹ thuật nhiếp ảnh và ngại đề cập đến nước Pháp - kẻ thù của nước Đại Nam lúc ấy nên cụ đã viết sai với tài liệu lịch sử nhiếp ảnh thế giới.

Như đã viết ở trên, kỹ thuật nhiếp ảnh do nhà vật lý Pháp Nicéphore Níepce (1765-1833) quê ở Châlon-sur-Chaône cùng với người em là Claude phát minh vào năm 1829 và tiếp sau đó được nghệ sĩ Jacques Daguerre (1787-1851) hoàn thiện. 

Những người này đều là người Pháp và phát minh kỹ thuật nhiếp ảnh trên đất Pháp. Về sau có một người Anh tên là William Henry Fox Talbot (1800-1877), trẻ hơn nhưng hoạt động hoàn chĩnh kỹ thuật nhiếp ảnh đồng thời với Jacques Daguerre.

Có lẽ vào năm 1869 kỹ thuật nhiếp ảnh du nhập vào Trung Quốc từ Anh Quốc nên cụ Đặng cho đó là một phát minh của người Anh chứ không phải của người Pháp chăng?

Chín năm sau ngày Cảm Hiếu Đường khai trương (1869-1878), vua Tự Đức cho ông Trương Văn Sán mở hiệu ảnh tại Huế. Khác với cụ Đặng Huy Trứ, ông Trương Văn Sán được sang Pháp học nghề nhiếp ảnh chính thức, thu thập được căn bản kỹ thuật nhiếp ảnh cho nên khi về nước được bộ Hộ yêu cầu, ông đã trình bày “tiểu phép chụp ảnh” một cách cặn kẽ và được sử nhà Nguyễn ghi lại như sau:

"Phép chụp ảnh, phải có nhà riêng, dùng kính che cả 4 mặt cho sáng, mới phân biệt được râu, mày, có giá để đồ chụp ảnh. Bắt đầu cắm ống kính vào hòm máy, để lên trên cái giá, mở máy, bỏ cái nắp đậy ra, cho người ngồi trên cái ghế dựa trước ống kính, lấy cái trụ sắt đỡ đằng sau khăn ở đầu cho khỏi lay động, mới đem giá để máy chụp đưa đi đưa lại, khiến cho bóng người ở trong hòm kính rõ ràng.
Xong rồi liền bỏ khuôn kính vuông ở mặt hòm đi, lấy khuôn kính bôi thuốc đổi đặt vào hòm máy, bỏ miếng ván che đi, khiến cho bóng người chiếu vào trong kính, liền để ván che vào, rồi nhẹ tay rút ra, đem vào chỗ kín, lấy nước thuốc rửa 3 lần, khiến cho bóng người dần hiện ra, đem phơi khô, để vào trong cái khuôn có hình chụp, sau đó lại đem ngay tấm giấy in một mặt ngâm vào chậu nước thuốc, rồi phơi ở chỗ râm, lại đặt lên trên kính ảnh trước để trong khuôn, đem khuôn che áp vào, khiến cho bóng người thấu vào giấy. Lại phơi khô rồi lấy ra, lại dùng nước thuốc rửa qua 3 lần, đợi khô mới xem được, và các thứ máy móc (1 cái chuông ở trong ống kính chụp ảnh, 1 cái hòm chụp ảnh, 2 cái trụ sắt, 1 cái khuôn để chận giấy, 1 cái giá chụp hình).” (Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch của Viện Sử học, t.34, Nxb KHXH, HN.1976, tr.125)

Như đã đề cập trên, năm 1869 Đặng Huy Trứ đã mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại Hà Nội nhưng rất tiếc chưa tìm được đoạn văn nào họ Đặng trình bày về “tiểu phép chụp ảnh” cả. 

wĐoạn trích trong đoạn 3 nầy của Trương Văn Sán, cho đến nay được xem là tư liệu quý nhất mở đầu cho lịch sử phát triển nghề nhiếp ảnh ở nước ta.

Nguyễn Đắc Xuân
Ảnh: NĐX sưu tầm
Theo motthegioi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.