Những người điều hành FPV thuộc đơn vị Lực lượng Hệ thống Không người lái Flying Skull đã tấn công một tổ hợp pháo tự hành bánh lốp 152 mm 2S43 Malva khi nó đang thay đổi vị trí trong khu vực Kursk.
Chiếc máy bay không người lái FPV tấn công đầu tiên đã đâm vào cabin cùng với tổ lái của phương tiện chiến đấu, nhưng nó vẫn tiếp tục di chuyển. Chiếc FPV thứ hai đánh vào module chiến đấu, trong khu vực thùng chứa đạn dược và gây ra thiệt hại.
Tuy nhiên bất chấp hai cú va chạm, chiếc xe dường như không bị phá hủy và có thể tự mình rời khỏi đoạn đường cao tốc bị binh sĩ Ukraine phục kích.
2S43 Malva là một hệ thống pháo tự hành mới và khá hiếm khi chỉ bắt đầu được đưa vào sử dụng trong Quân đội Nga vào cuối năm ngoái.
Mặc dù vậy, lần đầu tiên trong khu vực chiến sự, phương tiện trên góp mặt là vào tháng 6 năm nay, khi lọt vào ống kính của một máy bay không người lái trinh sát tầm xa trong khu vực Belgorod. Khi đó Lực lượng vũ trang Ukraine đã không thể đánh trúng nó.
Tác giả bức ảnh cho biết, chiếc xe thuộc Lữ đoàn pháo binh số 9 của Quân đội Nga đang thực hành thao tác chiến đấu.
2S42 Malva bắt đầu được phát triển tại Viện nghiên cứu khoa học trung ương Burevestnik từ những năm 2010 như một phần của dự án nghiên cứu và phát triển Nabrosok, các bài thử nghiệm của nó bắt đầu vào năm 2020.
Tổ hợp này được trang bị pháo 2A64 cỡ 152 mm với nòng dài gấp 47 lần đường kính, cũng được sử dụng trong thiết kế pháo tự hành 2S19 Msta-S và biến thể xe kéo 2A65 Msta-B.
Do vẫn giữ nguyên chiều dài nòng như các hệ thống nói trên, tầm bắn của Malva vẫn ngang bằng với các hệ thống pháo binh cũ của Liên Xô: với loại đạn nổ mạnh thông thường - 24,7 km, với đạn tăng tầm lắp tầng đẩy phụ - 29 km.
Việc không có lớp giáp bảo vệ bổ sung hoặc tháp pháo giúp làm nhẹ cỗ máy. Với cơ số đạn 30 viên, trọng lượng của hệ thống là 32 tấn, nó nhẹ hơn 25% so với bản bánh xích Msta-S.
Malva được chế tạo trên khung gầm xe tải BAZ-6010-027, giúp tiết giảm chi phí và tăng tốc độ sản xuất.
Trải nghiệm sử dụng 2S43 cho thấy mức độ tự động hóa của nó thấp khi sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực nguyên thủy và cần nạp đạn bằng tay để bắn.
Theo Quân đội Nga, vũ khí này có góc dẫn hướng ngang bị hạn chế đáng kể. Nó cũng yêu cầu khu vực mặt đất bằng phẳng tại vị trí bắn, đây là nhược điểm đáng kể.