100% nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3, lớp 4

GD&TĐ - 100% nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là các Ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%).

Thầy trò Trường PTLC Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học.
Thầy trò Trường PTLC Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội trong giờ học.

Nội dung này được Bộ GD&ĐT công bố tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục tiểu học.

Nhiều giải pháp khắc phục điều kiện đội ngũ

Bộ GD&ĐT cho biết, trước thềm năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3816/BGD&ĐT-GDTH gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai dạy học các môn Ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 và Công văn số 3818/BGD&ĐT-GDTH gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, thành phố tích cực triển khai các điều kiện để tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình Chương trình GDPT 2018 kịp thời, hiệu quả.

Việc triển khai tiếng Anh lớp 3 và lớp 4 là bắt buộc theo quy định của Chương trình GDPT 2018. Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố, các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và toàn bộ các cơ sở giáo dục, 100% các nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là các Ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%).

Các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng giáo viên, thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt các hình thức học tập khác nhau trên cơ sở nguồn giáo viên thực hiện chương trình còn thiếu.

Một số giải pháp bao gồm: vận dụng kho bài giảng, học liệu điện tử môn Tiếng Anh để tổ chức học tập trực tuyến cho học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường; thực hiện dạy học trực tuyến, học tập trực tiếp qua lớp học ảo, trang bị các điều kiện về công nghệ để một giáo viên tại một thời điểm có thể giảng dạy cho hơn một lớp học tại những vị trí địa lý khác nhau; tăng cường tổ chức dạy học qua truyền hình đan xen với các hình thức học tập khác.

Quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

Cơ sở vật chất (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối Internet) đã được chú trọng đầu tư phục vụ việc dạy và học theo hình thức cuốn chiếu từ lớp dưới lên.

Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy tiếng Anh đều có thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác dạy học.

Nhiều cơ sở giáo dục đã được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại như tivi thông minh có kết nối mạng Internet, bảng tương tác với nguồn học liệu phong phú đã tác động tích cực đến chất lượng học tiếng Anh của học sinh tiểu học.

Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn và triển khai SGK và tài liệu tham khảo trong dạy học tiếng Anh, tận dụng nguồn tài liệu tham khảo phong phú và đa dạng theo đặc thù môn học để hỗ trợ quá trình dạy học.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục chưa trang bị đủ các SGK trong danh mục SGK được phê duyệt của Bộ GD&ĐT để giúp giáo viên nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy cũng như công tác dạy học.

Một số địa phương chưa chú trọng công tác bổ sung tài liệu, truyện, sách báo, tạp chí bằng tiếng Anh tại thư viện để hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, tham khảo và giải trí của giáo viên và học sinh.

1.jpg

Tích cực thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện

Năm học 2023-2024 là năm tiếp tục duy trì và nâng cao số lượng học làm quen tiếng Anh ở lớp 1 và lớp 2; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả dạy học tiếng Anh bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và tổ chức dạy học tiếng Anh tự chọn ở lớp 5.

Với sự tham mưu quyết liệt của ngành GD&ĐT, các địa phương đã rất nỗ lực, đặc biệt là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để có thể đưa môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc ở lớp 3 theo quy định.

Số lớp 1 và lớp 2 được học làm quen tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được duy trì và đạt mức trên 70% trong tổng số học sinh lớp 1 và lớp 2.

Các địa phương đã tích cực thực hiện các công tác bao gồm sử dụng hình thức xã hội hóa để tổ chức học tự chọn tiếng Anh. Một số địa phương đã triển khai trên 90% bao gồm: Hà Nội (98,5%); TP. Hồ Chí Minh (98%); Hải Phòng (trên 96%); Bình Dương (100%); Hưng Yên (100%); Ninh Bình (95,2%) …

Số lớp 3, lớp 4 được học tiếng Anh hiện chiếm 99,98% tổng số lớp 3, lớp 4 trên cả nước (0,02% còn lại là các lớp học sinh khuyết tật không tổ chức học tiếng Anh). Tỷ lệ lớp 3, lớp 4 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85% (còn 0,15% lớp 3, lớp 4 chưa học đủ 4 tiết/tuần ở một số cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa).

Kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực và đồng bộ từ các chỉ đạo, tìm kiếm các giải pháp của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT và quyết tâm thực hiện của các nhà trường trong những năm đầu thực hiện chương trình tiếng Anh bắt buộc từ năm học 2022 – 2023.

Với học sinh lớp 5 tiếp tục duy trì việc học tiếng Anh theo chương trình tiếng Anh thí điểm và chương trình tự chọn theo Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, do tập trung giáo viên tiếng Anh cho việc dạy học lớp 3, lớp 4 nên một số nơi thời lượng học tiếng Anh của học sinh lớp 4 và lớp 5 giảm đi.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục đã tích cực thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học Tiếng Anh để tăng cường thời lượng học Tiếng Anh; dạy học Tiếng Anh qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng Anh; tăng cường tổ chức cho giáo viên, học sinh học Tiếng Anh qua truyền hình, các phương tiện truyền thông phù hợp khác và đẩy mạnh thực hành Tiếng Anh qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, các sân chơi, giao lưu phù hợp với học sinh tiểu học.

Nhìn chung, với nỗ lực không ngừng và nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, từ một môn học tự chọn, đến nay tổng số học sinh học tiếng Anh trong cả nước đạt trên 80% (bao gồm cả học sinh lớp 1 và lớp 2 học theo hình thức tự chọn, lớp 3, lớp 4 học theo hình thức bắt buộc, và lớp 5 học theo chương trình thí điểm và hình thức tự chọn).

Tuy nhiên, việc khó khăn còn ở trước mắt khi số lượng giáo viên còn thiếu nhiều và năm học tiếp theo là năm thứ 3 triển khai học bắt buộc ở cả 3 khối lớp 3,4,5 nên đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực hơn nữa và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để có thể triển khai thành công cả về số lượng và chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.