Báo cáo tại buổi họp báo cho thấy, tính đến hết tháng 2/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng doanh nghiêp nợ BHXH, trong đó có nguyên nhân tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn, số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác. Đây là vấn đề ý thức chấp hành của chủ doanh nghiệp.
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), mặc dù ngành bảo hiểm đã có nhiều phương pháp giảm nợ song những tháng đầu năm vẫn gia số nợ tăng. Điển hình có 20 doanh nghiệp có số nợ BHXH lên tới mấy chục tỷ đồng.
Trong số này, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần (CP) LILAMA 3 đang đứng đầu với số nợ lên tới hơn 32 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 (Hà Nội) nợ hơn 20 tỉ đồng; Công ty CP Cầu 12 (Hà Nội) nợ gần 20 tỉ đồng.
Cùng đó một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment; Chi nhánh Công ty CP Ôtô Xuân Kiên VINASUKI - Nhà máy Sản xuất ôtô số 1 (huyện Mê Linh); Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1... có số nợ từ 17 đến 19 tỉ đồng.
Công ty TNHH Nam Phương nợ bảo hiểm gần 29 tỷ đồng, Công ty CP Mai Linh miền Nam nợ bảo hiểm gần 27,9 tỷ đồng, Công ty CP dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn nợ 27,8 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán như Công ty CP Cầu 12 (mã C12 - UPCoM) nợ 19,9 tỷ đồng; Công ty Sông Đà 12 (mã S12 - UPCoM) nợ 16,2 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà - Thăng Long (mã STL) nợ 16 tỷ đồng...
Theo BHXH Việt Nam, các doanh nghiệp này đều trong tình trạng thua lỗ, thiếu thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, có trường hợp đã bị hủy niêm yết hoặc hủy giao dịch cổ phiếu...
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, để hạn chế tình trạng gia tăng nợ BHXH và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động khi có phát sinh BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp: Yêu cầu cán bộ bám sát đơn vị đôn đốc đóng nộp đầy đủ; giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ đánh giá công tác.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng thực hiện việc thanh tra tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo.
Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động...) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.
Trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.
Đến nay, BHXH Việt Nam đã chuyển một số hồ sơ của các đơn vị nợ lớn kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo trình tự của pháp luật. BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển của 1 hồ sơ, BHXH Hà Nội đã chuyển 9 hồ sơ của các đơn vị nợ kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật.