Cần thay đổi sâu sắc trong hoạt động
Dưới sự dẫn dắt của GS William Ripple và Christopher Wolf ở ĐH bang Oregon (Mỹ), các nhà khoa học khẳng định, nếu không có những thay đổi sâu sắc và bền vững trong hoạt động, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn “những nỗi đau khổ khôn lường của nhân loại”.
Trong tuyên bố đăng tải trên tạp chí Bioscien của Viện Khoa học Sinh học Mỹ, với chữ ký của 11.000 nhà khoa học thuộc 153 quốc gia, các tác giả đã đưa ra một loạt các hành động cần thiết để ngăn chặn hậu quả biến đổi khí hậu. Một số hành động được xem là đương nhiên; tuy nhiên một số hành động khác còn gây ra tranh luận trái chiều.
“Mặc dù các đàm phán liên quan đến khí hậu kéo dài từ 40 năm nay, nhưng nhân loại vẫn chưa thay đổi được hành vi và chưa có hoạt động phù hợp để ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Sự biến đổi khí hậu hiện nay mạnh mẽ hơn so với dự đoán của các nhà khoa học” - GS William Ripple cho biết.
Các tác giả bản tuyên bố cho biết, kiến thức khoa học về nguy cơ biến đổi khí hậu được củng cố sau Hội nghị Khí hậu thế giới lần đầu tiên, được tổ chức tại Geneva năm 1979. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa hạn chế được phát thải khí nóng. Các tác giả bản tuyên bố cũng chỉ rõ trách nhiệm đạo đức của nhà khoa học trong cảnh báo nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cũng nhận diện một số ít tín hiệu tích cực, trong số đó có sự gia tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong các biểu hiện đáng lo ngại trong hoạt động của con người có sự gia tăng chăn nuôi, giảm diện tích rừng, gia tăng phát thải carbon dioxide. Để thay đổi thực trạng, đạt được các mục tiêu thiết yếu, cần “chuyển đổi mạnh mẽ cách thức hành động và cách tương tác với các hệ sinh thái trên quy mô toàn cầu”.
Những hành động cần thiết
Các tác giả bản tuyên bố chỉ ra 6 hành động cần thiết, đó là: Liên quan đến nhu cầu cải tạo các hệ thống năng lượng, các tác giả đề xuất đưa vào cuộc sống các kỹ năng bảo vệ môi trường; Chuyển đổi từ nguồn năng lượng dưới dạng nhiên liệu mỏ sang các nguồn năng lượng tái tạo, carbon thấp; Hạn chế sự hỗ trợ đối với các tập đoàn năng lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt; Tăng thuế nhiên liệu carbon để hạn chế sử dụng nhiên liệu mỏ.
Các nhà khoa học đề xuất nhanh chóng hạn chế phát thải các chất gây ô nhiễm ngắn hạn, trong đó có methane, bồ hóng, các chất hydrofluorocarbon. Điều này sẽ giúp giảm tốc độ nóng lên toàn cầu trên 50% trong vòng vài thập niên tới.
Các tác giả bản tuyên bố kêu gọi tái xây dựng môi trường tự nhiên, trong đó có rừng, đồng cỏ, đầm lầy, hồ nước… để hấp thụ nhiều dioxide carbon trong khí quyển hơn.
Kêu gọi mọi người ăn nhiều rau xanh, ăn ít thịt hơn. Sự thay đổi thói quen dinh dưỡng này có thể hạn chế phát thải methane và các loại khí nóng khác; Đồng thời làm gia tăng diện tích đất canh tác dành cho sản xuất trực tiếp lương thực cho con người, thay cho đất dùng để chăn nuôi. Việc hạn chế lãng phí lương thực cũng có ý nghĩa quan trọng.
Các nhà nghiên cứu trong Liên minh các nhà khoa học thế giới (Alliance of World Scientists) đề nghị thay đổi nền kinh tế thế giới thành kinh tế không phát thải khí nóng, sử dụng các hệ sinh thái cho nền kinh tế cân bằng.
Các tác giả kiến nghị giữ ổn định dân số thế giới (hiện có tốc độ gia tăng 200.000 người/ngày). Họ cũng đề xuất các phương pháp bảo đảm công bằng xã hội và kinh tế. Theo các nhà khoa học, cũng đã có những chuyển biến để lạc quan: Nhận thức xã hội về nguy cơ biến đổi khí hậu tăng lên rõ rệt; Tuyên bố của các chính phủ; Các cuộc bãi khóa, các bản án liên quan đến biến đổi khí hậu.
Mặc dù phép đo nhiệt độ bề mặt Trái đất vẫn là chỉ báo quan trọng và chủ yếu đối với các quá trình diễn ra trong khí quyển, nhưng vẫn cần chú ý đến các thông số khác liên quan đến hoạt động của con người; trong đó có sự gia tăng dân số, vấn đề tiêu thụ thịt động vật, chặt phá rừng. sử dụng năng lượng hoặc thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Việc theo dõi các thông số này có thể thuyết phục dư luận xã hội, các chính trị gia, các doanh nghiệp thực hiện các thay đổi cần thiết.