18 ban võ nghệ / binh khí

GD&TĐ - Thập bát ban võ nghệ, còn gọi thập bát ban binh khí, gồm những thứ gì? Thử tìm hiểu một thứ được tiếng Hán gọi côn, võ cổ truyền Bình Định của Việt Nam gọi roi.

Tại Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nữ võ sĩ Hồng Nhung múa thảo roi. Ảnh: Phanxipăng
Tại Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nữ võ sĩ Hồng Nhung múa thảo roi. Ảnh: Phanxipăng

Về số đếm, lâu nay phổ dụng khắp hoàn vũ có hệ 10 / thập phân, ngoài ra còn những hệ khác như hệ 9 / cửu phân. Bội số của 9 là 18, chẳng hạn thập bát La Hán quyền hoặc thập bát ban võ nghệ còn gọi thập bát ban binh khí.

Thập bát ban võ nghệ / binh khí

Truy cứu thư tịch cổ, biết thuật ngữ thập bát ban võ nghệ khởi xuất từ tác phẩm “張協狀元 / Trương Hiệp trạng nguyên” được viết vào đờiTống (960 - 1279). Nội dung thuật ngữ này được藉肇浙/ Tạ Triệu Chiết, đời Minh (1368 - 1644), giải thích lần đầu trong sách “五雜俎/ Ngũ tạp trở”. Theo đó, thập bát ban võ nghệ là 18 món binh khí:

1. Bạch đả (tay không)
2. Cung
3. Nỏ
4. Thương
5. Đao
6. Kiếm
7. Mâu
8. Thuẫn
9. Phủ (búa)
10. Việt
11. Kích
12. Tiên
13. Giản
14. Qua, bút
15. Thù
16. Câu
17. Bả, đẩu
18. Miên, thằng, sáo, tác

Đời Thanh (1644 - 1912), 渚人矱/ Chử Nhân Hoạch soạn sách    “肩乎集 / Kiên hồ tập” cũng liệt kê thập ban võ nghệ theo Tạ Triệu Chiết. Tuy nhiên, thuật ngữ thập bát ban võ nghệ được những người khác xác định khác; dẫu khác gì đều chẳng thiếu thứ căn bản là quyền cước, tức tay chân trần, cùng 4 thứ được võ giới Á Đông xưa xếp hạng “binh khí chi vương / vua binh khí” gồm côn, đao, kiếm, thương.

Việt Nam sùng văn, trọng võ. Cùng với các khoa thi văn, triều đình còn tổ chức các kỳ thi võ nhằm tuyển chọn nhân tài để giúp nước, giúp dân. Từ năm Quý Mão 1723, niên hiệu Bảo Thái, triều vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương chính thức định lệ thi võ: Bác cử vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi; Sở cử vào các năm Tí, Ngọ, Mão / Mẹo, Dậu. 

Trải các kỳ thi võ triều Lê đến triều Nguyễn, muốn trở thành nhà khoa bảng thì thí sinh phải chứng tỏ năng lực thông thạo 18 ban võ nghệ thông qua đánh quyền, múa côn, múa kiếm, múa giáo, múa đao, lăn khiên, đấu kích, cỡi ngựa, bắn cung, phóng lao… Về vấn đề này, có thể tham khảo phần “Binh chế chí” trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” do Phan Huy Chú (1782 - 1840) biên soạn, đã có các bản Việt dịch.

Võ sư Trương Thanh Đăng (1885 - 1985), gốc Bình Thuận, đã sáng lập võ đường Sa Long Cương tại Sài Gòn từ năm 1964 nhằm truyền thụ võ Bình Định kết hợp Thiếu Lâm, từng cho rằng thập bát ban võ nghệ Đại Việt gồm:

1. Đôi bàn tay không
2. Cung, ná, nỏ
3. Siêu
4. Đao
5. Thương, dáo / giáo, mác, lao
6. Kiếm (độc kiếm và song kiếm)
7. Xà mâu
8. Lăng, khiên / thuẫn
9. Song phủ
10. Độc phủ / đại phủ / việt phủ
11. Kích
12. Roi trường, roi đoản
13. Độc giản, song giản
14. Đại chùy, song chùy
15. Đinh ba
16. Đoản côn, tề mi côn, trường côn
17. Bừa, cào
18. Dây

Bảng liệt kê nọ tồn tại những điểm cần bàn. Chẳng hạn trong khi độc giản chung song giản, đại chùy chung song chùy, cớ sao độc phủ tách riêng song phủ? Cung, ná, nỏ được xếp chung, cớ sao siêu tách riêng đao? Lại thêm roi trường chính là trường côn, roi đoản chính là đoản côn, cớ sao chia thành 2 ban?

Lâu nay, 18 ban võ nghệ được tượng trưng bằng 8 món binh khí. Ảnh: Phanxipăng
Lâu nay, 18 ban võ nghệ được tượng trưng bằng 8 món binh khí. Ảnh: Phanxipăng

Roi / côn

Võ thuật Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản dùng từ 棍棒/ côn bổng, nhằm chỉ gậy cứng với nhiều hình dạng có cấu trúc linh hoạt: Trường côn, trung côn, đoản côn, các khúc côn có hoặc không kết nối. Côn thường được làm bằng gỗ, tre, song / mây, kể cả kim loại. Mối kết nối các khúc côn bằng xích sắt hoặc dây bền chắc như lông đuôi ngựa hoặc tóc người. 
Nguyên lý sử dụng côn dựa trên cơ sở lực ly tâm khi đánh và phản lực khi giật, tạo kỹ thuật chiến đấu đa dạng:

* Loan / khuyên (quay tròn)
* Đả (đánh)
* Thương (đâm)
* Chặn
* Bật
* Xiết

Võ Bình Định gọi côn là roi. Trường côn là roi dài. Đoản côn là roi ngắn. Tề mi côn (võ sinh đứng thẳng, tay kẹp côn thẳng song song cơ thể thì đuôi côn sát mặt đế, đầu côn ngang chân mày) là roi chiến / roi trận. Côn nhiều đoạn liên kết / nunchaku là thiết lĩnh.

Phạm Phong viết trong sách “Lịch sử võ học Việt Nam” (NXB Văn hóa Thông tin, 2012, 2013): “Ở nước ta, việc ra đời roi chiến đấu được xác định rất sớm, từ truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng roi sắt, bằng cây tre ngà, đến Đinh Bộ Lĩnh dùng cây lau tập trận”. Sách vừa dẫn còn cho biết: “Đến gần cuối thời Tây Sơn, còn xuất hiện các loại roi đánh nghịch, roi cộng lực. Loại hình này đã được lưu truyền ở một số dòng tộc võ nổi tiếng ở Bình Định, nhưng tiếc thay đến nay đã bị thất truyền”.

Roi có các phách / chiêu thức riêng rẽ hay liên hoàn dùng để phòng thủ hoặc tấn công đối phương cũng sử dụng roi:

* Bát: Chống thế roi đánh bổ từ trên xuống.
* Bắt: Chống đòn roi đâm vào nửa thân trên.
* Lắc: Gạt và né roi đâm từ thắt lưng trở lên.
* Tém: Gạt đầu roi của đối phương đâm thẳng.
* Triệt: Chống đòn roi đánh tạt ngang sườn.
* Chận: Chống thế roi đánh phất cờ (từ dưới lên).
* Khắc: Làm lệch hướng tấn công bằng roi của đối phương.
* Hoành: Chuyển roi ngang bên trái sang bên phải hoặc ngược lại để lựa thế thuận tiện mà tung đòn.

Cùng bộ tay (quyền), bộ chân (cước), roi là binh khí lừng lẫy của võ Bình Định đã được tục ngữ, ca dao ghi nhận như “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” và:

Ai về Bình Định mà coi,
Đàn bà cũng giỏi múa roi, đi quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ