15 ngày tăng cường giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh: Nhiều kết quả khả quan

GD&TĐ - Thông tin đánh giá sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/8/2021 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được đưa ra tại buổi họp chiều 7/9.

Phó Ban chỉ đạo TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải. Ảnh: TTBC TP Hồ Chí Minh.
Phó Ban chỉ đạo TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải. Ảnh: TTBC TP Hồ Chí Minh.

Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm)

Phó Ban chỉ đạo TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, việc thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” đã có chuyển biến rõ rệt; lưu lượng phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8/2021; các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận người dân ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

Trong quá trình thực hiện tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23/8, Thành phố đã linh động, kịp thời giải quyết những vướng mắc khi kiểm soát các phương tiện và đối tượng lưu thông, vừa đảm bảo hạn chế tối đa lưu thông, nhưng vẫn phải đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Từ ngày 23/8/2021, thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong hai tuần vừa qua, số ca phát hiện của thành phố tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca F0.

Thành phố đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục.

Ngoài ra còn tăng cường công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà từ xa qua các tổng đài 1022, các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa. Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm); tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân Covid-19 (trong hệ thống 3 tầng điều trị) để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.

Thành phố có trên 177.300 người tham gia phòng, chống dịch

Về nhân lực tham gia phòng, chống dịch, tính đến nay, Thành phố có trên 177.300 người, trong đó, tiếp nhận trên 24.000 người từ các Bộ ngành tăng cường, hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã cử 312 tổ công tác với trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức xuống tăng cường, hỗ trợ cho Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tham gia phòng, chống dịch, trong đó lực lượng chủ yếu là lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành Thành phố.

Về công tác chăm lo an sinh xã hội, Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân Thành phố trong tổng số 2 triệu túi an sinh. Chương trình SOS của Trung tâm an sinh Thành phố đã hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời, vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng.

Nhìn chung, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, nhiều lực lượng được huy động để thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân, do đó có lúc có nơi vẫn còn tình trạng người dân bức xúc vì chưa được hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đồng đều. Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

 Thành phố đã quán triệt tốt và chuẩn bị các bước triển khai chu đáo

Đánh giá kết quả sau 15 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phó Ban chỉ đạo Thành phố Phạm Đức Hải nêu rõ, Thành phố đã quán triệt tốt và chuẩn bị các bước triển khai chu đáo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố.

Công tác triển khai nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương, tạo chuyển biến mạnh trong cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”; lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô, trò Trường Tiểu học Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ) trong giờ thực hành lập trình, điều khiển Robot. Ảnh: Q. Ngữ

Giáo dục STEM vươn tầm

GD&TĐ - Trong những năm qua, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại TP Cần Thơ đạt những kết quả đáng khích lệ.

Minh họa/INT

Bất đồng trước chuyển giao

GD&TĐ - Những ngày sắp tới được dự báo sẽ có nhiều quyết định được đưa ra tại Mỹ, tạo ra sự khác biệt lớn giữa chính quyền của ông Biden và ông Trump.